Phản đối nạn thù ghét người châu Á, nhiều người gốc Á ở Mỹ đang dần từ bỏ tên tiếng Anh

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Trong khi nạn thù ghét người châu Á vẫn đang diễn ra ở nhiều nước như Mỹ, Anh, Úc…, thì nhiều người gốc châu Á ở những nước này đang bày tỏ sự tự hào về nguồn gốc của mình bằng cách dùng tên châu Á, từ bỏ những cái tên được “Anh ngữ hóa”.

Giống như nhiều người gốc Á khác, Tshab Her, 29 tuổi, người gốc Hmong, ở Aurora (Illinois, Mỹ), đã luôn dùng thay đổi giữa hai cái tên: Tên châu Á của cô, và tên tiếng Anh là Jennifer. Jennifer là tên hợp pháp, được các thầy cô giáo dùng để gọi. Còn tên Tshab, có nghĩa là “mới mẻ” trong tiếng Hmong, thì chỉ có gia đình và bạn bè thân thiết mới dùng để gọi cô.

Tuy nhiên, Her nói: “Khi dùng tên Jennifer, tôi cảm thấy như mình đang sống một cuộc sống khác với cuộc sống mà mình muốn, với cái tên Tshab”.

Phản đối nạn thù ghét người châu Á, nhiều người gốc Á ở Mỹ đang dần từ bỏ tên tiếng Anh ảnh 1

Tshab Her. Ảnh: Tshab Her.

Việc người gốc châu Á ở Mỹ dùng tên tiếng Anh đã có một lịch sử lâu dài. Họ có thể chọn những cái tên phổ biến như John hay Jennifer, hoặc thay đổi cách phát âm hay cách viết cái tên gốc của mình một chút để phù hợp với những người nói tiếng Anh. Cách làm này rất phổ biến vào thế kỷ thứ 19, một phần là do người châu Á e ngại sự phân biệt chủng tộc và bài ngoại ở Mỹ hồi đó, theo CNN.

Về sau này, người gốc Á tại Mỹ, bao gồm cả người đi làm và du học sinh, thường dùng tên tiếng Anh vì lý do đơn giản nhất là sự thuận tiện. Bởi vì những người nói tiếng Anh thường gặp khó khăn khi phát âm những cái tên “hơi khác”. Ngoài ra, những người làm kinh doanh thì thấy tên tiếng Anh sẽ thu hút khách hàng tốt hơn.

Phản đối nạn thù ghét người châu Á, nhiều người gốc Á ở Mỹ đang dần từ bỏ tên tiếng Anh ảnh 2

Nhiều sinh viên gốc châu Á phải dùng tên tiếng Anh. Ảnh: AberCPC/ Alamy.

Mặc dù vậy, sự phân biệt chủng tộc vẫn xảy ra. Những cái tên châu Á vẫn bị đối xử như là thứ gì đó kỳ lạ, thậm chí còn bị lấy ra để chế giễu trong nhiều trường hợp.

Ví dụ, Thống đốc bang Maine từng đùa cợt về một người gốc Trung Quốc tên là Chiu, và phát âm cái tên này bằng cách giả vờ hắt xì. Năm 2020, một giảng viên ở ĐH Laney đã bảo một nữ sinh viên tên là Phuc Bui Diem Nguyen hãy “Anh ngữ hóa” cái tên tiếng Việt của cô để “tránh bị xấu hổ”, vì chữ Phuc Bui “nghe như một câu chửi trong tiếng Anh”.

Phản đối nạn thù ghét người châu Á, nhiều người gốc Á ở Mỹ đang dần từ bỏ tên tiếng Anh ảnh 3

Phuc Bui Diem Nguyen. Ảnh: ABC News/ KGO.

Nhưng thực tế, càng ngày, sự đa dạng về chủng tộc ở Mỹ càng rõ và mọi người thuộc các chủng tộc đều muốn sự đa dạng này được chấp nhận hoàn toàn. Nhiều người gốc Á, bao gồm cả những người có tiếng tăm, đã nhấn mạnh vào cái tên gốc Á của mình. Như diễn viên hài Hasan Minhaj đã “chỉnh” Ellen DeGeneres ngay trong chương trình của bà về việc phát âm tên anh cho chính xác. Hoặc diễn viên Chloe Bennet đã lên tiếng rằng cô phải đổi họ của mình từ Wang (Vương), vì “Hollywood rất phân biệt chủng tộc”. Hay diễn viên Kelly Marie Tran đã gọi quyết định dùng tên tiếng Anh của gia đình cô là “sự xóa bỏ văn hóa”. Sau đó, cô tuyên bố trên tờ Thời báo New York: “Các bạn có thể biết đến tôi với cái tên Kelly… (nhưng) tên thật của tôi là Loan”.

Phản đối nạn thù ghét người châu Á, nhiều người gốc Á ở Mỹ đang dần từ bỏ tên tiếng Anh ảnh 4

Diễn viên Kelly Marie Tran. Ảnh: Mario Anzuoni/ Reuters.

Giờ đây, trong khi nạn thù ghét người châu Á đang tăng lên ở một số nước phương Tây, thì đã có những dấu hiệu của sự thay đổi trong cộng đồng người gốc Á. Người gốc Á đang dần muốn dùng tên gốc thay vì dùng tên tiếng Anh, như một cách nhấn mạnh vào bản sắc dân tộc của mình.

Trong số 8 nạn nhân của vụ xả súng ở Atlanta vào tháng 3 vừa rồi, có 6 người là phụ nữ châu Á. Sau khi một số hãng tin đưa ra tên nạn nhân nhưng viết không chính xác, rất nhiều người gốc Á đã giận dữ và tỏ thái độ phản đối. Một người viết: “HÃY NGỪNG LÀM SAI TÊN CỦA CÁC NẠN NHÂN”. Cô giải thích: “Những chuyện này có thể chỉ là một chút bất tiện với mọi người. Nhưng những cái tên là bản sắc của chúng tôi. Là di sản của chúng tôi. Cái tên là những gì chúng tôi còn lại, để nhắc chúng tôi rằng mình là ai, mình đến từ đâu”.

Phản đối nạn thù ghét người châu Á, nhiều người gốc Á ở Mỹ đang dần từ bỏ tên tiếng Anh ảnh 5

Người châu Á phản đối nạn phân biệt chủng tộc. Ảnh: Alexandra Wimley/ AP.

Sau khi cân nhắc, Tshab Her cũng đã quyết định bỏ tên Jennifer mà dùng tên Tshab khi cô vào đại học. Cô cảm thấy cái tên gốc tạo động lực cho cô, như sự khẳng định về nguồn gốc của cô. Vốn theo đuổi ngành nghệ thuật, Her còn có một tác phẩm thêu dòng chữ: “Nó (tên cô) được phát âm là Cha”. “Tôi không muốn mình quên đi rằng mình và gia đình mình từ đâu đến” - Tshab Her nói.

Phản đối nạn thù ghét người châu Á, nhiều người gốc Á ở Mỹ đang dần từ bỏ tên tiếng Anh ảnh 9
Theo nhiều nguồn tin
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm