Gần 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay đơn vị là một trong những cánh chim đầu đàn về phát triển KT-XH gắn với quốc phòng an ninh, của Binh đoàn 15, góp phần đáng kể làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng sâu vùng xa biên giới.
Đại tá Đỗ Văn Sang - Giám đốc Công ty 75 kiểm tra cạo mủ cao su. |
Chúng tôi có cuộc trao đổi với Đại tá Đỗ Văn Sang - Giám đốc Công ty 75.
PV: Xin ông giới thiệu những dấu son gần 30 năm xây dựng đơn vị?
Đại tá Đỗ Văn Sang: Công ty 75-Binh đoàn 15 tiền thân là 2 nông trường Ia Krưng, Ia Kriêng, được thành lập ngày 9-6-1984, sau này đổi tên là Nông trường 706 và 707. Tháng 4-1996 đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quá trình xây dựng và trưởng thành của đơn vị bằng việc sáp nhập 2 nông trường thành Công ty 75. Đến nay biên chế tổ chức của đơn vị gồm Đảng ủy, Ban giám đốc, 20 đội sản xuất, 7 phòng ban, đội xe, nhà máy chế biến mủ cao su, bệnh xá, trường mầm non…
Công ty hiện quản lý gần 7.000 ha cao su, 104 ha cà phê có 3.500 lao động trong đó gần 1.400 công nhân là người địa phương, chiếm 42% số công nhân. Ngoài việc trồng cao su ở Gia Lai, đơn vị đã được Binh đoàn giao nhiệm vụ trồng hơn 1.200 ha cao su ở xã biên giới Mo Ray-Sa Thầy-Kon Tum và trồng cao su ở nước bạn Campuchia (CPC).
Năm 2011, Công ty đã trồng hơn 150 ha cao su ở CPC (dự án trồng 5.000 ha), gần 400 ha ở Mo Ray, dự kiến năm 2012 sẽ trồng hơn 2.000 ha cao su ở Kon Tum và ở CPC. Công ty 75 là đơn vị tiên phong của Binh đoàn 15 đầu tư ra nước ngoài. Năm 2010, giá trị sản xuất của đơn vị đạt hơn 688,7 tỷ đồng, bằng 137% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế hơn 274 tỷ đồng, nộp ngân sách 81,6 tỷ đồng
Chức năng nhiệm vụ cơ bản lâu dài của đơn vị được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 giao là phát triển kinh tế xã hội gắn với quốc phòng an ninh (QPAN) xây dựng dân cư xã hội trên địa bàn Đức Cơ và Ia Grai của Gia Lai, biên giới Sa Thầy, Kon Tum và mở rộng đầu tư ra nước ngoài tại CPC.
Tập trung mũi nhọn trồng chăm sóc, khai thác, chế biến cao su, cà phê, góp phần cùng đồng bào các dân tộc xây dựng địa bàn biên giới ngày càng phát triển về kinh tế-xã hội, vững về chính trị, mạnh về QPAN.
Là DN quân đội chuyên về trồng, khai thác, chế biến các sản phẩm từ cây công nghiệp, trên địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đời sống còn lạc hậu, tập quán canh tác chuyên về phát đốt chọc tỉa, hạ tầng kinh tế-xã hội thấp kém… gần 30 năm qua cán bộ, công nhân công ty đã vượt qua muôn vàn khó khăn, đồng cam cộng khổ với dân xây dựng vùng đất đơn vị đứng chân ngày càng thay da đổi thịt, khởi sắc.
PV: Thành quả nổi bật trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xây dựng phát triển đơn vị thể hiện ra sao thưa ông?
Đại tá Đỗ Văn Sang: Được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng, sự đoàn kết gắn bó của cán bộ, công nhân viên toàn đơn vị, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm gần 30 năm qua, đặc biệt là từ năm 1999 đến nay Công ty 75 đã đạt những thành tựu đáng ghi nhận.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị mang lại hiệu quả tốt, doanh thu, lợi nhuận và thu nhập của CNV năm sau cao hơn năm trước. Công ty đã gắn phát triển kinh tế với ổn định đời sống của bà con, giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự trị an trên địa bàn.
Thường xuyên quán triệt quy chế phối hợp “Công ty gắn với huyện, xã, Đội sản xuất gắn với bản, làng; công nhân người Kinh gắn kết với hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu sô”, Công ty 75 và 2 huyện Đức Cơ và Ia Grai tổ chức hội nghị liên tịch mỗi quý một lần, các đội sản xuất thường xuyên gặp gỡ trao đổi với chính quyền địa phương các thôn làng và giao ban mỗi tháng 1 lần.
23 đội sản xuất của công ty kết nghĩa với 49 thôn làng đồng bào địa phương thuộc 7 xã, thị trấn 3 huyện trong nước và 1 địa bàn ngoài nước đơn vị đứng chân; toàn công ty có 615 cặp hộ gia đình được gắn kết giúp đỡ nhau về mọi mặt cuộc sống. Từ những hoạt động này đã giúp nâng cao đời sống của người lao động nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Năm 2010 thu nhập bình quân của người lao động hơn 6 triệu đồng/tháng, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Có hộ công nhân trên địa bàn như Rơ Manh Mrao, Kpuih Quan trở thành tỷ phú thu nhập từ 500-700 triệu đồng/năm.
Phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm vật tư, tận thu sản phẩm được triển khai tích cực, rộng khắp thành ý thức tự giác của người lao động. Công ty mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản lượng cao su tăng 45% so công nghệ cũ. Năng suất mủ khô tăng từ 0,63 tấn năm 1999 lên 1,62 tấn năm 2011. Đi đôi với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đơn vị kiên quyết điều chỉnh, sắp xếp lại bộ máy quản lý theo hướng tinh gọn, đạt tiêu chuẩn 9001-2008.
Công tác xây dựng đơn vị, xây dựng Đảng bộ vững mạnh được Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty đặc biệt quan tâm. Năm 1999 có 112 đảng viên 18 chi bộ thì đến nay có hơn 325 đảng viên ở 32 chi bộ, 100% đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt.
Thường xuyên duy trì và thực hiện nghiêm túc chế độ nề nếp theo đúng Điều lệnh Quân đội, chú trọng xây dựng nề nếp chính quy, tăng cường công tác giáo dục, quản lý cán bộ chiến sĩ, công nhân lao động. Đặc biệt coi trọng công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ tại chỗ, thông qua điều hành công việc giúp cán bộ trưởng thành về mọi mặt.
Đại tá Đỗ Văn Sang - Giám đốc Công ty 75 . |
PV: Được biết Công ty 75 là một trong những DN làm tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn Gia Lai, ông có thể cho biết vài con số cụ thể?
Đại tá Đỗ Văn Sang: Thực hiện nhiệm vụ SXKD phát triển kinh tế gắn với QPAN và phát triển dân cư xã hội trên địa bàn đứng chân, trong những năm qua công ty luôn quan tâm đến việc hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn cũng như hưởng ứng các phong trào do Đảng, Nhà nước phát động.
5 năm qua Công ty đã hỗ trợ làm 25 nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tặng đồ dùng học tập cho học sinh đồng bào dân tộc địa phương; tặng quà học sinh nghèo vượt khó, học giỏi; tặng đồ thể thao cho thanh niên các thôn làng; khám chữa bệnh miễn phí cho trên 5 ngàn lượt người, hỗ trợ gần 70 tấn gạo lúc giáp hạt…
Hàng năm lãnh đạo công ty và các đội thường xuyên thăm hỏi tặng quà cho các gia đình chính sách nhân ngày TBLS, lễ, tết; thăm hỏi gia đình neo đơn, ốm đau, tham gia các hoạt động từ thiện xã hội. Vận động nhân dân ở các thôn, làng tích cực xây dựng khu dân cư và gia đình văn hoá. Mối đoàn kết giữa đơn vị với địa phương ngày càng chặt chẽ hơn.
Công ty phát động công nhân có kỹ thuật, tay nghề cao xuống bản, làng hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, ủng hộ giống, vốn để bà con người địa phương phát triển sản xuất, cải tạo vườn tạp tăng thu nhập, làm giàu trên quê hương của mình.
Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc nghèo đói trên địa bàn đã giảm đáng kể, nhiều buôn làng đổi thay nhanh chóng. Hàng năm công ty đã trích quỹ phúc lợi nhiều tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, tu sửa đường giao thông, trường học, xây dựng nhà rông văn hoá, hỗ trợ kinh phí cho các đoàn thể địa phương hoạt động.
Phong trào thi đua phát triển kinh tế hộ gia đình công nhân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, trên 70% hộ gia đình có vườn cây ao cá; 80% có nhà xây cấp 4,100% hộ có ti vi, xe máy, điện sinh hoạt. Trên 95% gia đình cán bộ CNLĐ đạt gia đình văn hoá, 100% khu dân cư đạt khu dân cư văn hoá.
Thực hiện phong trào xanh-sạch-đẹp, 100% đơn vị đăng ký tham gia xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở. Phong trào văn hoá văn nghệ của Công ty 75 được đánh giá là đơn vị mạnh của Binh đoàn, trong năm 2010 có trên 300 lượt tổ chức giao lưu bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, 149 lượt tổ chức cuộc thi, hội diễn tọa đàm. Đơn vị đạt giải nhì hội thi quốc phòng và giải xuất sắc hội diễn quần chúng cấp Binh đoàn.
Từ những thành tích xuất sắc của đơn vị hàng năm công ty liên tục nhận được Cờ thi đua, Bằng khen của Chính phủ, các bộ ngành TW, Binh đoàn và tỉnh Gia Lai.
PV: Xin cảm ơn ông.
Huỳnh Kiên