Phân ban THPT: 'Phép thử' đã phá sản

Phân ban THPT: 'Phép thử' đã phá sản
TP - Chương trình thí điểm phân ban mở rộng THPT mới đi được hơn một năm và đã có rất nhiều người đánh giá chương trình đã hoàn toàn bị phá sản.

Khi chương trình bắt đầu được thí điểm, đã có nhiều ý kiến cho rằng: Học sinh và thầy cô không phải là những con chuột bạch để đưa ra làm “phép thử”!

Ban KHXH&NV “đi” trước

Trên trang web edu.net của Bộ GD&ĐT, từng có một câu chuyện được đưa lên và nhận được rất nhiều sự quan tâm là chuyện về việc trường THPT Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Ngày 18/9/2006, Ban giám hiệu trường THPT Bảo Lộc đọc quyết định xóa sổ ban Khoa học Xã hội - Nhân văn (KHXHNV) của Sở GD&ĐT Lâm Đồng cho toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh trong trường cùng nghe.

Theo sự tường thuật của thành viên chuotconchitchit trên diễn đàn, điều này làm hài lòng tất cả các phụ huynh và học sinh nhưng không tạo được sự đồng tình của giáo viên trong trường.

Khi nhà trường thực hiện chủ trương phân ban mở rộng của Bộ GD&ĐT, số học sinh nộp đơn vào học ban KHXHNV quá ít ỏi. Để có thể duy trì ban này, trường THPT Bảo Lộc đã chuyển 20 học sinh từ các ban khác qua và không cho các em chuyển sang ban khác nữa.

Tuy rằng trong hồ sơ có ghi rõ “cam đoan phân theo sự sắp xếp của nhà trường” nhưng trước tình hình này, các phụ huynh có con em vào lớp 10 ban KHXHNV này đều lên tiếng phản đối.

Thậm chí, các phụ huynh này còn thách thức, gây áp lực đến BGH nhà trường đòi chuyển ban cho con em mình. Trước tình hình khá căng thẳng này, Sở GD&ĐT Lâm Đồng đã có quyết định xóa bỏ lớp 10 ban KHXHNV  này.

Tại Lâm Đồng, không chỉ trường THPT Bảo Lộc mới bị xóa sổ lớp phân ban KHXHNV mà trường THPT Bán công Nguyễn Du cũng phải đóng ban này lại vì chỉ học 1-2 tuần là học sinh chuyển qua các ban khác học gần hết.

Trên thực tế, trong cả nước, từ khi áp dụng phân ban THPT gồm 3 ban thì ban KHXHNV dần dần đứng trước nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn trong ngày một ngày hai.

Chỉ tính riêng tại Hà Nội và TPHCM, có rất nhiều trường không có ban KHXHNV. Những trường chỉ có 1-2 lớp thì nhiều vô số kể: THPT Thăng Long, THPT Nguyễn Gia Thiều… (Hà Nội); THPT Nguyễn Thượng Hiền, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Nguyễn Thị Diệu… (TPHCM).

Phá sản vì sách giáo khoa

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc- Hiệu trưởng trường THPT Gia Định (TPHCM) nêu lên thực trạng ở ngay chính trường mình: Tất cả các giáo viên trong trường đều cho rằng sách giáo khoa (SGK) phân ban quá nặng, cần phải giảm tải.

Theo những giáo viên này, với chừng đó kiến thức trong SGK, các thầy cô không thể nào truyền đạt được những kiến thức một cách sâu và đầy đủ. Để “cứu” học sinh, trường THPT Gia Định đã chấp nhận “vượt rào” bằng cách tự rút bớt chương trình trong SGK để học sinh và chỉ dạy những nội dung cần thiết nhất.

Việc “xé rào” như trường THPT Gia Định và dám công khai chuyện này dù sao cũng chỉ là thiểu số. Các trường khác có lớp phân ban sẽ dạy qua loa cho đủ thời lượng hoặc rút bớt một số bài học nếu cảm thấy không cần thiết.

Không hiểu những người biên soạn SGK sẽ nói gì nếu nhận được những dòng tâm sự rất chán chường của một học sinh học phân ban trường THPT Trần Phú (Hà Nội): “Cháu cũng nghĩ học phân ban là nặng nhưng không ngờ lại quá khủng khiếp như thế này.

Môn Vật lý, môn Đại số, Hình học quá nặng, cháu không thể hiều nổi người ta viết những gì. Bài này chưa kịp hiểu thì đã sang bài khác, cho công thức mà chẳng biết áp dụng như thế nào, lúc muốn xem bài giải (ở cuối sách Bài tập) để hiểu cách làm thì chỉ ghi đáp số hoặc ghi cách giải một cách sơ sài….

Vì vậy, cháu rất mong mỏi các bác ở Bộ hãy làm một cuộc thăm dò ý kiến của học sinh phân ban xem, có lẽ các bác sẽ bị sốc nhiều đấy”.

Thậm chí, ngoài chuyện đồng cảm, các học sinh nhiều trường THPT có lớp phân ban còn lập ra hẳn một forum để cùng nhau bàn luận về việc này.

Trên edu.net, một giáo viên dạy THPT có con là học sinh giỏi ở lớp 9, hiện nay đang ôn tập để thi tốt nghiệp có hôm còn khóc mà nói rằng “văn mà cô cũng bắt học thuộc dàn ý”!??

MỚI - NÓNG