Phạm nhân có 2 tiền án trở lên không được lao động ngoài trại giam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với 93,78% đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, sáng 16/6. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2022 và thực hiện trong 5 năm.

Thí điểm không quá 1/3 trại giam của Bộ Công an

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga cho biết, nhiều ý kiến tán thành dự thảo Nghị quyết quy định giao Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hợp tác tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; có ý kiến đề nghị giao thẩm quyền này cho Bộ Công an.

Phạm nhân có 2 tiền án trở lên không được lao động ngoài trại giam ảnh 1

93,78% đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua - Ảnh: Như Ý

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, quy định giao Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hợp tác giữa Trại giam và tổ chức trong việc tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là phù hợp với quy định về phân cấp quản lý của Bộ Công an. Đồng thời, quy định này thống nhất với Luật Thi hành án hình sự về thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tổ chức lao động của phạm nhân.

Về phạm vi áp dụng thí điểm, nhiều ý kiến tán thành dự thảo Nghị quyết quy định số trại giam được áp dụng thí điểm không quá 1/3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an; có ý kiến đề nghị không nên giới hạn số lượng trại giam thí điểm mà trại giam nào đủ điều kiện đều có thể được áp dụng thí điểm.

Theo UBTVQH, việc thí điểm tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam có liên quan chặt chẽ đến các điều kiện của trại giam và khả năng hợp tác với doanh nghiệp, yêu cầu bảo đảm ANTT cũng như các yếu tố khác có liên quan, nên cần giới hạn số lượng trại giam được thí điểm.

Qua cân nhắc, đánh giá nhiều mặt, UBTVQH tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, đề nghị Quốc hội cho áp dụng thí điểm không quá 1/3 tổng số trại giam của Bộ Công an.

Đối với nguyên tắc thực hiện thí điểm, nhiều ý kiến tán thành quy định của dự thảo Nghị quyết về trả một phần công lao động thống nhất với quy định của Luật Thi hành án hình sự; có ý kiến đề nghị quy định việc trả công cho phạm nhân lao động ngoài trại giam theo quy định của pháp luật về lao động nhằm bảo đảm tuân thủ Công ước 29 và Công ước 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định hiện hành về việc chi trả cho phạm nhân 12% giá trị lao động.

Bà Lê Thị Nga cho biết, theo quy định của Luật Thi hành án hình sự thì lao động vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền của phạm nhân. Chế độ lao động của phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động.

Kết quả rà soát của Chính phủ cho thấy, các quy định của dự thảo Nghị quyết đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của Công ước 29 về lao động cưỡng bức và Công ước 105 về loại bỏ lao động cưỡng bức. Đồng thời, lao động của phạm nhân trong hay ngoài trại giam đều không hội tụ đủ các yếu tố như lao động ngoài xã hội (về tính chất lao động, về giá trị sản phẩm…). Vì vậy, quy định trả công lao động cho phạm nhân lao động ngoài trại giam theo pháp luật lao động là không có cơ sở.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và văn bản quy định chi tiết của Chính phủ, kết quả lao động của phạm nhân ngoài việc thanh toán một phần công lao động (tỷ lệ 12%) thì toàn bộ phần kết quả lao động còn lại được sử dụng để nâng cao chế độ ăn, lập quỹ tái hòa nhập cộng đồng và đầu tư trở lại phục vụ việc tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân.

Từ những vấn đề trên, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về nguyên tắc trả một phần công lao động.

2 tiền án trở lên không được lao động ngoài trại giam

Về các trường hợp phạm nhân không được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho biết, nhiều ý kiến tán thành quy định về các trường hợp phạm nhân không được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam; có ý kiến đề nghị sửa quy định tại điểm b, chỉ loại trừ đối với phạm nhân có từ 2 tiền án trở lên về tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

UBTVQH thấy rằng, trên cơ sở tổng kết thực tiễn công tác quản lý giáo dục, cải tạo, lao động của phạm nhân, Chính phủ đã cân nhắc kỹ lưỡng các điều kiện không đưa phạm nhân ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, trong đó có quy định loại trừ đối với phạm nhân có từ 2 tiền án trở lên. Quy định này vừa bảo đảm mục đích của chính sách thí điểm vừa đáp ứng mục tiêu bảo đảm an toàn, ANTT.

Đồng thời, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện để bảo đảm chặt chẽ, thận trọng và hiệu quả trong thực tiễn. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, xin Quốc hội cho giữ nội dung quy định của dự thảo Nghị quyết và chỉ chỉnh lý thêm về kỹ thuật văn bản.

Về thời gian thí điểm, nhiều ý kiến tán thành với thời gian thực hiện thí điểm là 5 năm; một số ý kiến đề nghị thí điểm 3 năm để khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự quy định chính thức mô hình này. Tuy nhiên, UBTVQH cũng nhận thấy, quy định thời gian thực hiện thí điểm 5 năm như dự thảo Nghị quyết là phù hợp để có đủ thời gian tổng kết, đánh giá hiệu quả thí điểm và bảo đảm quyền lợi cho các tổ chức đã đầu tư cơ sở vật chất hợp tác với trại giam.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.