Phạm Hoài Thanh: Tôi yêu quí những nhân vật nữ hơn...

Phạm Hoài Thanh: Tôi yêu quí những nhân vật nữ hơn...
TP - Qua hai triển lãm “Cuộc sống vẫn tiếp diễn” (Life going On), nhà nhiếp ảnh Phạm Hoài Thanh đã ghi lại những câu chuyện thật độc đáo bằng hình ảnh. Anh trao đổi với Tiền Phong.
Phạm Hoài Thanh: Tôi yêu quí những nhân vật nữ hơn... ảnh 1
Trong ngày tiêm chủng định kỳ, bác sĩ Bùi Thị Kim Cúc (Trưởng trạm y tế thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn) phải làm việc rất căng thẳng mới hoàn thành công việc

Với những bức ảnh của anh, qua hai triển lãm “Cuộc sống vẫn tiếp diễn” người ta thấy anh có mối liên hệ rất chặt chẽ với các nhân vật của anh, những người đang sống chung với HIV, rõ ràng ở đây không chỉ là việc sử dụng máy ảnh. Vậy việc giữ liên hệ này được tiến hành ra sao?

Công ty chúng tôi có nhiều khách hàng là các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng nên tôi thường xuyên cập nhật thông tin về HIV/AIDS.

Một quy luật rất tự nhiên là những lĩnh vực chúng ta có kiến thức sẽ lôi cuốn chúng ta tập hợp thông tin và tìm hiểu sâu hơn về nó.

Mặt khác, sau triển lãm lần trước tôi gần như có được sự tin tưởng của cộng đồng những người có HIV, họ thường xuyên gửi thông tin cho tôi và thỉnh thoảng tôi cũng cập nhật thông tin về họ qua những bạn bè làm việc trong lĩnh vực phòng chống HIV.

Để có được các tác phẩm triển lãm, anh phải chụp như thế nào? Nói đúng hơn, anh đã phải làm việc ra sao?

Trước tiên, tôi xin đính chính rằng đây đơn thuần chỉ là những báo cáo bằng hình ảnh. Triển lãm lần đầu cách đây 3 năm chúng tôi chuẩn bị và thực hiện mất 3 năm.

Phương pháp của tôi cũng không khác gì các phóng viên báo chí khác nhưng số thời gian tôi dành để truyện trò với họ nhiều hơn thời gian bấm máy rất nhiều.

Có thể thấy anh khá gắn bó với nhiều người trong số họ, anh có thể kể một vài câu chuyện? Những cơ duyên nào đưa anh đến với các nhân vật của mình?

Công việc chính của tôi là thiết kế đồ họa, thêm tí “máu” nhiếp ảnh do bố mẹ tôi đều là nghệ sĩ nhiếp ảnh và đã từng làm việc một thời gian trong ngành báo chí nên tôi cho rằng truyền thông về HIV/AIDS cần phải có người thực, việc thực, hình ảnh thực để xã hội nhìn rõ và đúng về căn bệnh này.

Năm 2003, tôi đem ý tưởng này bàn với các anh chị ở Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội và được mọi người ủng hộ. Sau một thời gian tìm kiếm vận động chúng tôi được sự đồng ý của bạn Phạm Thị Huệ (sau này được phong danh hiệu “Anh hùng châu Á năm 2004”).

Đầu năm 2004 chúng tôi ấn hành cuốn Sổ lịch mà trong đó cung cấp thông tin dành cho những người có HIV và gia đình họ. 12 trang lịch chính là câu chuyện một ngày bình thường của một người đang sống chung với HIV.

Phạm Hoài Thanh: Tôi yêu quí những nhân vật nữ hơn... ảnh 2
Cháu Trương Văn Đông (Cai Lậy, Tiền Giang) sống với bà nội trong căn nhà bố mẹ để lại. Cháu được bà con lối xóm, các cô bác trong Câu lạc bộ Niềm Tin quan tâm hỗ trợ trong cuộc sống cũng như tiếp cận điều trị

Phải nói thêm rằng lúc đó những áp phích tuyên truyền về HIV vẫn đầy những đầu lâu xương chéo và hình thù của những con ma nên bộ ảnh “Một ngày của Huệ” với nhân vật chính xinh đẹp, nết na đã tạo ra một sự thay đổi đáng kể. Nhận thấy hướng đi đúng chúng tôi quyết định thực hiện một triển lãm ảnh về đời sống tích cực của những người có HIV.

Được biết, anh còn là nhà báo, nhà thiết kế mỹ thuật, việc nhiếp ảnh có vị trí ra sao trong đời sống của anh?

Tôi chụp ảnh như một thói quen để hoàn thiện nghề thiết kế và ngược lại. Ngoài ra kho tư liệu ảnh với hầu khắp các tỉnh thành trong các nước cũng giúp tôi nhiều trong công việc.

Có người cho rằng nhiếp ảnh với “người thật, việc thật” như những ảnh mà anh đem trưng bày trong triển lãm này không phải là nghệ thuật. Đối với họ, ảnh phải là thiếu nữ, hoa, phong cảnh... Anh nghĩ sao?

Nhiếp ảnh là một thế giới vô cùng rộng lớn mà mỗi người chỉ sờ tới một góc nhỏ. Tôi thích được gọi là nhà nhiếp ảnh chứ không phải là nghệ sĩ. Tôi cũng thích chụp ảnh thông tin báo chí vì qua nó tôi cảm thấy sự hữu ích của mình rõ ràng hơn.

Anh có ấn tượng nhất với cuộc đời của nhân vật nào?

Tôi luôn cố gắng công bằng và khách quan với các nhân vật của mình. Tất nhiên Huệ là người đầu tiên tôi chụp nên tôi vẫn giữ một ấn tượng tốt về cô ấy. Với những thông tin mà tôi biết được về Huệ thì cô ấy đã và đang làm được những công việc đáng nể.

Thực lòng mà nói tôi yêu quý những nhân vật nữ hơn một chút bởi đa phần họ là những người không may bị lây HIV qua chồng, họ cũng thể hiện được ý chí và nghị lực trong đời sống riêng và công cuộc phòng chống HIV.

Xin cảm ơn anh.

Một chàng họa sĩ sống 16 năm với AIDS, một người đàn ông đã nhiễm HIV nhưng vẫn đang từng giờ vật lộn để giải thoát bao thanh niên khỏi nguy cơ của AIDS, một thanh niên từ xứ đảo trở về với những dấu ấn của thần chết đã trở thành trụ cột của gia đình, một cô bác sĩ xinh đẹp nhiễm HIV với hành trình từ che giấu đến công khai căn bệnh của mình, một em bé mồ côi sống giữa sự đùm bọc của cộng đồng... Đó là những gì có thể thấy ở triển lãm nhà nhiếp ảnh Phạm Hoài Thanh
MỚI - NÓNG