Theo mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ đạt ít nhất 35% vào năm 2020.
Rõ ràng các nữ doanh nhân Việt Nam ngày càng khẳng định bản lĩnh, tài năng và sự bền bỉ trong sự nghiệp kinh doanh; nhiều người có tinh thần học hỏi, tiếp cận và tiếp thu những ý tưởng mới. Không ngừng nâng cao, thay đổi tư duy lãnh đạo nhằm đưa DN phát triển lớn mạnh theo thời gian.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, bên cạnh những thách thức chung do khủng hoảng kinh tế hay hạn chế về năng lực kinh doanh, thì kinh nghiệm quản lý, sự am hiểu và tuân thủ luật pháp trong nước và quốc tế, năng lực cạnh tranh và hội nhập cũng đang là những vấn đề cấp thiết đặt ra đối với đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung và cộng đồng nữ doanh nhân nói riêng.
Các doanh nghiệp do phái đẹp làm chủ đa phần là các DN vừa và nhỏ với những hạn chế dễ nhận thấy như hoạt động chưa có tính chiến lược lâu dài, tư duy lãnh đạo theo kiểu truyền thống, phong trào nên ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững.
Vấn đề đặt ra cho các nữ doanh nhân là cần phải có cách tiếp cận, tư duy mới về quản trị rủi ro, quản trị nhân sự, tính tuân thủ, phát triển thương hiệu, xây dựng các mối quan hệ hợp tác chiến lược,…. Những vấn đề này cần được sự quan tâm, đầu tư đúng mức.
Phát biểu tại diễn đàn “Nữ Doanh nhân Việt Nam – Lãnh đạo doanh nghiệp nhằm tăng trưởng bền vững” diễn ra tại Hà Nội ngày 20/11, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hiệp hội nữ Doanh nhân Hà Nội đã khẳng định rằng, cần phải thay đổi tư duy trong cộng đồng nữ doanh nhân.
“Nếu không thay đổi tư duy, đặc biệt là tư duy lãnh đạo để dấn thân một cách mạnh mẽ và bản lĩnh với chiến lược và tầm nhìn tốt, hiểu biết và tuân thủ các quy định của luật pháp trong nước và quốc tế, việc bị tụt hậu và bị loại khỏi cuộc chơi là điều khó tránh khỏi”, bà Thanh nói.
Cùng quan điểm, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ông Joakim Parker thừa nhận: “Cộng đồng nữ doanh nhân Việt Nam có tiềm năng. Song họ cần chuẩn bị trước các xu hướng và đón nhận các cơ hội trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế của Việt Nam, bao gồm cả đầu tư nước ngoài, Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cam kết Một cộng đồng Kinh tế ASEAN”.