Phải tuyên chiến với giả dối

TP - “Điểm yếu nhất trong văn hóa hiện nay là sự lên ngôi của tính giả dối. Sự giả dối đã tồn tại quá lâu trong đời sống xã hội. Vì thế, chúng ta phải tuyên chiến với sự giả dối trong mọi mối quan hệ, công việc, lấy lại sự trong sạch, trung thực. Trong việc này, thanh niên phải biết lên tiếng”. Đó là những ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tại tọa đàm góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng ngày 25/10.
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Đông Hà.

Tọa đàm với chủ đề: “Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ, xung kích đi đầu trong xây dựng đất nước”, do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, T.Ư Đoàn phối hợp tổ chức.

Tại buổi tọa đàm nhiều đại biểu cũng cho rằng, giá trị trung thực đang bị nhìn nhận một cách hời hợt, còn sự giả dối được xã hội công nhận và tồn tại một cách nhức nhối, nghiêm trọng.

Anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho rằng, văn hóa là nền tảng của sự phát triển, xây dựng văn hóa bắt đầu từ người trẻ. Với người trẻ hiện nay, có 3 vấn đề cần được quan tâm đề cao: Lòng yêu nước; trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và tính trung thực. Trong đó, tính trung thực có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc sống hiện nay, mỗi người trẻ cần được nuôi dưỡng, phát huy để làm nền tảng cho sự phát triển. Bên cạnh đó, cần có môi trường văn hóa lành mạnh để người trẻ được dưỡng tâm trong sáng, có sự định hướng đúng đắn để hướng đến nhiều điều tốt đẹp, tránh xa cái xấu.

“Chúng ta hay nghĩ về văn hóa, về thanh niên ở 2 giai đoạn: Lúc khó khăn nhất thì chúng ta dựa vào nền tảng văn hóa, vào sức trẻ của thanh niên để vượt qua. Ngược lại, lúc thành công chúng ta cũng nhớ đến vì thành tựu có được là nhờ có văn hóa, có thanh niên. Thời cuộc có thể thay đổi nhưng những giá trị văn hóa của ông cha sẽ trường tồn mãi mãi. Thách thức đối với sự phát triển đất nước trong những năm tới là hết sức mạnh mẽ, vì vậy chúng ta kỳ vọng rất nhiều vào thế hệ trẻ, những người có khát vọng, trí tuệ, công nghệ”.

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân

Theo PGS. TSKH Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, để khắc phục sự xuống cấp của đạo đức xã hội cần làm tốt công tác giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ, tạo ra được môi trường tự do, dân chủ, nêu gương, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Trong việc xây dựng nền đạo đức xã hội, gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng. 

“Thực tế hiện nay, nhiều gia đình bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc sống hiện đại, cha mẹ không có thời gian quan tâm, chăm sóc, dạy bảo con cái. Một số chính khách thế giới và các nhà khoa học đạt giải thưởng Nobel cảnh báo rằng, nếu chúng ta không giáo dục tốt thế hệ trẻ, có thể toàn bộ thành tựu mà cách mạng khoa học công nghệ và những văn minh nhân loại tạo ra có thể sẽ trở thành vũ khí chống lại con người, chống lại những nền tảng nhân văn của nhân loại. Những cảnh báo như vậy đáng lưu ý cho chúng ta trong hoàn cảnh hiện nay”, PGS. TSKH Lương Đình Hải lưu ý.

Tạo dựng giá trị văn hóa lãnh đạo

Theo GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, hơn bao giờ hết, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chúng ta cần tạo dựng hệ giá trị văn hóa của con người Việt Nam. Khát vọng cống hiến để đưa đất nước sánh vai cùng các dân tộc trên thế giới phải là niềm khao khát thường trực của con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hôm nay.

Muốn làm được điều đó, theo GS Thuấn, bên cạnh phải chú trọng tạo dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, bình đẳng và nhân văn cho toàn xã hội; đề cao văn hóa gia đình; tạo dựng giá trị văn hóa cho cộng đồng các doanh nhân, doanh nghiệp với nguyên tắc làm giàu cho cá nhân, doanh nghiệp là làm giàu cho đất nước, không chấp nhận làm giàu phi pháp, thiếu nhân văn… thì cần tạo dựng một văn hóa chính trị theo hướng hội nhập. 

“Văn hóa chính trị này không chỉ ở những người tham gia bộ máy công quyền, mà trong mọi tổ chức chính trị, xã hội khác. Sự gương mẫu, hy sinh, chính trực, công minh, tử tế... cần phải được tôn vinh. Tệ tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, cửa quyền, bè phái, vụ lợi... phải được xã hội đồng tình phê phán”, GS. TS Thuấn nhấn mạnh.

GS. TS Lê Hồng  Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa cho rằng, phải nâng cao nhận thức về vai trò, sức mạnh của văn hóa đối với sự phát triển, nhất là trong tình hình hiện nay. Trong đó, có vai trò từ tấm gương của các đồng chí lãnh đạo cấp cao. Khi có những tấm gương tốt, thanh niên sẽ ý thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình cũng như giữ gìn sự phát triển của văn hóa dân tộc.

Theo TS Nguyễn Thiên Tạo, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, để nuôi dưỡng tinh thần, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ xung kích đi đầu trong xây dựng đất nước, cần đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo cơ hội cho mọi thanh niên được học tập, không ngừng nâng cao trình độ. Ngoài ra cần coi trọng hơn nữa việc trọng dụng tài năng trẻ, tạo bước chuyển có tính đột phá trong bố trí và sử dụng cán bộ trẻ trên tất cả các lĩnh vực.