Ý kiến bạn đọc từ việc hai giáo sư nổi tiếng bị tai nạn giao thông:

Phải thay đổi chính sách phát triển ô tô

Phải thay đổi chính sách phát triển ô tô
TP - Chính sách hạn chế phát triển ô tô của Việt Nam là sai lầm vì nó làm gia tăng lượng xe máy trên đường, mà xe máy là nguyên nhân gây tai nạn giao thông chủ yếu ở Việt Nam.

Tại sao đường phố Việt Nam lại lúc nhúc xe máy đến vậy? Ngay cả Lào, Campuchia ô tô trên đường phố của họ cũng nhiều hơn Việt Nam chưa nói tới những nước phát triển hơn. Tiếng ồn, bụi, khói xăng vào những giờ tan tầm khiến môi trường ô nhiễm trầm trọng.

Mỗi một người dân ra đường là một cái ống xả khói. Chính sách hạn chế phát triển ô tô của Việt Nam là sai lầm vì nó làm gia tăng lượng xe máy trên đường, mà xe máy là nguyên nhân gây tai nạn giao thông chủ yếu ở Việt Nam. Bao nhiêu người bị nhiễm những bệnh tai hại do hít phải khói xăng mà 10, 15 năm nữa sẽ phát bệnh.

Xe máy không những làm tăng tai nạn giao thông mà còn gây ảnh hưởng đên sức khoẻ cộng đồng, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội trong tương lai. Ô tô ở Việt Nam đắt nhất thế giới trong khi thu nhập tính theo đầu người gần thấp nhất thế giới. Đã đến lúc Chính phủ cần có cái nhìn thấu đáo về vấn đề này.

Nên dừng ngay sự phát triển của xe máy trước khi quá muộn

Trước tiên xin cảm ơn Tiền phong đã một lần nữa đi đầu trong việc lên tiếng về một vấn nạn của xã hội để chúng ta cùng đóng góp. Cái chết của hai nhà khoa học như một giọt nước làm tràn ly về tình trạng tai nạn giao thông không chỉ ở các đô thị lớn mà hầu như hàng ngày vẫn xảy ra ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam của chúng ta.

Những năm qua, đằng sau con số về tăng trưởng kinh tế do thu được từ “công nghiệp” lắp ráp và “nội địa hoá” phụ tùng xe máy, từ thu thuế do kinh doanh xe máy thì chúng ta đang phải hứng chịu một hậu quả nhãn tiền là tai nạn giao thông do xe máy đang rất nghiêm trọng.

Điều đáng buồn là dù những hậu quả đau lòng do xe máy đang diễn ra hàng ngày song chúng ta vẫn đang tự biến mình thành một thị trường tiêu thụ các loại sản phẩm xe máy rẻ tiền của nhiều nước.

Cần có cái nhìn sâu xa về bản chất của vấn đề tai nạn giao thông hiện nay và qua đó các nhà hoạch định chính sách cũng phải có trách nhiệm và có cái nhìn xứng tầm chiến lược. Hãy dừng ngay sự phát triển của xe máy lại dù đã muộn.

Sự buông xuôi của “chính sách xe máy đô thị”

Thủ phạm của 2 vụ tai đề đau đớn trong vô kể tai nạn tại các đô thị Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, vẫn là xe máy!

Tuy nhiên xe máy vẫn tồn tại trong thời kỳ quá độ của một nền kinh tế xã hội đang còn nghèo. Và nó là nguồn tai nạn tiềm tàng, nguồn ô nhiễm không khí và âm thanh, và tạo nên một bức tranh đô thị vô cùng xấu xí của thế kỷ 21 mà chỉ có ở Việt Nam.

Hãy nhìn vào các nhà mặt phố, những người tham gia giao thông ở Hà Nội, họ và con em họ đang bị huỷ hoại sức khỏe và tương lai bởi khí xả và tiếng ồn của những dòng thác xe máy.

Bởi vậy đã có 2 phía ý kiến của sự tồn tại hay không xe máy, phía phản đối vì nhìn thấy những hiểm hoạ trên, đã đưa ra những nỗ lực “trong quá khứ” như hạn chế xe ngoại tỉnh, dừng đăng ký, thậm chí có thể “buồn cười” như biển số chẵn lẻ... thế nhưng đã bị phản đối kịch liệt.

Và kết quả những người đề xuất chính sách hạn chế xe máy đã thất bại! Những đề nghị chế ngự xe máy đã bị bác bỏ, chê cười, và đỉnh cao nhất là việc dỡ bỏ lệnh cấm đăng ký xe nội thành.

Từ đây việc kiểm soát xe máy thành phố hoàn toàn buông xuôi, nhường chỗ cho chiến thắng của các doanh nghiệp xe máy.

Ngẫm lại, những sáng kiến nực cười kiểu biển số chẵn lẻ bị phản đối vì nó chưa phù hợp và không khả thi. Nhưng không lẽ không còn cách nào khác, không lẽ các nhà quản lý buông xuôi?

MỚI - NÓNG