Phải sớm tự do hóa thị trường điện

Phải sớm tự do hóa thị trường điện
Trước sau, thị trường điện VN phải là thị trường tự do. Ngành điện không thể độc quyền và cũng không thể kéo dài thời gian độc quyền đến 30 năm nữa, như Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải đã phát biểu.
Phải sớm tự do hóa thị trường điện ảnh 1

Những câu hỏi

Việc cắt điện luân phiên tại 24 tỉnh, thành trên miền Bắc đã bắt đầu từ trung tuần tháng năm, và tại thủ đô Hà Nội, lịch cắt điện trên diện rộng trong toàn thành phố ở tất cả 12 quận huyện nội thành, ngoại thành, ở tất cả 152 phường và tuyến phố đã bắt đầu công khai từ sáng 22-5-2005.

Hậu quả toàn bộ miền Bắc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tổn thất  cho nền kinh tế quốc dân, tính sơ bộ theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải, mất khoảng 3 triệu USD/ngày, tương đương 47,5 tỉ VND/ngày.

Trước sự cố xảy ra lần đầu tiên trong hơn 20 năm qua, kể từ thời gian bắt đầu mở cửa đến nay (1985 - 2005) nhiều câu hỏi được đặt ra.

1. Tại sao đường dây 500kV mạch 2, đoạn Đà Nẵng - Hà Tĩnh, đến tận ngày 22-5-2005 mới đóng điện? Tại sao không đưa đoạn đường dây 500kV này vận hành ngay từ đầu tháng 5-2005, vì ai cũng biết ở miền Bắc tháng hạn nhất và nóng nhất chính là tháng năm hằng năm?

Việc đưa đoạn đường dây này sớm vận hành từ đầu tháng 5-2005 hoàn toàn nằm trong khả năng của Tổng công ty Điện lực VN (EVN), kể cả phương án đoạn đường dây này thi công chưa hoàn chỉnh, có đoạn phải sử dụng tạm.

Đến khi hồ Hòa Bình có lũ về, sẽ cắt điện và ngay sau đó hoàn chỉnh các đoạn sử dụng tạm. Đây chỉ là vấn đề kỹ thuật đơn thuần, hoàn toàn không có gì khó khăn với trình độ nghiệp vụ thi công đường dây 500kV ở VN hiện nay.

2. Tại sao đến tận chiều 25-5-2005 Nhà máy nhiệt điện Na Dương, do ngành than làm chủ đầu tư và tự quản lý vận hành, mới vận hành lại tổ máy số 2 và đến chiều 31-5-2005 mới vận hành tổ máy số 1 để bán điện cho ngành điện với khả năng cung cấp 2,4 triệu kWh/ngày, trong khi nhà máy điện này đã thi công xong và vận hành thử nghiệm từ năm 2004 và đã bán cho EVN một lượng điện năng 145 triệu kWh trong thời gian qua.

Rõ ràng lãnh đạo EVN đã không quan tâm giải quyết với Tổng công ty Than VN ngay từ đầu năm 2005 về vấn đề mua bán điện này, để giảm bớt khó khăn cho hệ thống điện miền Bắc ngay từ đầu  tháng 5-2005.

3. EVN chưa hề công bố từ tháng 9-2004 đến trung tuần tháng 5-2005 Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã sử dụng nước hồ Hòa Bình phát ra bao nhiêu lượng điện năng, và tỉ lệ phát điện so với những năm trước như thế nào? Số lượng điện năng do Nhà máy thủy điện Hòa Bình phát chuyển tải trên đường dây 500kV là bao nhiêu?

Thiếu tầm nhìn chiến lược

Nếu đã quan tâm vấn đề khô hạn có thể xảy ra trong năm 2005, thì kế hoạch phát điện của EVN phải đảm bảo, thì làm gì có cảnh cắt điện luân phiên kéo dài tại tất cả các tỉnh thành trên miền Bắc như hiện nay?

Nhà máy nhiệt điện Uông Bí, do EVN trực tiếp đầu tư và quản lý với công suất 300MW, theo kế hoạch phải hoàn thành năm 2004, đến nay vẫn chưa hoàn thành và khả năng có thể kéo dài đến tận năm 2006 mới xong.

Còn các nguồn điện Na Dương (100MW), Cao Ngạn (100MW) theo kế hoạch hoàn thành năm 2004, nhưng Tổng  công ty Than VN mới hoàn thành Na Dương, còn Cao Ngạn đến quí 3-2005 mới hoàn thành.

Riêng nhiệt điện Cẩm Phả chạy than (300MW) theo kế hoạch hoàn thành 2004-2005, đến nay vẫn chưa xây dựng!

Trách nhiệm EVN trong việc chậm hoàn thành các nhà máy này đến đâu, không thấy ngành điện có báo cáo, kiểm điểm!

Năm 2001 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt “Qui hoạch phát triển điện lực VN giai đoạn 2010 có xét triển vọng đến năm 2020”. của Chính phủ cũng đã ghi rõ: “Về phát triển nguồn điện cần khai thác tối đa các nguồn năng lượng sạch có hiệu quả kinh tế cao như: điện gió, điện mặt trời, địa nhiệt...”.

Phải sớm tự do hóa thị trường điện ảnh 2

Hồ hòa bình nằm dưới mực nước chết trong thời gian dài kỷ lục (14 ngày).    Ảnh: K.T.L

Như vậy, trong việc đa dạng hóa các nguồn điện và tận dụng tiềm năng các nguồn năng lượng sạch ở VN, EVN đã không thực thi nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ:

Cho đến nay chưa hề có một nhà máy điện sử dụng năng lượng sạch (địa nhiệt, gió...) có qui mô công nghiệp được xây dựng, mặc dù các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều đã tiếp xúc và làm việc với EVN.

Rõ ràng mặc dù đã có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, EVN vẫn không có tầm nhìn chiến lược và có những quan điểm đúng mức về việc xây dựng các nhà máy điện sử dụng năng lượng sạch ở VN.

Tự do hóa thị trường điện

Trước sau, thị trường điện VN phải là thị trường tự do. Ngành điện không thể độc quyền và cũng không thể kéo dài thời gian độc quyền đến 30 năm nữa, như Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải đã phát biểu.

Về nguyên tắc, ngành điện chỉ cần quản lý lưới truyền tải và phân phối, còn các nhà máy điện là hoàn toàn tự do, kể cả các nhà máy điện của EVN.

Các chủ nhà máy điện chỉ cần trả chi phí truyền tải cho ngành điện về tổng sản lượng điện năng mà mình bán ra, còn khách hàng của mình là hoàn toàn tự do, có thể trong và ngoài ngành điện và ở bất kỳ địa phương nào.

Rõ ràng điện năng cũng chỉ là một loại thương phẩm. VN đã tham gia AFTA, sắp tới là WTO. Do đó, việc xuất - nhập điện năng cũng chỉ là chuyện bình thường. Khác chăng, điện năng là một loại thương phẩm đặc biệt.

Phải rõ ràng nhận thức và quan điểm ở một đất nước sẽ hiện đại hóa và công nghiệp hóa (có thể tham gia WTO vào cuối năm 2005) thì điện năng phải luôn luôn đảm bảo 24/24 giờ.

Mất điện chỉ có thể xảy ra với thời gian tính bằng giây, bằng phút, không thể kéo dài hàng giờ, thậm chí vài ngày. Đó là con đường tất yếu không thể nào khác.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.