Phải nhìn thẳng và dám nói sự thật

Phải nhìn thẳng và dám nói sự thật
TP - Cảm nhận chung của dư luận là hoan nghênh Tiền Phong đã đưa ra trở lại đúng lúc “trái bom” thơ này. Nhiều người cho rằng đây cũng là những lời tâm huyết tiếp tục góp ý kiến với dự thảo Báo cáo Chính trị của T.W chuẩn bị trình ĐH X – dưới dạng thơ văn.
Phải nhìn thẳng và dám nói sự thật ảnh 1
Bạn đọc chăm chú theo dõi loạt bài về bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” của Tiền Phong

Là người cộng tác trực tiếp của Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội – Ban TT-VH TW, chúng tôi đã nghe được nhiều ý kiến của nhóm đối tượng là cán bộ cao cấp, cao tuổi, cựu chiến binh (CCB) xung quanh bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” của Phạm Thị Xuân Khải và loạt bài “Từ bài thơ gây chấn động dư luận và “đêm trước đổi mới” đăng trên báo Tiền Phong.

Cảm nhận chung của dư luận là hoan nghênh báo Tiền Phong đã đưa ra trở lại đúng lúc “trái bom” thơ này. Nhiều người cho rằng đây cũng là những lời tâm huyết tiếp tục góp ý kiến với dự thảo Báo cáo Chính trị của T.W chuẩn bị trình ĐH X – dưới dạng thơ văn.

Tiếp xúc với nhóm đối tượng dư luận xã hội này, tôi đã hỏi các bác: “Chuyện đã cũ từ 20 năm trước, “Trung ương thấu rồi và đã sửa” từ ĐH VI như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tâm tình với Xuân Khải lúc bấy giờ, nay có gì mà trăn trở nữa?”.

Nghe vậy một số bác bảo rằng: Đúng là đã qua hai thập kỷ với 4 kỳ ĐH, nay sắp ĐH X, nhưng những nỗi bức xúc thực trạng đạo đức cán bộ lãnh đạo lúc ấy, tác giả bài thơ phải kêu tới vong linh Bác Hồ để Bác “Làm ánh mặt trời xua tan hết mây – Trừ thói đời làm dân oán trách”, thì nay vẫn đang là chuyện “thời sự nóng”, đặc biệt là trong bối cảnh đang có quốc nạn tham nhũng.

Đồng thời đó cũng là nỗi bức xúc của những người đã từng vào sinh ra tử, đổ máu hy sinh sống chết để bảo vệ chế độ này dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Một cán bộ cao cấp hưu trí đọc luôn mấy dòng thơ của Xuân Khải mà bác đã chép lại trong sổ mang theo “… Trừ những thói đời làm dân oán trách – Có mắt như mù, có tai như điếc – Thích nghe nịnh hót, ghét bỏ lời trung – Trấn áp đấu tranh, dập vùi khốn khổ – Cùng chí hướng sao bày mưu chia rẽ – Tham quyền cố vị, sợ trẻ hơn già…”.

Đấy, Xuân Khải cô ấy nói bằng thơ đã 20 năm rồi, mà sao dư âm của nó vẫn như đang chấn động hôm nay, có đúng vậy không?

Nhiều người đánh giá cao sự dũng cảm của tác giả và báo Tiền Phong vào thời điểm trước đổi mới? “Vậy nay Tiền Phong đăng lại bài thơ ấy cùng với loạt bài phóng sự kia, có phải cũng là sự dũng cảm lần nữa không?” - Tôi hỏi. Một bác nói: Bây giờ nói dũng cảm thì hơi quá vì báo chí ta nay cởi mở lắm rồi, được thông tin nhiều chiều và đa dạng rồi.

Nhưng cái khéo, cái hay là ở chỗ chọn đúng thời cơ để tái đăng “Mùa xuân nhớ Bác” cùng với chùm phóng sự để hòa cùng tiếng nói nhiệt thành của nhân dân đang hướng về ĐH X với niềm tin và kỳ vọng theo chủ đề của ĐH “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới…”

Và rồi như cuộc khơi dòng đúng mạch, chuyện bàn quanh “trái bom” thơ của Xuân Khải càng sôi nổi với nhiều ý kiến mà người làm công tác thu thập dư luận xã hội không thể không lắng nghe để phản ánh cho trung tâm.

Điều mà các cụ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các CCB bày tỏ sự trân trọng nhất là thành tựu của 20 năm đổi mới là to lớn và có ý nghĩa lịch sử như T.W đã đánh giá, trong đó rõ nhất là về kinh tế và quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế. Nếu không có thành quả ấy thì đất nước đã chông chênh trên vực thẳm rồi chứ không thể có một Việt Nam đang vươn lên vị thế mới, tầm cao mới trong cộng đồng thế giới hôm nay.

Song bên cạnh đó nhiều người cũng bộc lộ sự nhức nhối, day dứt về đạo đức của nhiều cán bộ lãnh đạo ở địa phương và cả T.W, rồi đưa ra đọc lại những vần thơ mà Xuân Khải đã kêu tới vong linh Bác Hồ hồi ấy.

Điều mà nhiều người trăn trở là lẽ ra kinh tế phát đạt, ăn nên làm ra thì đạo đức lễ nghĩa cũng nâng lên tương ứng theo tỷ lệ thuận mới phải, nhưng một nghịch lý là kinh tế thì phát triển, còn đạo đức cán bộ thì cứ xuống cấp.

Dự án càng nhiều, vốn đầu tư càng lớn, số lượng côta càng cao thì tham nhũng càng to, công quỹ quốc gia, ngân sách Nhà nước càng bị thất thoát! Mặc dù Đảng, Nhà nước ta chống cứ chống, còn tham ô nó cứ tham ô như một sự thách thức, mà vẫn chưa sao hạn chế, đẩy lùi được!

Thế rồi các bác lần lượt đưa ra những chứng dẫn khá thuyết phục để minh họa:

- Trong cuốn sách “Nêu cao danh hiệu Đảng Cộng sản, đảng viên cộng sản” của Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết năm 1999, mặc dù từ năm 1986 ông đã nói với Xuân Khải: “Trung ương thấu rồi và đang sửa”, nhưng 13 năm sau ông vẫn trăn trối lại rằng: “…Về đạo đức lối sống – phải tập trung vào những khuyết điểm, sai lầm nặng nhất, phổ biến nhất, nổi cộm nhất, nhân dân bất bình và chê trách nhất.

Đó là tham nhũng, tư lợi và quan liêu cửa quyền, phiền hà sách nhiễu dân và biết bao ảnh hưởng tiêu cực của nó đang gây ra một cách rộng khắp với những tác hại không lường hết được, mà Bác Hồ đã từng nói: Trăm con mắt đều nhìn vào, trăm ngón tay đều chỉ vào…”;

hay: Tại cuộc hội thảo khoa học thực tiễn “Đồng chí Phạm Văn Đồng với cách mạng Việt Nam” tổ chức ngày 27/2/2006 nhân 100 năm ngày sinh của đồng chí, PGS – TS Tô Huy Rứa ủy viên T.W Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khi nói về quốc nạn tham nhũng đã dẫn lại lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

“Tôi cho rằng cái nhà của chúng ta hiện nay đang nhiều rác rưởi và dơ bẩn, làm cho quần chúng nhân dân phẫn nộ một cách chính đáng. Trong tình hình như vậy, việc chúng ta phải đặt lên hàng đầu là quét cái nhà, quét dọn mọi rác rưởi và dơ bẩn, làm cho nó ngày càng sạch sẽ, có như vậy, chúng ta mới có môi trường và cơ hội thuận lợi để làm tốt các công tác khác”.

Rồi bác nói tiếp: Ngay sáng hôm sau 28/3, trong diễn văn tại buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng dẫn lại lời trăn trối này của cố Thủ tướng, và cho rằng đó là bài học thiết thực, thấm thía về sự kiên quyết vạch rõ và đấu tranh chống tiêu cực, nhất là tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Một bác CCB khác lại đưa ra tờ báo Nhân dân (ngày 3/2/2006) để trích đọc một đoạn trong dự thảo Báo cáo Chính trị T.W đã đưa ra lấy ý kiến nhân dân – trong phần đầu về kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết ĐH IX, như để chứng minh lời trăn trối của bác Phạm Văn Đồng nay vẫn còn là sự trăn trở của T.W:

“Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, thiếu trung thực và tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng”. Tức là sau 20 năm đổi mới, T.W đã nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật.

Một người dẫn hai câu thơ của Xuân Khải: “Đồng chí không bằng đồng tiền. Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp” rồi day dứt nói: Nay thì nó còn tệ hại hơn thế nữa, không ít kẻ đã biến dạng danh hiệu đồng chí, đồng sự, đồng nghiệp trở thành đồng bọn, đồng lõa, đồng phạm.

“Vậy các bác có ý kiến gì muốn gửi gắm tới cơ quan thu thập và nghiên cứu dư luận xã hội của Đảng?” - Tôi hỏi. Họ nói: Chắc là mọi chuyện T.W biết cả rồi, thấu cả rồi, chúng tôi chỉ xin đề nghị trong tư tưởng chỉ đạo ĐH X cần có thêm khẩu hiệu như ĐH VI – tức là “Phải nhìn thẳng vào sự thật – Dám nói thẳng sự thật” và mong ĐH sáng suốt khi chọn nhân sự để ĐH Đảng thành công.

Ngay ngày 17/3/2006, khi báo Tiền Phong mới đăng 3 kỳ loạt bài phóng sự này, chúng tôi đã phản ảnh với Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội về những ý kiến của nhiều người quan tâm và hoan nghênh, nhất là rất tâm đắc với bài thơ của Xuân Khải.

Đồng thời cũng phản ảnh những suy tư bức xúc của dư luận xã hội về sự suy thoái đạo đức phẩm chất của không ít cán bộ, đảng viên có chức có quyền hiện nay. Cho nên sau 20 năm “trái bom” thơ ấy vẫn như đang chấn động. 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.