Phải lan tỏa phong trào 'Sinh viên 5 tốt'

Ngoài đáp ứng yêu cầu về học lực, mỗi sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” còn là những nhân tố nổi bật trong các hoạt động tình nguyện, nghiên cứu khoa học, hội nhập quốc tế. Ảnh: Giang Thanh.
Ngoài đáp ứng yêu cầu về học lực, mỗi sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” còn là những nhân tố nổi bật trong các hoạt động tình nguyện, nghiên cứu khoa học, hội nhập quốc tế. Ảnh: Giang Thanh.
TP - Đó là chỉ đạo của anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hội nghị Ban thư ký T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam diễn ra ngày 25/1 ở Đà Nẵng.

Chuyển biến tích cực nhưng chưa mạnh mẽ

Theo báo cáo, trong học kỳ I năm học 2017 – 2018, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam đã tổ chức xét chọn và tuyên dương 124 sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” (đạt 62% kế hoạch) và 13 “Tập thể Sinh viên 5 tốt” cấp trung ương (lần lượt tăng 134% và 5% so với năm học 2016 – 2017). Theo đó, có hơn 352 nghìn sinh viên đăng ký phấn đấu danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”. Các cấp Hội đã tuyên dương và trao tặng 2067 danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp tỉnh, thành (đạt 137% kết hoạch); 20447 danh hiệu cấp trường (đạt 81,7% kế hoạch) và 598 “Tập thể sinh viên 5 tốt” các cấp. Theo anh Lâm Đình Thắng, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, những con số trên đều tăng so với năm trước, tuy nhiên, “chỉ tiêu cấp tỉnh, thành thì vượt nhưng cấp trường và cấp T.Ư thì lại chưa đạt. Đó là nghịch lý, đáng ra, phần trăm chỉ tiêu phải cho chúng ta hình tháp bền vững thì đây lại là hình thoi. Phong trào có sự chuyển biến tích cực so với năm trước nhưng chưa thực sự mạnh mẽ”, anh Thắng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, anh Lê Quốc Phong, cho biết: trong đợt xét chọn “Sinh viên 5 tốt” vừa qua, ở khu vực TP Hồ Chí Minh, số lượng hồ sơ của ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh - một đơn vị giáo dục ngoài công lập - lại lớn hơn nhiều so với các trường trực thuộc ĐH Quốc gia. Trong khi đó, nhiều trường ĐH lớn ở Thủ đô Hà Nội thì lại không có hồ sơ. “Có một nghịch lý khác đó là nhiều bạn sinh viên đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khó nhưng tiêu chí dễ lại không được. Điều này cho thấy rằng, phong trào này chưa thực sự phát triển đều khắp. Một số cấp Hội chưa có sự hỗ trợ, bồi dưỡng đồng đều cho sinh viên ở một số tiêu chí, dẫn tới sự tăng trưởng chậm và không đồng đều về số lượng, chưa tương xứng với tiềm năng phong trào và chỉ tiêu đặt ra trong năm học. Công tác tuyên truyền và thực hiện các giải pháp hỗ trợ sinh viên tham gia phong trào “Sinh viên 5 tốt” còn có nhiều hạn chế”, anh Phong nói thêm.

Anh Lê Quốc Phong cũng chỉ đạo các cấp Hội phải phát triển phong trào “Sinh viên 5 tốt” sâu rộng và lan tỏa trong sinh viên, tăng cường tuyên truyền, tổ chức các hoạt động để phổ biến phong trào, hỗ trợ sinh viên trong việc làm hồ sơ, phấn đấu, rèn luyện. Đồng tình với quan điểm trên, anh Phạm Kiều Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên TP. HCM, chia sẻ cách làm của đơn vị để phổ biến sâu rộng phong trào “Sinh viên 5 tốt”: “Để triển khai tốt phong trào, Hội Sinh viên thành phố đã xây dựng 1 trang web về chủ đề này. Ở đó có đầy đủ thông tin, các chỉ tiêu phấn đấu để đạt danh hiệu. Qua đó, các bạn sinh viên kê khai thành tích và tự đánh giá các chỉ tiêu mà bản thân đã đạt được, từ đó, tự lên kế hoạch để phấn đấu rèn luyện. Hội Sinh viên các trường cũng hỗ trợ cho sinh viên trong quá trình từ lúc đăng ký phấn đấu danh hiệu đến lúc làm hồ sơ”.

Kết nối việc làm chất lượng cho “Sinh viên 5 tốt”

Trong dự thảo báo cáo sơ kết công tác Hội và phong trào thanh niên học kì I, năm học 2017 – 2018, vấn đề kết nối giới thiệu sinh viên kiến tập, thực tập tiến tới tạo việc làm chất lượng cho các sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cũng được nêu ra và nhận được ý kiến đóng góp của nhiều đại biểu. Theo chị Nguyễn Thị Thơm, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Nghệ An, nhiều bạn đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” sau khi tốt nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề việc làm, cơ hội vẫn tập trung ở các thành phố. “Những sinh viên đạt danh hiệu này có đầy đủ các tố chất để cống hiến trong các cơ quan, công ty, tổ chức đúng với ngành nghề và năng lực của mình. Bởi vậy, cần có sự kết nối giữa các cấp Hội và các doanh nghiệp, công ty, đơn vị sự nghiệp để giới thiệu và tạo đầu ra chất lượng cho sinh viên”, chị Thơm nêu ý kiến.

Còn theo chị Lê Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Tài chính, hiện nay có một thực trạng đó là các doanh nghiệp chủ động liên hệ để tìm kiếm nhân sự nhưng công việc và chế độ đãi ngộ chưa thu hút được sinh viên và ngược lại, sinh viên mong muốn làm việc ở doanh nghiệp, lĩnh vực đó nhưng chưa có cơ hội. “Việc kết nối giữa nguồn cung – cầu việc làm cho các sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” là điều rất cần thiết. Tại HV Tài chính, Hội Sinh viên đang chủ động liên kết với cổng thông tin việc làm My work để góp phần giải quyết vấn đề này”, chị Nhung chia sẻ.

Phong trào “Sinh viên 5 tốt” được Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2013 – 2018 thống nhất triển khai nhằm tạo môi trường để sinh viên rèn luyện trên các mặt: đạo đức, học tập, thể lực, tình nguyện, hội nhập. Danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” là danh hiệu cao quý của sinh viên Việt Nam, minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng của mỗi sinh viên để rèn luyện, hoàn thiện bản thân ở 5 tiêu chí: “Học tập tốt – Đạo đức tốt – Kỹ năng tốt – Hội nhập tốt – Thể lực tốt”.

MỚI - NÓNG