> Dừng tạm nhập tái xuất xăng dầu qua đường biển
Ông Tiến nói: Cứ nói giá thế giới tăng, ta phải tăng theo, nhưng chúng ta không hình dung được thế giới lương và thu nhập của họ cao hơn mình hàng chục lần.
Thực tế, các mặt hàng thiết yếu như xăng, điện… chúng ta đều tăng theo mức tăng của thế giới, nhưng thu nhập thì chúng ta lại không tăng theo thế giới một cách tương ứng. Vì vậy, đời sống người dân càng khó khăn hơn.
Công khai thuế và phí
Giá cả tăng cao, nhất là xăng dầu liên tiếp tăng trong thời gian ngắn gần đây khiến người dân và DN chịu áp lực. Trong khi đó, theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban Kinh tế tỷ trọng thuế và phí đang ở mức cao – khoảng 26% GDP. Ông có nhận định gì?
Trong khi lương chưa cải thiện bao nhiêu, nhưng các mặt hàng đều tăng giá, từ xăng dầu, gas cho đến lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác, khiến người lao động càng lao đao. Lúc này, nhà nước cần phải có biện pháp để can thiệp một cách hiệu quả nhất.
Các cơ quan quản lý phải vào cuộc, quản lý chặt chẽ vấn đề giá mà trước hết là trách nhiệm của các cơ quan thuộc Chính phủ. Chính phủ phải công khai, cơ quan quản lý thuế công khai xem chúng ta có bao nhiêu khoản phí, thuế và chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng thu nhập của dân |
Chúng ta đã có Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nhưng dường như sự can thiệp ở đó còn chậm trễ. Thêm vào đó, công tác quản lý nội bộ ngành có thể chưa tốt, xảy ra hiện tượng kinh tế không lành mạnh, chẳng hạn tạm nhập tái xuất xăng dầu vừa qua. Thất thoát điện năng và nhiều thất thoát, lãng phí khác xảy ra với tỷ lệ khá lớn ở khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, giá thành sản phẩm các DN này tính bán cho dân lại ở mức cao. Lương, thưởng nội bộ những ngành ấy cũng rất cao so mặt bằng chung của người dân, cán bộ công chức.
Nếu tiết kiệm chi phí, không để tiêu cực, thất thoát, lương thưởng hợp lý, chắc chắn sẽ tiết kiệm được những khoản chi phí phát sinh lớn, để hạ giá xăng, dầu, điện. Người dân mong đợi như vậy, ĐBQH cũng đã có ý kiến gay gắt tại diễn đàn Quốc hội.
Mới đây, Ủy ban Tài chính - Ngân sách có báo cáo, chúng ta là một trong những nước có tỷ trọng thuế, phí cao so với các nước trong khu vực.
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc nhà nước phải can thiệp, Quốc hội phải có tiếng nói mạnh mẽ, đồng thời yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực như Bộ Công Thương, cơ quan quản lý giá cả của Bộ Tài chính phải vào cuộc để làm sao giảm giá xuống.
Để giảm gánh nặng cho người dân và DN, theo ông tới đây cần xem xét vấn đề thuế, phí ra sao?
Chúng ta đang là nước có tỷ trọng phí, thuế cao, đó là chưa kể các khoản lệ phí bất thành văn, không có trong luật. Lẽ ra các cơ quan công quyền là công bộc của dân, phải làm cho dân, nhưng họ lại thu những khoản lệ phí tự đặt ra.
Rồi người dân còn phải phong bì “lót tay” từ giáo dục, y tế cho đến các loại giấy tờ, thủ tục hàng ngày mới được việc. Cho nên dân vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Chính phủ nên có tổng rà soát, công bố công khai toàn bộ các loại thuế, phí hiện nay xem chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng thu nhập của người dân. Nếu liệt kê ra, sẽ thấy nó rất lớn, chứ không phải như có ý kiến cho rằng mức đó vẫn thấp so với thế giới.
Nếu chúng ta cứ tăng thuế, phí lên, rõ ràng chịu áp lực cuối cùng chính là người dân. Phải làm sao để cắt giảm, kể cả thuế thu nhập DN vẫn còn cao. Lúc này, nên giảm các loại thuế, phí tạo điều kiện cho DN phát triển.
DN phát triển thì kinh tế- xã hội mới ổn định, phát triển được. Bên cạnh đó, cũng nên giảm các loại thuế, phí đối với xăng dầu, phương tiện giao thông vận tải, dịch vụ để người dân đỡ khó khăn.
Ở những nước phát triển, người dân ngoài mức thu nhập cao còn được nhà nước hỗ trợ tối đa các loại phí, thuế.
Chúng tôi nghiên cứu một số nước Bắc Âu, thấy họ bỏ các khoản thu lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo hiểm…Những lĩnh vực đó nhà nước lo hết, miễn phí hoàn toàn cho dân, làm cho người dân có cuộc sống cao hơn.
Bỏ các loại phí dịch vụ thiết yếu cho người dân như học tập, chữa bệnh…là xu hướng chúng ta phấn đấu, chứ không phải hướng đến việc thu, tận thu càng nhiều càng tốt, như quan điểm của một số người.
Giám sát sâu hơn
ĐBQH cho rằng trong giá cả các mặt hàng thiết yếu hiện nay như xăng dầu, điện… tăng cao có phần do khi tính toán chi phí, giá thành còn thiếu minh bạch, tuy nhiên công tác giám sát của chúng ta chưa tốt?
Chúng ta vẫn chưa tính đúng, tính đủ giá thành các mặt hàng này như xăng dầu, điện. Thậm chí có tình trạng người ta để vào “quỹ đen” chi tiêu nội bộ mà các cơ quan quản lý nhà nước không kiểm soát được.
Trong khi đó, các cơ quan của Quốc hội cũng chưa thể vào cuộc sâu để giám sát được. Tới đây chúng tôi kiến nghị Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính-ngân sách của Quốc hội phải giám sát sâu hơn, phải công bố cho người dân biết thu nhập của các ngành đó ra sao, trên cơ sở tổng chi phí, lợi nhuận của họ bao nhiêu, so với mặt bằng chung toàn xã hội.
Cần phải tái cơ cấu chính các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn nhà nước đó. Hiện nay nhiều DN kêu thua lỗ nhưng thực chất họ đang lời. Họ chi nội bộ rất cao và không minh bạch.
Do vậy cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Nhà nước, Quốc hội và các đoàn thể, đặc biệt là của nhân dân. Có như vậy mới có thể làm cho minh bạch hơn đối với các khoản thu, thuế và phí mà dân phải góp.
Cảm ơn ông.