> “Đường 9 đoạn chưa hề được quốc tế công nhận”
Học giả Lý Lệnh Hoa: Trung Quốc phải tuyệt đối tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển. |
Trong bài viết nhan đề Quán triệt tinh thần Công ước, tích cực giải quyết vấn đề Nam Hải (Biển Đông), ông Lý Lệnh Hoa nhìn nhận: “Việc giải quyết vấn đề Nam Hải hiện nay đã đến lúc không thể trì hoãn mãi, chúng ta chỉ có thể giải quyết với thái độ tích cực, chủ động mới là đúng đắn. Nhân tố chủ yếu quyết định vấn đề Nam Hải không phải là các thế lực bên ngoài khu vực như Mỹ, mà chỉ bằng nỗ lực thiết thực của Trung Quốc và các quốc gia xung quanh (Biển Đông) mới có thể giải quyết được”.
Nước ta (Trung Quốc) là quốc gia ký và phê chuẩn Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, cần phải tỏ rõ cho thiên hạ thấy sự thành tâm của mình, gương mẫu quán triệt và chấp hành toàn bộ mọi điều khoản của Công ước. Phải tích cực đàm phán, thương lượng song phương và đa phương, thống nhất về lý luận thao tác với các nước ven bờ Nam Hải (Biển Đông)”. |
Ông cho rằng: “Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nhiều lần bày tỏ Trung Quốc muốn giải quyết ổn thỏa các tranh chấp và bất đồng ở Nam Hải bằng phương thức hòa bình, không đề cập việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Như thế là rất đúng đắn và rất lý tính. Cần phải nói rằng, đó là một trong hai nguyên tắc cơ bản mà chúng ta (Trung Quốc) cần phải làm được để sớm giải quyết toàn diện và triệt để vấn đề Nam Hải. Hiện nay, các nước xung quanh Nam Hải cũng đều bày tỏ không sử dụng vũ lực để giải quyết bất đồng.
Nguyên tắc cơ bản thứ hai là cần phải triển khai đàm phán hòa bình hữu nghị với các nước trên cơ sở tất cả các điều khoản của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982”.
Là chuyên gia hàng đầu về Luật Biển và phân định ranh giới biển, ông Lý Lệnh Hoa khẳng định: “Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 là một bản công ước vĩ đại, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc sống và tương lai tốt đẹp của nhân dân các nước trên thế giới, trong đó có nhân dân nước ta.
Số quốc gia ký kết Công ước nhiều, nội dung Công ước toàn diện và phong phú, có uy quyền cao, xứng đáng là bản “Hiến chương biển” thời nay.
30 năm qua kể từ khi được ký, tinh thần của Công ước đã phát huy mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới; lý luận về phân định ranh giới biển quốc tế trở nên công bằng và đầy đủ.
Vấn đề Nam Hải tuy cũng có liên quan đến luật quốc tế khác, nhưng giải quyết vấn đề Nam Hải, như địa vị pháp lý của các đảo nhỏ, xác định đường cơ sở lãnh hải và nguyên tắc phân định ranh giới biển, đều chủ yếu dựa vào các điều khoản của Công ước.
Ở nước ta (Trung Quốc), có người thiếu sự hiểu biết chính xác về tinh thần và các điều khoản của Công ước nên có thái độ coi thường, nói xấu và phủ định Công ước. Như thế là không đúng”.
Trong một bài viết khác được đăng tải hôm 31-7, ông Lý Lệnh Hoa trích dẫn ý kiến của một blogger có nick là Xinshihaodang (Tâm sự mãnh liệt) bày tỏ tán thành các quan điểm của ông. Người này cho rằng: “Thứ nhất, lợi ích mà Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền Nam Hải được hưởng khi cùng nhau hợp tác lớn hơn nhiều lợi ích khi tranh chấp chủ quyền. Thứ hai, chủ quyền Nam Sa (Trường Sa) dù có tranh chấp, nhưng phải tôn trọng quyền lợi của nước láng giềng về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Thứ ba, việc cố đòi quyền lợi biển theo Đường biên giới 9 đoạn (Đường lưỡi bò) không phải là hành vi sáng suốt. Thứ tư, trong tình huống tranh chấp lợi ích của các nước đều vượt khỏi giới hạn thì cuối cùng cần có sự thỏa hiệp. Thứ năm, phải đứng trên tầm cao đạo lý quốc tế để giải quyết tranh chấp chủ quyền Nam Hải mới phù hợp với lợi ích lớn nhất của Trung Quốc. Thứ sáu, dùng vũ lực giải quyết tranh chấp là tối, tối hạ sách, quyết không được sử dụng. Thứ bảy, phải cảnh giác với nhân tố phi lý trí có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh không có người chiến thắng”. |