Phải chấn chỉnh việc dạy thêm

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (thứ tư từ trái sang) trao đổi với các đại biểu Ảnh: Chinhphu.vn
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (thứ tư từ trái sang) trao đổi với các đại biểu Ảnh: Chinhphu.vn
TP - Ngày 5-8, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu ngành giáo dục, đặc biệt là các tỉnh, thành phố chấn chỉnh công tác dạy thêm, học thêm, tránh làm méo mó hình ảnh của người thầy; các địa phương cần có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục miền núi.

> Dạy thêm phải xin phép hiệu trưởng

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu như trên tại Hội nghị Tổng kết năm học 2011 - 2012 và Triển khai nhiệm vụ năm học 2012 - 2013, sơ kết phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 5-8 tại TP Cần Thơ, với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, cơ quan trung ương và lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo 63 tỉnh thành.

Theo Phó Thủ tướng, ngành giáo dục cần chủ động sáng tạo, đổi mới phương pháp giáo dục; chuyển đào tạo theo khả năng sang đào tạo theo nhu cầu xã hội; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng thường xuyên nhân tài ở các trường chuyên nhằm đào tạo nhân tài cho đất nước.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Năm học tới toàn ngành cần nỗ lực để phát huy bền vững các thành tựu đã đạt được trong năm học qua.

Đó là duy trì ổn định nền giáo dục có chất lượng cho số đông. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế việc giữ ổn định quy mô giáo dục cho đông đảo học sinh là một thành quả không thể phủ nhận. Bên cạnh đó cần tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn.

Năm học 2012-2013, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận yêu cầu toàn ngành tập trung giải quyết những vấn đề còn tồn tại gây bức xúc xã hội và làm méo hình ảnh người thầy như: tiếp tục phải chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục; chốn dạy thêm học thêm tràn lan; lạm thu các khoản đầu năm học.

Toàn ngành nỗ lực tập trung cho 2 việc lớn, đó là: Tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quán lý giáo dục, coi đây là 2 giải pháp đột phá thực hiện Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam sau 2015.

Năm học 2011-2012 được Bộ GD&ĐT đánh giá là năm học đạt được những thành tựu nổi bật trong việc mở rộng mạng lưới trường lớp; công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục các cấp.

Trong năm học này, ngành giáo dục đã thực hiện tốt các cuộc vận động như: hai không, mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấmgương về đạo đức, tự học và sáng tạo và các phong trào thi đua Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được tổ chức thường xuyên và có hiệu quả trong toàn ngành.

Trong công tác giáo dục mầm non, đến nay 100% tỉnh, thành phố đã phê duyệt và triển khai thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em trong giai đoạn 2010-2015.

Bắc Ninh và Hòa Bình là hai địa phương đầu tiên cả nước được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi.

Công tác giáo dục phổ thông cũng đạt được những chuyển biến rất tích cực như: 59/63 tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; Thái Bình là tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi…

Năm học 2011-2012, tất cả thành viên các đội tuyển học sinh giỏi tham gia thi khu vực và quốc tế đều đạt huy chương, trong đó đội tuyển Toán của Việt Nam đã trở lại Top 10 nước mạnh nhất thế giới.

Tuy nhiên, trong năm học qua, ngành giáo dục cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như: Vẫn còn tình trạng thiếu trường lớp, thiếu phòng học ở một số địa phương; tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở nhiều tỉnh, thành còn chậm; nhiều tỉnh, thành còn chưa quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm theo đúng quy định của Bộ.

Nhằm hướng đến mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước ta, Bộ GD&ĐT đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2012 - 2013 như: Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; nâng cao chất lượng giáo dục các cấp; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, tăng cường phương pháp kỷ luật tích cực trong nhà trường cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG