Những dự án tỷ đô Trung Quốc trúng thầu:

Phá sản mục tiêu nội địa hóa

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (tỉnh Bình Thuận) do Tập đoàn Điện khí Thượng Hải (Trung Quốc) làm tổng thầu EPC. Ảnh: Phong Cầm
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (tỉnh Bình Thuận) do Tập đoàn Điện khí Thượng Hải (Trung Quốc) làm tổng thầu EPC. Ảnh: Phong Cầm
TP - Hàng loạt dự án tỷ đô la trong các lĩnh vực công nghiệp quan trọng của đất nước do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu. Điều này khiến cho mục tiêu nội địa hóa không thực hiện được.

Đến cái bu lông cũng nhập

Những công trình lớn mà doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu có thể kể đến như: Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt điện Hải Phòng, Nhà máy alumin Tân Rai, Nhà máy alumin Nhân Cơ, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhiệt điện Duyên Hải 1, Nhà máy Đạm Cà Mau, đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh (Hà Nội)... 

Hàng loạt dự án tỷ USD rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc, chưa rõ chất lượng đến đâu, nhưng theo nhiều chuyên gia, tỷ lệ nội địa hóa thiết bị gần như bằng 0%.

TS. Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) cho biết, từ năm 2003-2013, Việt Nam có 20 dự án nhiệt điện (giá trị đầu tư thiết bị 2 tỷ USD), có 17 dự án rơi vào tay nhà thầu nước ngoài; trong đó 15 dự án là tổng thầu Trung Quốc. Hệ quả, tỷ lệ nội địa hóa của các nhà máy nhiệt điện chỉ đạt 7%. Nếu tính riêng các dự án Trung Quốc làm tổng thầu, ông Sáng cho rằng, tỷ lệ nội địa hóa gần như bằng 0%.

Với hai nhà máy tuyển bô xít lớn là Tân Rai và Nhân Cơ ở Tây Nguyên, có giá trị đầu tư thiết bị tới 700 triệu USD cũng rơi vào nhà thầu Trung Quốc, tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt 2%. “Trong khi đó, theo Cty Hatch (Úc) chuyên về ngành nhôm, Việt Nam có đủ năng lực để thiết kế, chế tạo trong nước tới 50% thiết bị trong ngành này”, ông Sáng nói.

“Khi nhà thầu Trung Quốc là tổng thầu EPC, các nhà chế tạo Việt Nam hầu như không có cơ hội tham gia như nhà thầu phụ”.

TS. Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Nghiên cứu cơ khí

Cũng theo ông Sáng, ngành công nghiệp xi măng cũng lâm vào cảnh tương tự. Trong 10 năm qua, Việt Nam có 24 nhà máy (với giá trị đầu tư thiết bị 7 tỷ USD); 23 nhà máy do nước ngoài làm tổng thầu EPC (tư vấn, mua sắm thiết bị và xây lắp). “Với các dự án nhà máy xi măng mà doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu, tỷ lệ nội địa hóa cũng cơ bản bằng 0%”, TS. Sáng khẳng định.

Về các nhà máy tuyển than, trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đầu tư ba dự án và tất cả đều do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC (mặc dù với các nhà máy sàng tuyển, Việt Nam hoàn toàn có thể nội địa hóa được 50-70% giá trị thiết bị).

Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí dẫn chứng: Thời ông làm nhiệt điện Phả Lại mở rộng (bắt đầu từ năm 1998), đối tác Nhật là thầu chính đã giao cho doanh nghiệp Việt Nam làm hầu hết kết cấu thép cho nhà máy này. “Tuy nhiên, khi Trung Quốc sang thì khác, đến cái bulông họ cũng đem vào”, ông Thụ nói.

Ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin, năm 2012, giá trị nhập khẩu cơ khí là 22,460 tỷ USD. Năm 2013, giá trị nhập khẩu ngành cơ khí tăng lên 24,8 tỷ USD và nhập siêu tương đối lớn (hơn 10 tỷ USD). Trong đó nhập khẩu máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất chiếm tỷ lệ cao nhất (năm 2006 là 6,6 tỷ USD; năm 2012 là 16,04 tỷ USD). 

“Các chỉ tiêu chính về sản xuất, kinh doanh của ngành cơ khí tuy năm sau cao hơn năm trước, nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước của ngành cơ khí mới đạt 32,8%. Hơn nữa, giá trị nhập khẩu vẫn rất cao, dẫn đến nhập siêu”, ông Quang nói.

Do đâu doanh nghiệp nội thất bại?

Theo TS. Nguyễn Chỉ Sáng, nguyên nhân là do nhiều dự án vốn đầu tư phải vay từ nước ngoài. Thông thường, các nước cho vay có những điều kiện nhất định như phải mua thiết bị từ nước cho vay vốn, hoặc không được bảo hộ cho các nhà chế tạo thiết bị trong nước. “Vì xây dựng chiến lược, quy hoạch chưa đồng bộ nên ngành cơ khí Việt Nam đang đi chậm pha so với các ngành công nghiệp khác”, TS. Sáng nói.

TS. Sáng lấy ví dụ, việc thực hiện thành công nội địa hóa thiết bị nhà máy xi măng Sông Thao (chương trình đầu tư các nhà máy xi măng cũng đã thực hiện xong). Trong các chương trình phát triển nhà máy nhiệt điện, từ năm 2003 đến 2025, Việt Nam đầu tư gần 50 tỷ USD tiền thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện. “Về năng lực trong nước, chúng ta hoàn toàn có thể chế tạo được khoảng 18 tỷ USD cho các thiết bị này”, ông Sáng nói.

Cũng theo TS. Sáng, do luật đấu thầu giá rẻ, không chú ý đến nguồn gốc xuất xứ, không ưu tiên đúng mức tỷ lệ nội địa hóa nên hầu hết các dự án lớn đều rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc. “Khi nhà thầu Trung Quốc là tổng thầu EPC, các nhà chế tạo Việt Nam hầu như không có cơ hội tham gia như nhà thầu phụ”, ông Sáng khẳng định.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, Lê Dương Quang, Thủ tướng đã có nhiều chỉ thị về việc sử dụng hàng hóa trong nước với những gói thầu dùng ngân sách. “Tuy nhiên, việc thực thi các quy định còn hạn chế, thiếu nhất quán; các chủ đầu tư nhiều nơi chưa tạo điều kiện cho nhà thầu trong nước”, ông Quang thừa nhận.

Thắng thầu vì bỏ giá quá rẻ

Ngày 15/4, trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, sỡ dĩ các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu nhiều dự án tỷ USD tại Việt Nam có nhiều nguyên nhân. Một là, các nhà thầu Trung Quốc đưa ra giá thầu quá rẻ, trong khi Luật Đấu thầu Việt Nam lại ưu tiên những nhà thầu nào đưa ra giá rẻ sẽ thắng. Thứ hai, một số nhà máy điện Việt Nam, vay tiền ở Quỹ hỗ trợ Xuất khẩu của Trung Quốc nên phải chấp nhận nhập khẩu các trang thiết bị cũng như phải để nhà thầu Trung Quốc triển khai dự án.

Ngoài ra, có trường hợp như Dự án Formosa tại Hà Tĩnh. Đáng ra, đây là một tập đoàn của Đài Loan thắng thầu và triển khai đầu tư. Không hiểu vì lý do gì, toàn nhà thầu Trung Quốc đang triển khai mà phía chúng ta không có biện pháp can thiệp, kiểm soát. Đây là vấn đề cần phải được làm rõ. Vì thực tế, tại dự án Formosa, các nhà thầu Trung Quốc đang vi phạm luật pháp Việt Nam. Họ đưa hàng loạt lao động không có tay nghề vào thậm chí đưa cả bu-lông đến chiếc đinh vít và không để cho các cơ quan vào giám sát. Đây là điều đáng ngạc nhiên. Câu hỏi đặt ra là, tại sao chúng ta lại không thực thi được pháp luật của mình ở dự án này. 

P.C

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.