Đó là khẳng định của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong văn bản số 300/VQG, gửi UBND tỉnh cũng như các cơ quan chức năng về việc đề nghị tạm dừng các dự án trồng cao su tại xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, để đánh giá toàn diện các tác động mà những dự án này có thể gây ra.
Văn bản cho biết: Xã Thượng Trạch có diện tích tự nhiên hơn 72.000 ha, trong đó có hơn 53.000 ha thuộc vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Đặc biệt, xã Thượng Trạch nằm ở thượng nguồn sông Son, sông Chày và sông Rào Thương chảy qua Phong Nha - Kẻ Bàng. Đây là khu vực hết sức quan trọng đối với hệ sinh thái, đa dạng sinh học, hệ thống sông ngầm và hang động của Phong Nha - Kẻ Bàng.
Hiện UBND tỉnh Quảng Bình đã cấp 170 ha cho Công ty Minh Trí trồng cao su và Binh đoàn 15 của Bộ Quốc phòng cũng đang lập dự án 3.000 ha để trồng cao su tại đây. Văn bản nêu rõ: “Việc thực hiện dự án sẽ làm thay đổi lớp phủ thực vật bề mặt và tác động mạnh mẽ đến thượng lưu và toàn khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng. Làm tăng tốc độ dòng chảy và lưu lượng nước bề mặt cũng như nước ngầm, gây sạt lở, xói mòn, ô nhiễm nguồn nước và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính toàn vẹn các giá trị ngoại hạng của di sản thiên nhiên thế giới”.
Đặc biệt, văn bản này cho rằng Công ty Minh Trí phá rừng trồng cao su đã tác động xấu đến Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng: “Qua ghi nhận thực tế hiện trạng môi trường thời gian gần đây cho thấy nước sông Son có màu đỏ bất thường, lượng trầm tích trong nước cao hơn trước, nước đổ về hạ lưu nhanh hơn khi có mưa đầu nguồn; có một lượng phù sa bồi lắng ở khu vực sông Chày, suối Nước Moọc mà trước đây chưa từng xảy ra. Một số khối thạch nhũ ở hang Sơn Đoòng (thuộc hệ thống hang Phong Nha) và động Thiên Đường (thuộc hệ thống hang Vòm) bị gãy đổ do lũ dâng, tốc độ dòng chảy bất thường trong hệ thống sông ở khu vực...”.
Theo lãnh đạo xã Thượng Trạch, địa điểm mà Công ty Minh Trí đang phá rừng để trồng cao su có nhiều cây gỗ to từ nhóm 1 đến nhóm 8. Việc phá rừng của Công ty Minh Trí kéo theo người dân ồ ạt vào phá rừng làm nương rẫy, trong đó có không ít lâm tặc chuyên nghiệp từ dưới xuôi lên.