Quảng Bình:

Phá rừng đầu nguồn Rào Nan, 10 xã kêu cứu

Nhiều cây rừng có đường kính từ 20cm-50cm bị đốn hạ.
Nhiều cây rừng có đường kính từ 20cm-50cm bị đốn hạ.
TP - Cả một khu vực rừng tự nhiên rộng lớn đầu nguồn sông Rào Nan đang bị cạo trọc để trồng keo. Lãnh đạo và người dân 10 xã vùng Nam thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) cho rằng họ đang bị “điểm đúng huyệt tử”, vì sông Rào Nan là nơi duy nhất cung cấp nguồn nước từ sinh hoạt đến sản xuất, nuôi sống hơn 5 vạn dân phía dưới hạ du.

Tan hoang rừng đầu nguồn

Dẫn đường cho PV Tiền Phong đến hiện trường phá rừng là ông Trần Ngọc Tiếp, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn và một cán bộ tư pháp của xã này. Theo ông Tiếp, khu vực rừng đang bị cạo trọc nằm ngay đầu nguồn sông Rào Nan, sát thôn Chay của xã này. Mặc dù không được đưa vào diện rừng phòng hộ, nhưng lâu nay trong tâm thức người dân Quảng Sơn đây là rừng phòng hộ, bảo vệ người dân vào mùa mưa lũ, bảo vệ nguồn nước cho 10 xã vùng Nam thị xã Ba Đồn.

Đi theo con đường liên huyện chạy dọc phía đầu nguồn bờ Bắc sông Rào Nan, ngay cột mốc chỉ dẫn Cao Quảng (Tuyên Hóa) 6km là một chiếc cổng sắt kiên cố chắn ngang con đường vào rừng rộng chừng 7m vừa mới mở. Ông Tiếp phân công: “Chú (anh cán bộ tư pháp xã) dẫn phóng viên đột nhập vào rừng, còn tui canh ngoài ni, để lỡ có chuyện chi thì ở đây còn có sóng điện thoại”.

Từ cổng đi chừng 1 km, hiện ra trước mắt chúng tôi là một vùng rừng rộng lớn bị cạo trọc trắng xóa, nhựa cây quyện vào không khí nồng nặc. Cây rừng bị đốn hạ đã được dọn sạch, chỉ còn trơ lại chi chít gốc có đường kính từ 20cm đến 50cm. Người dẫn đường cho biết, rừng ở đây bắt đầu bị phá chừng hơn 2 tháng. Chủ rừng thuê nhiều người, chia thành nhiều nhóm, với các phương tiện hiện đại nên họ phá rất nhanh, hàng chục ha rừng bị cạo trọc chỉ trong một thời gian ngắn.

Theo tiếng cưa máy vọng từ xa, chúng tôi len lỏi qua nhiều con đường nhánh mới tiếp cận gần hiện trường một nhóm đang khai thác. Ở đây có 3 chiếc xe gàu, vừa làm nhiệm vụ mở đường vừa nâng gỗ lên xe tải loại lớn để đưa về điểm tập kết. Sau những tiếng rít của cưa máy là cây rừng lại đổ ào ào. Tại những điểm tập kết gỗ vừa mới đốn hạ chưa kịp chuyển đi, nhiều cây có đường kính lên đến 50cm.

Phóng viên bị đe dọa

Nhác thấy bóng người lạ, một người đàn ông lao tới tri hô đòi bắt. Thấy động, chúng tôi quay đầu xe, luống cuống thế nào lại chạy lạc vào một con đường cụt. Khi định hướng được đường ra, cũng là lúc người đàn ông này bám ngay sau xe. Đuổi ra gần đến chiếc cổng sắt, ông ta dừng lại điện thoại báo cáo cho ai đó, đồng thời chỉ đạo khóa cổng sắt để bắt người.

Hai thanh niên lực lưỡng đứng chắn ngang đường, hai cánh cổng được khóa lại. Người đàn ông đuổi theo cũng kịp đến, yêu cầu giao nộp máy quay phim, chụp ảnh. Ông Tiếp ở ngoài chạy vào yêu cầu thả người nhưng họ không chịu, đòi bắt luôn ông Tiếp. Trong lúc hai bên đôi co, PV Tiền Phong nhanh chân nhảy qua cái hào sâu bên hông chiếc cổng ra ngoài, cả 3 người lao theo chặn lại, đồng thời điện thoại cho ai đó yêu cầu “mang hàng đến để xử lý”.

PV Tiền Phong lập tức điện cho lãnh đạo thị xã Ba Đồn báo cáo tình hình và đề nghị, nếu biết chủ rừng thì điện cho họ yêu cầu thả người. Ông Tiếp cũng điện cho Công an xã lên giải cứu. Người đàn ông đuổi theo chúng tôi từ trong rừng ra lớn tiếng: “Ở đây rừng có chủ, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Bây điện cho huyện chứ điện cho ông trời tau cũng bắt”.

Chừng khoảng 20 phút sau, có thêm hai người đàn ông đi trên chiếc ô tô trờ tới, lớn tiếng dọa nạt, đòi PV giao nộp phương tiện tác nghiệp. Chỉ đến khi một người đàn ông mới đến nhận từ ai đó một cuộc điện thoại, họ mới miễn cưỡng mở cổng thả người. Trên đường về lại trụ sở xã Quảng Sơn, chúng tôi bắt gặp 3 chiếc ô tô 4 chỗ chạy ngược chiều, trên xe nhét kín người, dẫn đầu là chiếc Audi màu đen.

Phá rừng đầu nguồn Rào Nan, 10 xã kêu cứu ảnh 1

PV Tiền Phong và cán bộ tư pháp xã Quảng Sơn bị nhốt trong cánh cổng này, ông Tiếp mặc áo trắng đứng phía ngoài đòi thả người.

Cấp phép phá rừng đang tranh chấp

Ông Mai Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho biết: Khu vực rừng bị cạo trọc hiện đang tranh chấp giữa xã Quảng Sơn (thị xã Ba Đồn) và xã Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa). Nguyên nhân của việc tranh chấp là do những người đo vẽ bản đồ đã chấm sai địa giới hành chính của 2 xã.

Ngay sau khi phát hiện ra sai sót này, chính quyền xã Quảng Sơn đã nhiều lần yêu cầu sửa đổi. Đã có nhiều cuộc làm việc giữa chính quyền 2 huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, rồi tỉnh Quảng Bình vào cuộc nhưng không thành. “Chúng tôi không ham hố mấy trăm ha đất, ai quản lí cũng được, nhưng vùng đất đó hơn ai hết chúng tôi hiểu tính chất trọng yếu của nó. Chỉ cần rừng trên đó bị phá, xem như Quảng Sơn bị cạo hết tóc trên đầu, nhân dân 10 xã vùng Nam thị xã Ba Đồn bị hệ lụy” – ông Kiên phân tích.

Trước thông tin, việc phá rừng đầu nguồn nơi đang tranh chấp không phải những hộ dân được xã Văn Hóa cấp đất rừng mà là những “đại gia” đã thu gom số diện tích đất rừng nói trên, ông Đinh Xuân Thương, Chủ tịch UBND xã Văn Hóa khẳng định: Phá rừng trồng cây là của các hộ dân được cấp đất rừng chứ không có ai khác thu gom đất rừng.

Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Đề, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa lại cho biết: Theo báo cáo nhanh của xã Văn Hóa, khu vực rừng giáp ranh với xã Quảng Sơn, thuộc Tiểu khu 197 đã cấp cho 40 hộ dân xã Văn Hóa. Hiện có 5 cá nhân, trong đó có 1 người ở xã Văn Hóa kết hợp với 4 người ở thị xã Ba Đồn thu gom đất của 40 hộ dân để trồng rừng. Hiện họ đã chặt được 40 ha trên diện tích 70 ha vừa mới được chuyển đổi từ rừng tự nhiên nghèo kiệt sang rừng sản xuất kinh tế.

Ông Trần Xuân Hảo, Giám đốc Trung tâm quy hoạch thiết kế Nông lâm nghiệp Quảng Bình cho biết: Trung tâm trực tiếp điều tra và đề xuất chuyển đổi khu vực này từ rừng tự nhiên nghèo kiệt sang rừng sản xuất kinh tế  theo yêu cầu của xã Văn Hóa. Việc điều tra làm đúng quy trình, có sự giám sát của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên ông Hảo không trực tiếp điều tra, nên nếu có sai sót ông sẽ cho kiểm tra lại.

Theo lãnh đạo xã Quảng Sơn và quan sát của PV Tiền Phong thì họ đã cạo trắng hàng chục ha rừng không phải nghèo kiệt. Mật độ rừng tái sinh ở đây dày đặc, có đường kính từ 20cm đến 50cm. Từ khi khai thác đến nay, hàng đêm nhóm người này đưa từ rừng ra nhiều chuyến xe tải nặng chất đầy gỗ.

Theo tiết lộ của một người được thuê phá rừng, các đại gia đã mua lại của 40 hộ dân 400 ha rừng. Họ vừa chuyển đổi được 70 ha rừng và đang tiếp tục làm hồ sơ chuyển đổi để phá rừng trồng keo.

Lãnh đạo và nhân dân 10 xã vùng Nam thị xã Ba Đồn đang rất bức xúc, đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình vào cuộc, dừng việc chặt phá rừng và xử lí những tổ chức, cá nhân đã biến tấu khu rừng tái sinh dày đặc cây cối thành rừng nghèo kiệt để tiếp tay cho phá rừng.

Ông Nguyễn Khắc Hiếu, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, xót xa nói: Địa danh Rào Nan đáng ra phải được công nhận di tích lịch sử, vì nó gắn với chiến công hai giỏi “chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi” của quân và dân Quảng Bình, gắn với nhân vật huyền thoại Nguyễn Tư Thoan, người có công lớn đối với nhân dân Quảng Bình. Không đơn thuần địa danh Rào Nan lại được xướng lên trong bài hát nổi tiếng Quảng Bình quê ta ơi. Rừng đầu nguồn Rào Nan mà bị phá, xem như cắt đứt con đường sống của người dân 10 xã vùng Nam thị xã Ba Đồn.

MỚI - NÓNG