Phá đường dây mua bán 500 triệu USD giả

Phá đường dây mua bán 500 triệu USD giả
TP - Ngày 26/11, Viện KSND Tối cao cho biết, Cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang vừa phê chuẩn bắt tạm giam 6 đối tượng về hành vi lưu hành giấy tờ có giá giả, lưu hành đô la giả số lượng lớn. Theo điều tra bước đầu, các đối tượng đã mua bán và ký hợp đồng mua bán hơn 500 triệu USD giả.

> Mang tiền âm phủ mua vàng, xe và lừa đổi tiền thật
> Cán bộ ngân hàng PG Bank tráo tiền âm phủ lấy gần 250.000 USD

Từ vụ mang thẻ tiết kiệm giả đi rút 3 tỷ đồng...

Tháng 8/2013, Triệu Văn Khinh (SN 1954, ở Lạng Sơn) cùng Nguyễn Hoàng Giai (SN 1966, Tây Ninh), Nguyễn Anh Đức (SN 1968, Đồng Nai) đem thẻ tiết kiệm giả mang tên Khinh, có số dư 72 tỷ đồng, đến Ngân hàng TMCP Á Châu chi nhánh Bắc Giang (ACB Bắc Giang) để rút 3 tỷ đồng. Sau khi kiểm tra, phát hiện thẻ tiết kiệm giả, nhân viên ACB Bắc Giang đã báo công an bắt giữ 3 đối tượng.

Tại CQĐT, 3 đối tượng khai được Lê Thanh Phong (SN 1958, ở Cà Mau) và Trần Văn Tám (SN 1967, ở Tiền Giang) giao cho thẻ tiết kiệm trên. Biết là thẻ tiết kiệm giả, song Khinh và đồng bọn vẫn tới ngân hàng để... thử vận may. Ngoài hành vi trên, Khinh và Giai đã sang Trung Quốc mua 10.000 USD giả mệnh giá 100 USD với giá 140 triệu đồng, mang vào TPHCM giao cho Tám tiêu thụ. Từ lời khai của các đối tượng, CQĐT bắt giam Lê Thanh Phong, Trần Văn Tám và Dương Hoàng Anh (SN 1973, ở TPHCM).

Quá trình điều tra đến nay, cơ quan chức năng xác định, cuối năm 2010 Tám quen với T. “việt kiều” và Tám được đối tượng này cho biết đang tìm mua thùng USD có ký hiệu K22 với các mệnh giá từ 1 USD - 100 USD, loại mệnh giá 1.000.000 USD và 1 tỷ USD giả. T. bảo Tám rủ thêm người tham gia, nếu kiếm được sẽ trả hoa hồng.

Đến đầu năm 2013, T. gọi Tám đến gặp một người ở TPHCM, rồi cho Tám xem một giấy ủy quyền bằng tiếng Anh và một bản dịch với nội dung: Chính phủ Mỹ ủy quyền cho Tám thu mua đô la mệnh giá 100 USD giả; kèm theo giấy ủy quyền là một bản hợp đồng mua lại 100 USD giả với giá 67 USD thật (thực chất đây là “bài” của T. để tổ chức lưu hành tiền giả).

Ra hợp đồng mua bán 506 triệu USD giả

Vớ được phi vụ hời, Tám đã rủ đồng bọn tham gia gom USD giả. Đến đầu tháng 8/2013, Đức và Giai được giới thiệu gặp Khinh. Khinh cho biết có nguồn đô la giả từ Trung Quốc với số lượng không hạn chế. Sau đó, Đức, Giai đã bố trí cho Tám gặp Khinh và đi đến thỏa thuận 180 triệu đồng đổi lấy 10.000 USD giả.

Ngày 9/8/2013, Giai cùng Khinh sang Trung Quốc mua được 10.000 USD giả, đem vào TPHCM giao cho Tám, để Tám giao cho T. Sau lần giao dịch này, T. bảo Tám đưa Khinh vào TPHCM ký hợp đồng mua 506 triệu USD giả và tiền thanh toán sẽ được trả bằng thẻ tiết kiệm. Thực chất đây là chiêu “mỡ nó rán nó” của T. vì thẻ tiết kiệm mà T. đưa cho Khinh là
thẻ giả.

Ngày 13/8, đồng bọn của T. đưa cho Tám 2 thẻ tiết kiệm mang tên Triệu Văn Khinh có số dư tài khoản 72 tỷ đồng và một thẻ mang tên Tám có số dư 600.000 USD. Hai ngày sau, Khinh đi cùng Đức, Giai lên Lạng Sơn tìm chi nhánh ACB để rút tiền nhưng không có nên quay lại Bắc Giang để rút thì bị lập biên bản tạm giữ thẻ.

Ngay sau đó, Đức, Giai điện thoại báo cho Tám biết sự việc. Tám lập tức cùng đồng bọn đặt vé máy bay từ Hà Nội vào TPHCM tìm T. để giải quyết, song T. đã lặn không sủi tăm. Khi bị bắt, Tám cũng đã khai ra 8 đối tượng khác liên quan, CQĐT đang khẩn trương điều tra mở rộng.

Mua tiền giả để thanh toán cá độ?

Ngày 5/8, tại TP Lạng Sơn, lực lượng chức năng bắt quả tang Nguyễn Mạnh Tuấn (32 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) vận chuyển 11.000 USD giả và gần 70 triệu đồng tiền giả. Qua công tác nắm bắt hoạt động vận chuyển tiền giả trên tuyến Lạng Sơn – Hà Nội đi các tỉnh phía Nam, đặc biệt là khu vực các tỉnh miền Tây, CQĐT phát hiện đường dây vận chuyển tiền giả với số lượng lớn, có dấu hiệu rửa tiền bằng hình thức đưa tiền giả vào các sới bạc, thanh toán tiền cá độ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.