Vừa qua, sự việc Hà Nội chặt hạ thay thế 6.700 cây xanh trên các tuyến phố gây tranh cãi trong dư luận. Nhiều cơ quan thông tin đại chúng phản ánh, đăng thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND thành phố, nêu ý kiến trên một số trang mạng xã hội…
Nói về việc chặt cây xanh vốn đang được dư luận quan tâm trong thời gian qua, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Môi trường, Bộ Y tế cho biết, ở góc độ sức khỏe, chặt cây xanh là không nên.
“Người ta trồng cây còn chẳng được, đằng này lại tìm cách chặt hạ. Ở góc độ sức khỏe, đây là điều rất vô lý”, PGS.TS. Nguyễn Huy Nga nói.
Ông lý giải, cây xanh giúp làm sạch không khí, sản sinh ra oxy (O2), hấp thu các khí độc, khí thải (CO2), giúp điều hòa không khí, nhiệt độ. Nếu chặt sẽ gây ô nhiễm môi trường tác động trực tiếp đến những người sống nơi đô thị.
PGS.TS. Nguyễn Huy Nga cho biết, qua nghiên cứu, ông thấy, cây xanh giảm hiện tượng dị ứng trên cơ thể con người.
Cây xanh sử dụng carbon dioxide (CO2) cho quá trình quang hợp và nhả khí ôxy (O2). Hoạt động này diễn ra vào ban ngày. Phần lớn carbon trong cơ thể thực vật sẽ được giải phóng khi cây bị cháy, ăn hoặc phân hủy ngoài thiên nhiên. Vì thế, cách duy nhất để “tiêu diệt” carbon là duy trì trạng thái sống của cây xanh.
Ngoài ra, những không gian có cây xanh sẽ mang cảm giác về giá trị sống, sức sống cho con người, giúp cơ thể cảm thấy khỏe khoắn, lạc quan hơn.
Theo ông Nguyễn Huy Nga, chỉ nên chặt hạ và thay thế cây trong trường hợp “bất khả kháng”
Theo ông Nguyễn Huy Nga, chỉ nên chặt hạ và thay thế cây trong trường hợp “bất khả kháng” như héo, chết, không thể cứu vãn. Nếu hỏng cây nào, trồng cây thay thế. Không vì một hoặc vài cây hỏng mà chặt trụi cả tuyến phố.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng, nếu thiếu cây xanh, hệ hô hấp của con người sẽ bị khí thải độc hại tấn công. Đặc biệt nguy hiểm cho người già và trẻ em. Đây là đối tượng có sức đề kháng kém dễ mắc các bệnh viêm phổi, viêm xoang, viêm mũi dị ứng...
Ông khẳng định, nếu Hà Nội chặt hết cây xanh thì chắc chắn số trẻ nhập viện sẽ gia tăng rất lớn.
Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, tại Hà Nội, mật độ dân cư đông, cùng với lượng khí thải từ nhà máy, xe cộ,… đã làm môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngoài ra, trong lúc nắng nóng, tán cây sẽ che chở cho con người. Nếu không có cây, chắc chắn số người cấp cứu vì say nắng, say nóng sẽ tăng.