PGS.TS. Lê Hữu Lập: Dùng ‘phao cứu sinh’ xét tốt nghiệp THPT, bất cập quá lớn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trước đề xuất bỏ ‘phao cứu sinh’ xét tốt nghiệp THPT, PGS.TS. Lê Hữu Lập nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng,vấn đề này lộ rõ sự bất cập quá lớn.

Từ năm 2020, Bộ GD&ĐT quy định các địa phương xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 theo công thức 70% dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, 30% dựa vào điểm trung bình học bạ lớp 12 của thí sinh.

Theo các chuyên gia, 30% điểm học bạ được coi là “phao cứu sinh và với kết quả của kỳ thi tốt nghiệp như hai năm nay, đã đến lúc cần loại bỏ phao này.

PGS.TS. Lê Hữu Lập cho rằng, khi chủ trương kỳ thi THPT quốc gia những năm trước đây được dùng cho 2 mục đích: xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học thì yêu cầu đề thi phải có độ phân hóa cao, có nghĩa là đề thi có nhiều câu hỏi khó hoặc rất khó.

Lúc ấy Bộ GD& ĐT phải dùng điểm học bạ tới 50% để chống trượt cho học sinh, như vậy tỷ lệ tốt nghiệp vẫn khá cao.

Nhưng theo PGS Lập, hai năm gần đây, khi luật Giáo dục và Giáo dục đại học ra đời, việc tổ chức kỳ thi THPT chỉ với mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT, còn tuyển sinh đại học thì các trường đại học tự chủ động. Lúc này đề thi THPT về nguyên tắc chỉ ra với kiến thức cơ bản nhất để xét tốt nghiệp .

Nhưng có điều, ở năm nay, các trường đại học, chưa chuẩn bị tâm thế, cũng như do dịch bệnh nữa, để có phương án tuyển sinh cho mình, mà vẫn dựa vào kết quả kỳ thi THPT để xét vào ĐH.

“Do vậy, đề thi lại phải phân hóa, (nhưng có mức độ). Nên phao "học bạ" 30% là cứu cánh cho học sinh tốt nghiệp THPT. Như vậy, 50% hay 30% chỉ là con số phỏng đoán để kết quả thi THPT không có sụt giảm, do sự ra đề thi tốt nghiệp khó hay dễ”- ông Lập nêu quan điểm.

Điểm học bạ chưa phản ánh thực chất về chất lượng giáo dục, nên bỏ ‘phao” đi

PGS.TS. Lê Hữu Lập cho rằng, điểm học bạ của học sinh chưa phản ảnh thực chất về chất lượng giáo dục của các tỉnh thành.

Cũng theo ông Lập, ngay thành phố Hà Nội những năm qua điểm trung bình theo học bạ cao hơn nhiều so với điểm thi tốt nghiệp. Cho nên nói điểm học bạ là phao cứu những học sinh yếu để tốt nghiệp là đúng.

“Qua phân tích phổ điểm của kỳ thi THPT năm nay, tôi nghĩ để nâng cao thực chất về chất lượng giáo dục, cần lấy chuẩn kiến thức chung của kỳ thi THPT của cả nước để xét tốt nghiệp là giải pháp hợp tình hợp lý và thực sự công bằng. Những vùng kinh tế xã hội khó khăn, các em vẫn được cộng các điểm ưu tiên khi xét tốt nghiệp”- Ôn Lập nêu quan điểm.

Ông Lập cho rằng, thực chất, Bộ GD&ĐT vẫn muốn giữ ổn định tỷ lệ tốt nghiệp THPT ổn định cao, trong khi vẫn phải ra đề có tính phân hóa, do sức ép của tuyển sinh vào đại học.

“Nhưng tôi quan điểm, nên bỏ phao đi, tốt nghiệp THPT khoảng 80-90% là thực chất, vì đề thi qua dễ rồi. Nhưng nếu có không dùng “phao” mà tỷ lệ tốt nghiệp đạt hơn 60% đi nữa, thì có sao đâu, nhưng phải thực chất”- ông Lập nêu quan điểm.

Còn theo ông Lập, nếu cả trường chỉ dựa vào học bạ mà tuyển sinh ĐH thì lấy đâu ra thực chất, khi điểm học bạ cứ được cho vống lên.

“Như trường mình xét các chứng chỉ quốc tế như SAT, ACT, IELTS hay học sinh giỏi các tỉnh, cùng với kết quả học bạ. Và chỉ tiêu này rất ít, quanh 10%”- ông Lập nêu quan điểm.

Với câu hỏi có nên duy trì tiếp kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa không khi tỷ lệ tốt nghiệp của các địa phương rất cao?, ông Lập cho rằng, đề xuất không ăn thua khi Luật giáo dục đã quy định có kỳ thi THPT rồi, ai dám bỏ.

“Việc xét tốt nghiệp giao cho các sở, thông qua kỳ thi gọn nhẹ ở cấp Tỉnh, thành. Còn em nào muốn vào đại học phải trải qua kỳ thi quốc gia có độ phân hóa cao để các trường căn cứ vào đó chọn được những học sinh xuất sắc nhất vào đại học. Muốn làm như vậy phải chờ sửa đổi luật Giáo dục và luật Giáo dục đại học”- ông Lập nêu quan điểm.

MỚI - NÓNG