Nhận định về phổ điểm thi năm nay mà các Sở GD&ĐT vừa công bố, PGS.TS Lê Hữu Lập cho rằng, điểm thi có sự phân hóa rõ nhóm thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp và nhóm thí sinh thi để xét tuyển đại học.
PV: Ông đánh giá thế nào con số 4.000 điểm 10 trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 vừa được công bố?
PGS.TS Lê Hữu Lập: Tôi cho rằng ra đề dễ hơn thì điểm sẽ cao, không có nghĩa là nhiều điểm 10 thì học sinh năm nay giỏi hơn năm trước, hoặc chất lượng giáo dục có gì đột biến cả. Với tuyển sinh thì quan trọng là sự phân bố giải điểm, còn nhiều điểm 10 thì chẳng phải lo ngại gì, 4.000 điểm 10 so với mấy triệu bài thi cơ mà!
PV: Theo ông, việc điểm cao có gây khó cho các trường trong xét tuyển không ạ? Có lo ngại khi cho rằng, việc điểm thi cao các trường sẽ dùng tiêu chí phụ để xét tuyển. Vậy theo ông, việc này sẽ tốt hay không tốt?
PGS.TS Lê Hữu Lập: Lo ngại nhất là phân bố giải điểm (còn gọi là phổ điểm). Mà hiện nay chưa có thông tin này. Nếu giải điểm mà khó phân hóa được thí sinh thì đúng là rất khó khăn cho các trường. Tiêu chí phụ sẽ thêm phức tạp mà theo quy chế thì các trường phải công bố công khai trước .
PV: Nhiều thí sinh lo ngại điểm chuẩn năm nay sẽ cao. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Lê Hữu Lập: Nếu giải điểm phân bố nhiều về phía điểm cao, thì chắc chắn điểm chuẩn vào các trường so với các năm trước sẽ dâng lên.
Thí sinh cần phải bình tĩnh. Nếu thấy kết quả thấp so với dự kiến trước khi đăng ký nguyện vọng vào các trường thì mới điều chỉnh.
Ví dụ: Em đã đăng ký vào các trường mà điểm trúng tuyển các năm trước cao hơn điểm hiện tại của em, thì nên xem xét để điều chỉnh. Còn nếu đăng ký nhiều nguyện vọng từ trên xuống dưới thì chẳng phải điều chỉnh gì.
Đề trắc nghiệm không phân hóa được thí sinh thì sẽ là thảm họa
PV: Theo ông, đây năm đầu tiên thi các môn chủ yếu bằng hình thức trắc nghiệm (trừ môn Ngữ Văn thi tự luận). Liệu các trường đại học có cảm thấy yên tâm để xét tuyển được thí sinh vào trường không, thưa ông?
PGS.TS Lê Hữu Lập: Tôi cho rằng trắc nghiệm mà có được bộ đề phân hóa được cũng tốt. Không phân hóa được thí sinh thì sẽ là thảm họa cho việc đào tạo ở bậc cao.
Tôi không thấy trắc nghiệm toán là hay. Thí sinh có nhiều thủ thuật làm bài mà thậm chí không cần kiến thức để giải. Vấn đề nằm ở câu chuyện ra đề và sự tương đương các mã đề.
PV: Năm nay, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm thi, các trường có gặp khó khăn gì khi các thí sinh thay đổi nguyện vọng như vậy?
Các trường không gặp bất kỳ khó khăn gì cả, vì khi bắt đầu xét là sử dụng cơ sở dữ liệu mới rồi (sau khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xong).
"Tôi nghĩ sau kỳ thi này, cần đánh giá một cách thấu đáo và khoa học trên mọi bình diện của kỳ thi từ việc ra đề, tổ chức thi, kết quả thi,vấn đề xét tuyển cho đại học.. để có rút kinh nghiệm cho năm sau. Cũng không nên nhìn thấy tất cả màu hồng, hoặc tất cả là sự lo âu"- PGS Lê Hữu Lập.