Về phía Tập đoàn còn có sự tham gia của Phó Tổng giám đốc Lê Ngọc Sơn, Chánh Văn phòng Petrovietnam Trần Bình Minh, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Điện và Năng lượng tái tạo Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng ban Quản lý hợp đồng Dầu khí Hoàng Anh Tuấn và Phó Tổng giám đốc Liên doanh dầu khí Vietsovpetro Nguyễn Tiến Vinh.
Về phía các đơn vị dầu khí Petrovietnam tại Nga có sự tham gia của Phó Tổng giám đốc thứ nhất Liên doanh dầu khí Rusvietpetro (RVP) Nguyễn Trí Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty liên doanh dầu khí Gazpromviet (GPV) Hà Minh Đức, Phụ trách Văn phòng đại diện Tập đoàn tại Liên bang Nga Nguyễn Anh Phương cùng toàn thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên các đơn vị dầu khí tại Liên bang Nga.
Mở đầu buổi làm việc, đại diện các đơn vị dầu khí Phó Tổng giám đốc thứ nhất RVP Nguyễn Trí Dũng báo cáo Tổng giám đốc Tập đoàn về tổng quan ngành công nghiệp dầu khí của Nga, các dự án dầu khí của Petrovietnam và hoạt động của các đơn vị dầu khí Petrovietnam tại Liên bang Nga.
Giới thiệu về Công ty liên doanh Rusvietpetro, Phó Tổng giám đốc thứ nhất RVP Nguyễn Trí Dũng báo cáo, hoạt động của liên doanh nằm trong khuôn khổ Dự án Thăm dò Khai thác dầu khí tại 4 Lô ở Khu tự trị Nhenhexky, với thời hạn 25 năm (2008 -2033). Trữ lượng địa chất và trữ lượng thu hồi dầu của Dự án lần lượt đạt khoảng 244 triệu tấn và 96 triệu tấn. Phần vốn góp ban đầu của Petrovietnam trong Dự án đạt hơn 600 triệu USD; tỷ lệ góp vốn của Petrovietnam và công ty dầu khí Zarubezhneft lần lượt là 49% và 51%. Kể từ khi thành lập vào năm 2008, hoạt động của Liên doanh Rusvietpetro đã đạt nhiều kết quả tích cực. Ngày 01/07/2021, RVP đạt mốc khai thác 30 triệu tấn dầu. Lợi nhuận cộng dồn của phía Việt Nam trong Dự án đạt trên 1,2 tỷ USD.
Bên cạnh Liên doanh Rusvietpetro, công ty liên doanh dầu khí Gazpromviet đã được thành lập năm 2010 với phần vốn góp ban đầu của Petrovietnam đạt 18 triệu USD. Tỷ lệ vốn góp hiện nay của Petrovietnam và Gazprom lần lượt là khoảng 19% và 81%. Hiện tại, hoạt động của Gazpromviet tập trung chủ yếu vào công tác tìm kiếm, thăm dò mỏ khí Bắc-Purov.
Ngoài hai liên doanh dầu khí, đơn vị còn lại của Petrovietnam tại Nga là Văn phòng đại diện, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ trong quan hệ với các cơ quan Nhà nước Nga, quan hệ với các đối tác, phát triển thị trường, công tác hành chính, hậu cần và hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên của Petrovietnam cũng như các đơn vị trực thuộc Petrovietnam tại Nga.
Tập thể cán bộ, nhân viên các đơn vị dầu khí tại LB Nga hiện có 35 người, trong đó có 25 cán bộ là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Mặc dù có số lượng hạn chế, nhưng hầu hết cán bộ, nhân viên đều chủ động, tích cực trong công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học - công nghệ, cũng như tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội trong khuôn khổ hoạt động của Công đoàn bộ phận các đơn vị Dầu khí tại LB Nga.
Tại buổi làm việc, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng cũng đã lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp, nguyện vọng của cán bộ, nhân viên các đơn vị dầu khí. Các ý kiến tập trung vào sự cần thiết của việc mở rộng hoạt động của Liên doanh Rusvietpetro và phát triển thêm dự án mới tại Nga; đề xuất ứng dụng các sáng kiến công nghệ tại RVP trong khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam; đề xuất tăng cường vai trò, chức năng của Văn phòng đại diện.
Sau khi lắng nghe, trao đổi cụ thể đối với những đề xuất của các đơn vị dầu khí tại Liên bang Nga, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng bày tỏ sự chia sẻ, quan tâm, trân trọng đối với cán bộ, nhân viên dầu khí Việt Nam đang làm việc tại sở tại, đánh giá cao tinh thần đoàn kết và kết quả đã đạt được của các đơn vị. Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng khẳng định, tập thể các đơn vị Petrovietnam tại Nga có những đóng góp quan trọng vào thành tích chung và sự phát triển của tập đoàn trong tương lai.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng nhất trí cần trao đổi cụ thể một số vấn đề trong thời gian tới, gồm: nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của các đơn vị dầu khí tại Nga; những giải pháp mở rộng hoạt động E&P của Petrovietnam tại Nga; củng cố hợp tác với các đối tác dầu khí Nga; công tác phát triển thị trường tại sở tại; xử lý các vấn đề liên quan cơ chế và các nhiệm vụ quản trị vận hành và quản trị tài chính, chuỗi cung ứng./.