'Pây Tái' báo hiếu ở xứ Lạng

TP - Nhằm ngày rằm tháng Bảy âm lịch, rể hiền, con thảo xứ Lạng nô nức mang bánh trái cùng đôi vịt béo về thăm, báo hiếu bố mẹ. Tiếng chào mừng, liên hoan diễn ra suốt ba ngày vui nhộn làng trên, xóm dưới.
Bà Kiệm (bìa trái, cầm ô) trên đường về quê thăm, hiếu lễ với bố mẹ. Ảnh: Duy Chiến

Năm nào cũng vậy, ngày 14 tháng Bảy âm lịch, gia đình bà Lộc Bích Kiệm, dân tộc Tày, trú khối Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn nhộn nhịp bước chân ra vào. Ba người con gái cùng con rể, cháu ngoại lần lượt xách đôi vịt béo tròn cùng bánh trái, chai rượu về ăn rằm cùng bố mẹ đẻ. Cả nhà ríu rít tiếng cười.

Bà Kiệm cho biết: Rằm tháng bảy được coi là lễ trọng ở xứ Lạng. Đối với người Kinh sẽ ăn chính rằm (ngày 15 âm lịch), người Tày, Nùng tổ chức sớm hơn một ngày. Ngày này, cũng là ngày xá tội vong nhân nên các gia đình có mâm cơm cúng trước nhà cho những vong linh bơ vơ không gia đình, dân gian gọi là “cúng cô hồn”. “Trên mâm cúng tổ tiên, gia đình bày mâm cỗ mặn, tiền vàng và cả những vật dụng cho người âm. Trong dịp này, họ thường làm bánh gai, rậm (người Tày gọi là Pẻng Tải), làm bún, thịt gà, vịt”. Bà Kiệm nói.

Nét đẹp báo hiếu

Để thực hiện “Pây Tái” (dịch nghĩa là đi sang nhà bên ngoại), các cặp vợ chồng trẻ chuẩn bị từ trước với mâm lễ tươm tất.

Theo bà Kiệm, tục “Pây Tái” có từ lâu đời ở xứ Lạng, là nét văn hóa tạo nên sự khác biệt, thú vị cho ngày lễ nơi rẻo cao này.Theo phong tục truyền thống của dân tộc Tày, Nùng, người con gái sau khi về thăm nhà sẽ cùng người thân làm bánh gai, thịt vịt và chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên. “Người Tày có câu: “Bươn chiêng kin nựa cáy, bươn chất kin nựa pết” (tạm dịch: Tết tháng Giêng ăn thịt gà, tết tháng Bảy ăn thịt vịt). Món ăn này cùng với bánh gai là 2 món ăn truyền thống không thể thiếu trong rằm tháng Bảy. Theo truyền thuyết, con vịt được coi là con vật thiêng trong tâm linh của người bản địa vì nó có công cõng gà trống vượt biển đi cống sứ Mường trời”. Bà Kiệm giải thích.

Khi gia đình nào đón được con cháu “Pây Tái”, cả làng rộn lên tiếng chào hỏi thân mật bằng thổ ngữ xen lẫn tiếng Kinh. Các con được về cùng bố mẹ, chúng nô đùa nên không khí lại càng nhộn nhịp hơn.

Trò chuyện với phóng viên Tiền Phong dịp cận rằm tháng Bảy, bà Lộc Bích Kiệm tâm sự: Tôi sinh được 3 cô con gái, nay đều đã trưởng thành. Bây giờ xã hội phát triển, tiên tiến nên có người cũng muốn “Pây Tái” giản tiện và thiết thực hơn, ví như là đưa tiền cho bố mẹ để sắm lễ. Thế nhưng, chúng tôi giải thích với các con rằng: “Nét đẹp xưa các đời để lại thì phải cố thực hiện, giữ gìn”. Chính vì vậy, các con đều nghe theo.

Bà Kiệm mau mắn lên gác hai chuẩn bị bộ quần áo chàm mới tinh. Bà vuốt thẳng nếp bộ quần áo truyền thống dân tộc Tày rồi bảo: “Tôi đã chuẩn bị kỹ bộ này tặng mẹ. Chắc tết rằm này mẹ sẽ rất vui”.

Kỳ thú ngày rằm

Tiến sỹ Hoàng Văn Páo, nguyên giám đốc Sở VH-TT &DL tỉnh Lạng Sơn cho biết, ở miền núi, đồng bào các dân tộc xứ Lạng truyền nối nét đẹp “Pây Tái”. Nhiều cặp vợ chồng son trẻ báo hiếu bố mẹ bằng cách giặt giũ quần áo, may vá cho bậc sinh thành để chuẩn bị mùa đông đến gần.

Những sản vật riêng có của địa phương thường được các gia đình tổ chức làm trong dịp tháng Bảy là bánh gai, bánh rợm. Đây là những món ăn bình dị mà độc đáo của đồng bào Tày, Nùng.

Theo ông Páo, bánh gai có màu đen còn bánh rợm màu trắng. Những chiếc bánh gai xứ sở gắn liền với truyền thuyết đánh giặc hào hùng. Truyền thuyết kể rằng, vào thời Tiền Lê (từ khoảng thế kỷ thứ 10), khi giặc Tống sang xâm lược nước ta, người Nùng ở Lạng Sơn, Cao Bằng đã làm một loại bánh gói trong lá chuối, đem cho các chiến binh. Sau này người ta gọi là bánh gai. Những chiếc bánh được xâu thành từng cặp, đeo ở bên người cho tiện. Cũng bởi thế mà bánh gai còn có tên tiếng Tày là “pẻng tải” (có nghĩa là bánh đeo).

Gia đình con gái út đến nhà bà Kiệm “Pây Tái”. Ảnh: Duy Chiến

“Để làm bánh, người ta phải chuẩn bị các nguyên liệu chính gồm gạo nếp, lá bánh gai, đường phên, đỗ xanh (hoặc lạc rang giã nhỏ) để làm nhân bánh. Một số nơi còn cho thêm cả chút dừa bào sợi vào nhân. Ngoài ra người làm bánh còn phải chuẩn bị thêm lá chuối đã được phơi ngoài nắng cho mềm để gói bánh. Để có được bánh gai thành phẩm, người dân địa phương siêng năng, cần cù làm nhiều công đoạn. Trước tiên là đem gạo nếp đi ngâm nước trong khoảng một buổi, rồi đem gạo đó đi xay thành bột. Khi mới xay xong, bột sẽ ở dạng lỏng vì có nhiều nước. Người ta phải cho vào một cái túi vải, đem treo lên gác bếp khoảng nửa buổi cho chảy hết nước. Đến khi còn lại dạng bột mềm, có thể nặn mà không bị nhão, dính tay là được. Ngoài ra, người dân lên rừng hái lá gai từ mấy ngày trước đó. Lá gai hái về, bỏ gân lá, đem phơi khô. Sau đó, đun lá gai ninh cho nhừ, có thể bỏ thêm chút vôi tôi cho nhanh hơn. Sau đó, lấy đường phên đun sôi chảy ra rồi trộn với lá gai tạo thành một hỗn hợp mật sền sệt. Sau cùng cho các nguyên liệu này trộn lẫn với bột gạo, cho vào cối đá giã nhuyễn. Kết quả, hỗn hợp bột có màu đen mịn, dẻo quánh, đượm mùi thơm của cả bột nếp, lá gai và mật đường phên. Người ta sẽ nặn bánh thành từng miếng hình tròn hơi dài, cho nhân lạc hoặc đỗ xanh vào giữa rồi nắm lại, gói vào lá chuối. Sau đó, bánh được đem đi hấp cách thủy. Từ lúc đun bánh, cứ thắp một nén nhang, đến khi nén nhang cháy hết thì cũng là lúc bánh chín”. Ông Páo thuật lại.

Các ngày từ 13 đến 15 tháng 7 âm lịch, người dân xứ Lạng luân phiên nhau tổ chức ăn rằm. Bên cạnh thưởng thức các món ăn đặc sản, ông bà, bố mẹ, con cháu bạn bè tay bắt, mặt mừng. Bên chén rượu men lá nồng nàn, họ trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm làm ăn. Nhiều gia đình tổ chức giao lưu, thi “lảy cỏ”, hát Sli, Lượn trao đổi tâm tình. Các thanh niên nam nữ rủ nhau ra mé núi, góc đồi, thửa ruộng để đánh yến, chơi quay, đá bóng, kéo co. 

Chúng tôi được bà Lộc Bích Kiệm giữ lại ăn cơm cùng gia đình lúc con cháu tề tựu đông đủ. Người lớn vui thú với các món ăn, con trẻ nô đùa bên mâm cỗ nhiều màu sắc. Bà Lộc Bích Kiệm vui lắm. Tức cảnh sinh tình, bà ứng tác:

Thâng vằn Pây Tái
Slíp slí bươn chất mà thâng
Ngoòng vằn pây tái dằng lai hâng
Sa tua pết cải dạu than slúng
Tái nhủm nhủm khua... lan bấu lùm!
(Tạm dịch: Đến ngày lễ Ngoại/ Rằm tháng Bảy rồi ai ơi/ Bao ngày mong mỏi đã đến rồi/ Lễ ngoại vịt to cùng lồng mới/ Ngoại cười tủm tỉm... cháu đây rồi!).

_________

“Pây Tái” vào ngày rằm tháng Bảy là bổn phận của những người phụ nữ sau khi đi lấy chồng. Rể hiền cùng gái thảo trở về sum họp cùng bố mẹ. Đây là phong tục tập quán lâu đời được lưu giữ đến ngày hôm nay.”