Có nhiều dấu hiệu cho thấy Pakistan đang tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình. Gần đây nhất, Pakistan xây dựng mới hai lò phản ứng plutonium, một động thái cho thấy Pakistan đang hướng tới mục tiêu phát triển các đầu đạn hạt nhân nhỏ và nhẹ hơn, thích hợp để trang bị cho các tên lửa.
Theo tập san này, kho dự trữ hạt nhân toàn cầu xấp xỉ 19.000 đơn vị vũ khí hạt nhân. Trong đó, các cường quốc hạt nhân (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc) sở hữu tới 18.580 đơn vị, còn lại là của một số quốc gia có vũ khí hạt nhân khác. Anh là cường quốc hạt nhân yếu thế nhất với khoảng 225 đầu đạn.
Ngoài các cường quốc hạt nhân, Israel đang sở hữu tiềm lực hạt nhân lớn nhất, với trữ lượng nguyên liệu đủ để phát triển 200 đầu đạn. Israel từng có khoảng 520 đầu đạn trong khoảng thời gian từ năm 1975-1980. Ấn Độ và Pakistan mỗi nước hiện có khoảng 100 đầu đạn.
Các cường quốc hạt nhân, trừ Trung Quốc, đều đồng thời phát triển đầu đạn hạt nhân và thiết bị phóng.
Israel, Ấn Độ và Pakistan cũng đều phát triển đầu đạn hạt nhân và thiết bị phóng riêng biệt. Nam Phi cũng tách riêng việc phát triển lõi hạt nhân và vỏ bom hạt nhân.
Cả 5 cường quốc hạt nhân đều đã phát triển bom nhiệt hạch. Ngoài ra chỉ có Ấn Độ và có thể là cả Israel đang theo đuổi công nghệ này.
Anh và Pháp là hai cường quốc hạt nhân duy nhất không có tên lửa đạn đạo liên lục địa đối đất (ICBM). Hai nước này mới chỉ triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM). Ấn Độ, Israel và Triều Tiên thì mới đang triển khai việc phát triển ICBM.
Đỗ Tuấn
theo Asian Defence