Năm 2019 thị trường ôtô Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng tốt, đặc biệt ở mảng xe du lịch. Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số toàn thị trường trong năm 2019 đạt hơn 300.000 xe. Các ông lớn như Toyota Việt Nam, Trường Hải, TC Motor vẫn có những ưu thế nhất định, tuy nhiên, miếng bánh thị phần đã bắt đầu phải san sẻ cho những “thế lực mới” như Mitsubishi Việt Nam hay VinFast.
Làn gió mới từ các “tân binh”
Liên tục trong những năm gần đây, các ông lớn Toyota, Trường Hải, TC Motor nắm giữ 2/3 thị phần toàn thị trường. Số ít còn lại được chia cho những thương hiệu như Honda, Ford và một số thương hiệu nhỏ khác.
Tuy nhiên, đến năm 2019, cục diện thị trường đã có những sự thay đổi đáng kể khi Mitsubishi tung ra mẫu xe ăn khách Xpander; Honda và Ford thành công với CR-V, City, Ranger và Tourneo.
Đặc biệt, sự xuất hiện của thương hiệu ôtô Việt VinFast đã thổi một làn gió mới vào thị trường, tác động không nhỏ đến chiến lược kinh doanh của các hãng xe khác cũng như hành vi, thói quen mua sắm ôtô của khách hàng Việt.
Với Mitsubishi Việt Nam, thành công của Xpander đã đưa thương hiệu này lần đầu tiên chiếm thị phần 14% sau nhiều năm. Trong khi đó, VinFast với những bước đi chắc chắn, chiến lược marketing độc đáo, bán hàng hỗ trợ tối đa người tiêu dùng đang dần chiếm được cảm tình của khách hàng Việt.
Chỉ hơn nửa năm kể từ lúc khánh thành nhà máy cho đến khi bàn giao các mẫu xe Fadil, Lux SA, Lux A cho khách hàng, VinFast là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong các câu chuyện về thị trường ôtô Việt Nam trong năm 2019.
Hãng xe Việt tiên phong trong các chính sách bán hàng, hậu mãi bằng việc đưa ra mức giá “3 không” cho các sản phẩm của mình. Với chiến lược giá được công bố rõ ràng, minh bạch, những khách hàng tiếp cận và đặt mua ô tô VinFast sớm đã được hưởng mức giá ưu đãi, thậm chí khá rẻ cho một chiếc xe chất lượng, an toàn và đẹp. Lộ trình tăng, giảm giá bán ô tô VinFast cũng được công bố công khai cho phép người tiêu dùng chủ động kế hoạch mua sắm chiếc xe thương hiệu Việt yêu thích.
Sở hữu hệ sinh thái đa dạng, VinFast còn tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho khách hàng sở hữu ôtô của hãng. Đó là việc hãng này miễn phí gửi xe cho tất cả khách hàng có ô tô VinFast khi gửi tại Vinhomes, Vincom.
VinFast cũng là hãng xe “chịu chơi” nhất thị trường ôtô Việt khi miễn lãi suất 2 năm đầu cho khách hàng mua ô tô. Động thái “vô tiền khoáng hậu” này giúp khách hàng sở hữu ô tô VinFast mà không tốn nhiều chi phí ban đầu, điều mà nhiều người tiêu dùng Việt luôn băn khoăn khi mua sắm ôtô.
Thương hiệu ôtô Việt VinFast còn là hãng xe duy nhất công bố bảng giá phụ tùng, cơ cấu hình thành giá xe cùng mức chịu lỗ “khủng” khi sản xuất ôtô. Bà Nguyễn Thị Vân Anh - Phó Tổng giám đốc thường trực VinFast, cho biết, dù đang phải bù lỗ rất nhiều cho mỗi chiếc xe bán ra, nhưng hãng tự hào vì sản phẩm VinFast đang xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường và những khách hàng đầu tiên xứng đáng được sở hữu sản phẩm VinFast với giá tốt nhất.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Thắng, Tổng giám đốc Whatcar, về kinh doanh ôtô không nhiều hãng có lợi thế như VinFast bởi thương hiệu ôtô Việt thừa hưởng hệ sinh thái khá đa dạng và họ sử dụng hệ sinh thái đó để thúc đẩy các chính sách bán ôtô. Đây là một cách làm thông minh. Việc hỗ trợ chi phí gửi xe hay miễn lãi suất 2 năm đầu đã giảm áp lực đáng kể về số tiền đầu tư ban đầu hay duy trì khi sở hữu một chiếc ôtô của khách hàng.
“Các chính sách bán hàng, hậu mãi của VinFast đã tác động không nhỏ đến thị trường ôtô Việt Nam. Hiện nay tất cả các ông lớn đều phải dè chừng VinFast. Ngày càng nhiều các chương trình giảm giá, khuyến mại với mức giảm giá sâu từ tất cả các hãng xe được đưa ra. Điều này cho thấy, thị trường đã có những sự chuyển biến đáng kể và trên hết người tiêu dùng là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất”, ông Nguyễn Mạnh Thắng bày tỏ.
Các ông lớn buộc phải thay đổi
Nếu như những năm trước đây, các ông lớn của thị trường ôtô Việt Nam dễ dàng nắm giữ thị trường, duy trì các chính sách chỉ tăng giá bán ôtô chứ ít khi giảm giá (trừ những giai đoạn thấp điểm như tháng Ngâu), thì năm 2019 vừa qua, sự xuất hiện của các “thế lực mới” như VinFast hay Mitsubishi đã khiến các hãng xe này phải điều chỉnh lại chính sách bán hàng và hậu mãi.
Toyota Việt Nam với lợi thế lấy giá trị thương hiệu làm cốt lõi, định giá bán nhưng hiện nay cũng đã phải thay đổi khi liên tục tung ra các chương trình giảm giá cho các dòng xe ăn khách như Innova, Altis. Về sản phẩm, hãng xe Nhật cũng phải tiến hành nâng cấp, bổ sung nhiều tính năng cho các sản phẩm như Camry, hay mới nhất là Vios.
Việc đưa các tính năng, trang bị lên sản phẩm của Toyota Việt Nam cho thấy áp lực từ các mẫu xe chất lượng, an toàn 4-5 sao ASEAN NCAP của VinFast và nhiều dòng xe an toàn của các thương hiệu ôtô khác khiến các hãng xe nước ngoài phải tôn trọng người tiêu dùng Việt hơn.
Ngoài Toyota, TC Motor và Thaco cũng tung ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá với mức giảm lên đến 40 triệu đồng. Một số mẫu xe phân khúc cao cấp còn có mức giảm cả trăm triệu đồng.
“Rõ ràng trong năm 2019, các hãng xe chiếm thị phần lớn trước đây đã không còn có thể ung dung tự tại được nữa. Miếng bánh thị phần đã bị giành giật khá nhiều từ các thương hiệu mới nổi. Đây là một tín hiệu tốt cho thị trường và giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm với giá bán ngày càng tốt hơn”, ông Trương Mạnh Tuấn - một người có nhiều năm kinh doanh ôtô và sở hữu một showroom ôtô chính hãng ở Hà Nội nhận định.
Có thể nói, với những tác động từ VinFast cùng một số thương hiệu ôtô khác, các ông lớn thị trường ôtô Việt cũng đã phải thay đổi và hơn ai hết, người tiêu dùng là những người được hưởng lợi khi có thể sở hữu các mẫu xe với mức giá và chi phí hợp lý.