Ớt Việt xuất khẩu phải đi đường vòng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cho rằng ớt nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá giới hạn cho phép, Malaysia đã tạm dừng nhập nên ớt Việt Nam phải đi đường vòng để vào Malaysia.

Ngày 26/7, tại tọa đàm “Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản” do Tạp chí Hải Quan tổ chức tại TPHCM, đại diện một DN ở Bình Dương chuyên xuất khẩu ớt, khoai lang cho biết, khoảng tháng 9/2019, DN này không thể xuất khẩu ớt chính ngạch sang thị trường Malaysia mà phải đi bằng đường tiểu ngạch, thông qua nước thứ 3 là Thái Lan.

“Đi đường tiểu ngạch rất tốn kém, hơn nữa khi thông qua nước thứ 3, hàng Việt phải mang nhãn mác Thái Lan mới được vào Malaysia. Lý do Malaysia đưa ra là mặt hàng ớt Việt Nam có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này không chỉ khiến DN xuất khẩu gặp khó mà cả nhà nông trồng ớt cũng điêu đứng” – vị này thông tin.

Ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh cho biết, đang gặp khó khi xin cấp C/O (chứng nhận xuất xứ) mẫu B không ưu đãi thuế với sản phẩm hạt điều. Theo ông Thông, để xin cấp C/O mẫu B chỉ cần đáp ứng một trong ba tiêu chí, đó là CTSH (chuyển đổi mã số hàng hóa), LVC (tỷ lệ phần trăm giá trị) hoặc WO (xuất xứ thuần túy). Trong đó tiêu chí CTSH và LVC dễ dàng và có sự chủ động từ DN, còn tiêu chí WO thì bị động từ nhà cung cấp.

Ớt Việt xuất khẩu phải đi đường vòng ảnh 1

Nhiều DN gặp khó khi xin cấp C/O cho các mặt hàng xuất khẩu

Tuy nhiên đa số các DN Việt Nam khi xin C/O mẫu B đều dùng tiêu chí WO, khiến cho việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa trên C/O mẫu B không có ghi tiêu chí WO. Vì vậy hai tiêu chí CTSH và LVC thì bảng kê DN gửi thêm cho VCCI chỉ là các chứng từ dư thừa. "Chúng tôi rất mong Tổng cục Hải Quan, các cơ quan quản lý nhà nước có sự thấu hiểu, hỗ trợ và hướng dẫn DN, thúc đẩy việc sản xuất và xuất khẩu thông thoáng hơn” – ông Thông bày tỏ.

Bên cạnh đó, nhiều DN trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cũng cho rằng, đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Đó là lạm phát tăng cao ở nhiều thị trường xuất khẩu, ảnh hưởng của chiến sự Nga-Ukraine... khiến giá vật tư, nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics tăng mạnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, tình trạng mặt hàng nông, thủy sản ùn tắc tại một số cửa khẩu phía Bắc trong thời gian qua cũng làm giảm hiệu suất của ngành.

Đáp ứng yêu cầu từ gốc

Bà Bùi Hoàng Yến, đại diện Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, DN cần cập nhật ngay các quy định, quy trình sản xuất đặc biệt là vùng nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu thị trường. “Về việc Malaysia tạm ngưng nhập khẩu ớt của Việt Nam là do sản phẩm bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Có trường hợp nông sản kiểm nghiệm tại Việt Nam thì đạt, nhưng khi đến châu Âu xét nghiệm lại thì dư lượng thuốc lại vượt. Do đó DN phải chủ động cải tạo vùng nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu từ gốc; đồng thời nâng cao máy móc, trang thiết bị hiện đại” – bà Yến lưu ý.

Phó cục trưởng Cục Giám sát Quản lý, Tổng cục Hải quan, ông Đào Xuân Tám khuyến nghị, DN cần nâng cao chất lượng nông sản theo hướng đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu; đa dạng hóa đối tượng khách hàng và thị trường xuất khẩu nông sản để tránh phụ thuộc; hoàn thành thủ tục hải quan sớm để khi hàng hóa đưa ra cửa khẩu không phải chờ đợi, bảo quản chờ xuất khẩu.

Theo Cục Giám sát Quản lý Tổng cục Hải quan, xuất khẩu đang là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2022. Trong đó ngành nông nghiệp đóng vai trò chủ chốt. Cụ thể, kết quả xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt gần 28 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 9 nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD như: cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra...

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.