Osin đi kiện vì bị chủ đuổi... giữa đêm
> Sợ có thai, bé gái 13 tuổi tống tiền mẹ?
> Thiếu nữ 13 tuổi từng bị người yêu cho bán dâm giá bèo
> 'Ăn trái cấm' với cô chủ 15 tuổi, chàng trai treo cổ 'chuộc lỗi'
TAND TP.HCM vừa sửa án sơ thẩm và tuyên buộc bà Lan phải bồi thường cho bà Vân (người giúp việc nhà) tổng cộng 12,3 triệu đồng vì đã chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái luật.
Vụ kiện gây chú ý vì đây là việc giải quyết tranh chấp lao động giữa cá nhân với cá nhân qua HĐLĐ giao kết bằng miệng. Đây cũng là dạng HĐLĐ phổ biến trong xã hội nhưng nhiều người lao động chưa quan tâm đến quy định pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi cho mình.
Ảnh minh họa. |
Đang bệnh vẫn bị đuổi?
Bà Vân đến nhà bà Lan giúp việc nhà (dọn dẹp, phụ nấu ăn...) thông qua sự giới thiệu của trung tâm việc làm. Ngày 24.1, bà Vân bắt đầu công việc tại gia đình bà Lan. Làm việc được 38 ngày thì hai bên xảy ra mâu thuẫn dẫn đến chấm dứt HĐLĐ.
Theo lời bà Vân, tối 2.3, khi biết bà đang bệnh không làm việc nhà được thì bà Lan đã la mắng và kêu bà thu dọn đồ ra khỏi nhà ngay trong đêm. Đồng thời, bà Lan có thanh toán cho bà tiền lương trong những ngày đã làm việc và tiền ăn tết. Bức xúc nên sau năm ngày nghỉ việc, bà Vân đã khởi kiện ra TAND quận Tân Phú.
Ngược lại, bà Lan kể ngày đó khi đi công tác về nghe gia đình báo là bà Vân bị bệnh nằm suốt ngày và mẹ bà còn phải nấu cháo cho ăn. Thấy vậy, bà có trao đổi với bà Vân về tình trạng sức khỏe và trách nhiệm trong công việc của bà Vân không đáp ứng được nhu cầu như đã thỏa thuận. Từ đó, bà thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ với bà Vân. Bà Vân đồng ý và đã nhận 6,5 triệu đồng (gồm 5,5 triệu đồng tiền lương và 1 triệu đồng tiền cho thêm dịp tết).
Đối đáp lại, bà Vân cho rằng không có việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng mà sự thật là như bà đã trình bày.
TAND quận Tân Phú nhận định bà Vân đã nhận tiền lương, tiền ăn tết và nhận lại giấy CMND mà không phản ứng gì nghĩa là đã thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ. Từ đó, tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Vân vì không có căn cứ và không phù hợp với quy định pháp luật.
Không đồng tình, bà Vân làm đơn kháng cáo.
Thuê osin cũng phải theo Bộ luật Lao động
Tại phiên phúc thẩm, TAND TP.HCM nhận định theo hợp đồng thỏa thuận giới thiệu việc làm giữa ba bên (gồm công ty môi giới, bà Vân và bà Lan) thì bà Vân đến làm việc nhà cho bà Lan trong 60 ngày. Thời gian thử việc là sáu ngày kể từ ngày bà Vân bắt đầu làm việc.
Sau thời gian làm thử, bà Vân vẫn phải làm thêm đủ 54 ngày công cho bà Lan với mức lương 4,5 triệu đồng, bao ăn ở. Trường hợp hai bên chấm dứt HĐLĐ và mọi tranh chấp giữa bà Vân và bà Lan thì giải quyết theo luật định. Công ty chỉ làm nhiệm vụ trung gian giới thiệu lao động nên không chịu bất kỳ trách nhiệm và nghĩa vụ nào đối với bên lao động và sử dụng lao động khi có tranh chấp.
Theo tòa, hồ sơ vụ án thể hiện HĐLĐ giữa bà Lan và bà Vân là bằng miệng. Thời gian bắt đầu làm là ngày 24/1, công việc là giúp việc nhà, thời gian nghỉ ngơi là 13-14. Còn về thời hạn và mức lương thì y như việc giao kết tại nơi giới thiệu việc làm. Và quan hệ lao động giữa hai bên được xác lập từ ngày bà Vân bắt đầu làm việc và 38 ngày sau thì nảy sinh tranh chấp.
Tòa cho rằng Bộ luật Lao động quy định đối với lao động giúp việc gia đình thì các bên có thể giao kết bằng miệng và các bên đương nhiên phải tuân theo các quy định của pháp luật lao động. Do đó, việc bà Vân khởi kiện tranh chấp lao động tại tòa là đúng.
Không chứng minh được thì phải bồi thường
Theo tòa, đơn phương chấm dứt HĐLĐ là việc một bên chủ lao động chấm dứt việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo HĐLĐ mà không phụ thuộc vào ý chí bên kia. Theo đó, bà Lan là người thể hiện ý chí chấm dứt hợp đồng với bà Vân Sau khi thanh toán các khoản tiền và trả lại giấy CMND rồi thì bà Vân ra khỏi nhà. Bà Vân thì không thừa nhận việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng. Trong khi bà Lan không chứng minh được việc hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng nên có cơ sở xác định bà đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với bà Vân.
Theo luật lao động, bà Lan cũng không chứng minh được bà Vân không hoàn thành nhiệm vụ theo hợp đồng nên có cơ sở xác định bà Lan đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật với bà Vân
Từ đó, HĐXX đã chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Vân Tòa buộc bà Lan bồi thường ba ngày lương do vi phạm thời hạn báo trước, 19 ngày lương trong những ngày bà Vân không được làm việc, hai tháng lương do chấm dứt HĐLĐ trái luật. Tổng cộng bà Lan phải trả cho bà Vân 12,3 triệu đồng.
Từng có vụ osin kiện chủ
Cuối năm 2002, bà Trà đến giúp việc cho gia đình bà Thủy, hai bên thỏa thuận nếu muốn cắt hợp đồng thì phải báo trước một tháng. Bà Trà kể tháng 11/2010, bà Thủy nghi bà trộm tiền nên đã chửi bới, lục đồ đạc, bắt bà cởi hết quần áo để kiểm tra và khóa cửa nhốt không cho ra ngoài. Dù công an xác định bà vô can nhưng bà vẫn bị đuổi việc. Vì vậy, bà khởi kiện yêu cầu bà Thủy phải bồi thường 19 triệu đồng, bao gồm 9 triệu đồng tiền lương, trợ cấp thôi việc… và 10 triệu đồng tiền bồi thường tổn thất về tinh thần do bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Ngoài ra, bà còn yêu cầu bà Thủy phải công khai xin lỗi bà tại địa phương.
Xử sơ thẩm, TAND quận 11 (TP.HCM) nhận định không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của bà Trà bởi bà đã tự ý nghỉ việc. Còn việc bà Trà đòi bồi thường tổn thất tinh thần 10 triệu đồng, công khai xin lỗi tại địa phương là không hợp lý. Bởi bà Thủy thể hiện rõ thái độ nghi ngờ bà Trà lấy trộm, yêu cầu cho kiểm tra phòng, kiểm tra người thì rõ ràng đã gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của bà Trà Điều này pháp luật không cho phép, lỗi thuộc về bà Thủy Nhưng bà Thủy kiểm tra là có sự đồng ý của bà Trà, khi kiểm tra chỉ có mặt hai người nên mức độ tổn hại về mặt tinh thần đối với bà Trà không lớn.
Tòa chỉ chấp nhận một phần yêu cầu, buộc bị đơn bồi thường cho bà Trà trên 1,3 triệu đồng.
Theo Pháp Luật TP.HCM