Oscar 2011: Chọn facebook hay diễn văn?

Oscar 2011: Chọn facebook hay diễn văn?
TP - Kết quả Oscar tuần tới mới ngã ngũ, giới phê bình và dư luận đang ngầm đếm ngược cho bình chọn ở hạng mục phim hay nhất.
Oscar 2011: Chọn facebook hay diễn văn? ảnh 1
“Mạng xã hội” chạy đua với “Diễn thuyết nhà vua” tại Oscar 2011
“Mạng xã hội” chạy đua với “Diễn thuyết nhà vua” tại Oscar 2011.

Mười phim tranh giải, trong đó có phim hoạt hình Câu chuyện đồ chơi 3. Giới phê bình đặc biệt ưu ái hai phim. Trước Quả cầu vàng, The social network (Mạng xã hội) vượt King’s speech (Diễn thuyết của nhà vua). Gió đổi chiều kể từ khi Hiệp hội các nhà sản xuất, đạo diễn, hay hội của các diễn viên điện ảnh và truyền hình chọn Diễn thuyết của nhà vua.

Diễn thuyết của nhà vua nổi lên với 12 đề cử, Mạng xã hội kém hai đề cử. Cả hai cùng có tên ở hạng mục quan trọng: phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc, nam diễn viên chính xuất sắc.

Trang web uy tín Mỹ IMDB cho Diễn thuyết của nhà vua 8,5/10, còn Mạng xã hội 8,2/10. Trang web: obsessedwithfilm chia 45% chiến thắng cho Diễn thuyết của nhà vua. Chín phim còn lại chỉ có 55% cơ hội, Mạng xã hội chiếm 20%.

Đề cử Phim hay nhất Oscar 2011: Diễn thuyết của nhà vua, Mạng xã hội, True Grit (Gan góc), Câu chuyện đồ chơi 3, Winter’s bone (Mùa đông của Bone), Thiên nga đen, Inception (Kẻ đánh cắp giấc mơ), 127 Hours, The kids are all right và The fighter.

Diễn thuyết của nhà vua là câu chuyện về sự vượt qua tật nói lắp, vượt lên chính bản thân của công tước xứ York trước khi trở thành vua George VI (Colin Firth).

Tờ Hollywood Reporter nhận xét: “Gần đây các nhà làm phim Anh quốc không chỉ làm phim lịch sử hoàng gia đơn thuần, mà còn cho người xem nhận thức nhiều hơn về những thách thức của những con người ở vị trí cao quí đó. Bắt đầu với Nữ hoàng đến Thời trẻ của Victoria, giờ đây là Diễn thuyết của nhà vua”.

Reuters nhận xét, đạo diễn Tom Hooper thành công khi làm bộ phim chứng tỏ sự cuốn hút, sức mạnh của ngôn từ.

Phim mang đậm màu sắc xứ sở sương mù, tuy vậy không quá nặng nề về mối quan hệ hoàng gia. Trong bối cảnh năm 1939 nước Anh đứng trước thời khắc tuyên chiến với nước Đức, Albert Frederick Arthur George phải chứng tỏ bản lĩnh lãnh đạo đất nước. Thách thức lớn nhất với ông chính là bài diễn thuyết về chiến tranh- lần đầu tiên trong đời tại vị.

Vua Geroge có Logue - một diễn viên, người giảng dạy ngôn ngữ- giúp ông. Một phim tiểu sử nhưng không sa đà kể lể dài dòng. Đặc biệt diễn xuất tuyệt vời của Colin Firth mang lại chất hài tinh tế trong nhiều tình huống. Tượng vàng Oscar nam diễn viên chính xuất sắc nhất không hề quá sức với Colin.

Nếu Diễn thuyết của nhà vua đưa khán giả trở lại đầu thế kỷ 20, thì Mạng xã hội tỏa ra hơi thở thời đại. Sức ảnh hưởng không ngờ của facebook được thể hiện trọn vẹn trong phim của đạo diễn David Fincher.

The Guardian cho rằng ngay từ lời thoại đầu tiên, cảnh quay đầu tiên, cuộc tranh cãi đầu tiên- đã vẽ nên bức tranh sinh động về cuộc sống hiện đại ở Mỹ. Phim xây dựng nhân vật đáng ngưỡng mộ- Mark Zuckerberg- với quá trình làm nên thương hiệu facebook, trở thành tỷ phú Mỹ 23 tuổi. Đó cũng là hành trình trải nghiệm về tình bạn, sự phản bội và trách nhiệm.

“Kịch bản hoàn hảo, chỉ đạo tuyệt vời, diễn xuất cừ” là lời tung hô giới phê bình Mỹ dành cho Mạng xã hội. Bởi từ chủ đề khô khan- mạng facebook- các nhà làm phim tạo ra nhân vật, câu chuyện thú vị. Người ta nói mạng facebook do những kẻ phản bội lập ra, nhưng được nuôi dưỡng bằng tâm hồn của kẻ thèm khát bạn bè trên thế giới ảo.

“Bạn không thể nào có tới 500 triệu người bạn mà không gây thù chuốc oán với ai”, các nhà làm phim biến triết lí ấy thành câu chuyện thú vị. Trước hết là về con người Mark Zuckerberg, thiên tài máy tính, kẻ tiềm ẩn chất lập dị, biến ý tưởng kết nối bạn bè trên thế giới ảo thành hiện thực.

40 triệu USD kinh phí, Mạng xã hội thu về 220 triệu USD trên toàn thế giới. Không trông mong gì ở cảnh trí nên các nhà làm phim khôn ngoan sáng tạo ở lời thoại, nhờ tài năng của nhà biên kịch Aaron Sorkin. Đạo diễn sử dụng hiệu quả thế mạnh đặc biệt này, ông khôn khéo đặt cảnh quay về tài ăn nói như súng liên thanh của luật sư, cạnh hình ảnh anh chàng lập trình lầm lì.

Thắng thế ở Quả cầu Vàng, song chưa chắc Mạng xã hội cán đích Oscar. Quan trọng là tiêu chí lựa chọn của 6.000 thành viên Viện hàn lâm nghệ thuật điện ảnh Mỹ. Phim nào chạm được trái tim khán giả hơn cả sẽ nắm cơ hội cao hơn.

Như Oscar 2010- dù Avatar của James Cameron làm mê đắm biết bao khán giả nhờ hình ảnh như mơ của công nghệ 3D, rút cuộc bại bởi đối thủ The Hurt Locker (Người phá bom), bộ phim cảm động về đội phá bom dũng cảm ở Iraq.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG