Oscar 2008 - Thoát hiểm trong gang tấc

Oscar 2008 - Thoát hiểm trong gang tấc
TP - Cuộc đình công của Hiệp hội kịch bản Mỹ, từng khiến lễ trao giải Quả cầu vàng phải hoãn lại chỉ bằng một thông cáo nhỏ. Việc này trực tiếp đe dọa đêm Oscar... nhưng cuối cùng, mọi việc đã diễn ra êm đẹp.
Oscar 2008 - Thoát hiểm trong gang tấc ảnh 1
Tượng vàng Oscar

Cái giá của Đêm Oscar lần thứ 80 không chỉ là 2,5 tỷ đô la

Một bất công chết người đè nặng trong đời sống Hollywood bấy nay là giới biên kịch hầu như chưa được giới sản xuất trả công xứng đáng với lao động khổng lồ của họ.

Cuộc đình công đầu tiên của Hiệp hội kịch bản kéo dài 22 tuần năm 1988 đã làm Kinh đô điện ảnh toàn cầu chao đảo với tổn thất tài chính là 500 triệu USD...

Cuộc đình công thứ hai nổ ra từ ngày 5/11/2007.Nguyên do: giới sản xuất không chịu hoàn trả cho giới biên kịch quyền lợi vật chất và tinh thần mà họ được hưởng khi tác phẩm của họ được tung lên mạng và các phương tiện truyền thông hay kỹ thuật số khác.

Biểu tình mít tinh rầm rộ, thương lượng nhiều lần không kết quả, Hiệp hội kịch bản Mỹ, gồm 12.000 thành viên, quyết định tẩy chay lễ trao giải Quả cầu vàng, giải chỉ đứng sau Oscar, và được Hiệp hội diễn viên, 150.000 người, ủng hộ.

Thế là, buổi lễ đó (13/1) bị thay bằng một cuộc họp báo đơn giản trong chỉ nửa giờ. Chuyện chưa từng có trong lịch sử điện ảnh cho thấy ý chí đòi công bằng sắt đá của các nhà biên kịch. Ý chí ấy trực tiếp đe dọa đêm Oscar, biểu tượng của Nghệ thuật thứ bảy toàn cầu.

Trước sức ép của dư luận không chỉ ở quê hương của Oscar, giới sản xuất không chây ỳ được nữa. Họ nối lại đàm phán với các nhà biên kịch, thoả thuận tăng thêm 3,4% tiền bản quyền kịch bản, tăng gấp đôi thù lao cho tác phẩm được sử dụng trên Internet và kỹ thuật số.

Ngày 12/2 vừa rồi, nghe lời kêu gọi của lãnh đạo Hiệp hội, các nhà biên kịch Mỹ đã bỏ phiếu tán thành thỏa ước nói trên. Bế tắc được khai thông. Đêm trao giải Oscar hoành tráng được tổ chức đúng ngày 24/2.  Tổn thất của Hollywood là không nhỏ...

Không phải cứ nhiều tiền là được dự đêm Oscar - Hollywood thở phào nhẹ nhõm... Năm nay, công chúng và giới chuyên môn xôn xao vì một tin nóng bỏng. Đó là việc ban tổ chức đêm Oscar 80 thông báo rằng Paris Hilton không được dự buổi lễ như cô mong muốn. Lý do thật dễ hiểu: hai năm nay, cô cư xử lệch lạc quá nhiều. Dù nỗ lực chứng minh, cô vẫn chưa được Hollywood công nhận là một diễn viên.

Bộ phim mới nhất của cô, The Hottie and the Nottie, bị chê là bộ phim dở nhất của mọi thời đại. Là một trong những phụ nữ được hưởng thừa kế giầu nhất thế giới, Paris Hilton thỏa thích tự lăng xê mình, dù cô không có thực tài.

Cô muốn hiện diện ở những nơi mà nghệ thuật được tôn vinh nhất. Cách đây mấy năm, cô đã leo lên các bậc thang lừng lẫy của Liên hoan phim Cannes mỹ lệ, dù chẳng được mời.

Năm nay, cho đêm Osacar, cô đã bỏ ra bốn triệu đô la để may một chiếc áo dạ hội xứng tầm. Một bạn gái của cô tiết lộ rằng khi nhận được tin này, Paris Hilton đã khóc lóc suốt đêm.

Điện ảnh Pháp - Gần nửa thế kỷ mỏi mòn trông đợi -  Thật bất công và phi lý, quê hương của Nghệ thuật thứ  bảy bị Osacar ghẻ lạnh suốt bao năm ròng, dù tài năng của các đạo diễn và diễn viên Pháp không hề kém cỏi và họ tỏa sáng ở Hollywood ngay từ buổi hoàng kim của Kinh đô điện ảnh (1920-1950).

Từ thời ấy, nhiền diễn viên Pháp đã sang làm việc cho Hollywood, song chỉ Claudette Colbert giành được Oscar vai nữ hay nhất năm 1935. Ngoài Alain Delon và Yves Montand không được “tiến cử” cho Oscar lần nào, những diễn siêu đẳng được xét tặng một lần là Anouk Aimé (1967), Gérard Dépardieu (1977), Catherine Deneuve (1993). Riêng Izabelle Adjani hai lần, 1976 và 1990, được vào so tài cho Oscar vai diễn nữ hút hồn nhất, song cũng bị loại...

Năm nay, Cộng hòa Pháp trông chờ Oscar quan trọng thứ hai sẽ về tay Laura Marion Cottilard, người thủ vai huyền thoại ca nhạc Pháp Edith Piaf trong phim Cõi đời tươi sáng.

Quả không nhầm, cô lần lượt đoạt giải Quả cầu vàng, rồi Bafta (của Vương quốc Anh) và cuối cùng là Oscar. Trong lịch sử Nghệ thuật thứ bảy, thật hiếm tài năng gặt hái đồng thời nhiều tiếng thơm đến vậy…

Từ Bình Tâm 
Theo nhiều tài liệu nước ngoài

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.