''Ốp'' sông Hồng ở Matxcơva trước ngày giải tán

''Ốp'' sông Hồng ở Matxcơva trước ngày giải tán
Chưa bao giờ câu ví "thương trường như chiến trường" lại đúng như lúc này với đa số người Việt Nam làm ăn ở Nga, khi các chợ, cửa hàng của người Nga ở Mátxcơva sinh sôi nảy nở như nấm, khiến chợ ốp của người Việt càng teo tóp.

Thậm chí cả trung tâm thương mại có tiếng Sông Hồng cũng không ngoại lệ, bởi theo bản hợp đồng 10 năm ký giữa Sông Hồng với nhà máy Z thì chỉ hết tháng 12 năm nay toà nhà có 6 tầng của ốp Sông Hồng 1 sẽ chỉ còn được giữ lại hai tầng dưới làm nơi buôn bán, các tầng trên phải trả lại nhà máy.

Câu hỏi tương lai chẳng biết rồi sẽ ra sao đã day dứt càng thêm gay cấn.

Mùa đông phía trước

Tôi đến ốp (chung cư trước đây) Sông Hồng 1 (Krasnaia Reka) vào một sớm thứ bảy cuối thu. Trên con đường từ bến xe buýt vào chợ tuy chỉ thấy lác đác vài tốp người Nga chuyện trò rôm rả, nhưng suốt dọc những con đường ven ốp, dòng xe tư nhân đã chen chân kín mít.

Tạt vào khu bán hàng tầng một, nơi luôn đông khách nhất, người đầu tiên tôi đụng là Minh A - quê Hà Tĩnh, theo chồng sang Nga du lịch rồi dạt lại luôn từ năm 1997 đến giờ. Chúng tôi biết nhau từ hồi còn cùng cư ngụ tại ốp Salut 2. Đáp lại câu chào hỏi thăm tình hình buôn bán của tôi, Minh A ỉu xìu: "Đuội lắm anh ạ".

Miệng nói tay Minh A vẫn nhoay nhoáy lựa áo sơmi giới thiệu cho một khách hàng Nga trẻ tuổi. Quanh đó cảnh chợ đã vào hồi tấp nập, kẻ bán người mua, tiếng khen chê đắt rẻ xấu đẹp lao xao, tíu tít.

Thả bước tiếp dọc theo các quầy hàng, tôi nhận thấy các quầy bán áo da, áo lông và nói chung là đồ mùa đông có vẻ bán chạy do trời đã trở lạnh. Cuối tháng 10 ở Nga, những chiếc lá cuối còn rơi vương trên tóc, trên áo người qua đường, song nhiệt độ ngoài trời đã xuống còn khoảng 5 đến 7 độ.

Ốp đâu ta đó

"Chào anh ghé chơi", Trần Tuấn V tạm dừng tay đếm tiền quay sang tôi cười xởi lởi. Anh khoe vừa bán được chiếc áo khoác cho một bà khách Nga. Vui đó mà cũng buồn ngay đó.

"Lại phải di tản chỗ ở anh ạ, hết cảnh tầng trên ở, tầng dưới bán hàng rồi, mà đi xa đâu dễ dàng gì, lại còn lo khoản vốn liếng bét ra cũng vài chục ngàn đô, đào đâu ra bây giờ", V than thở. "À, mà bọn em đọc báo nghe tin chợ Vòm cũng rung rinh hả anh?".

Tuấn V quê Nam Định, vốn là dân lao động sang Nga từ năm 1988 rồi cũng ở lại làm ăn đến giờ. Để nuôi đủ một vợ hai con, trước V đã từng hành nghề lái xe taxi nhưng anh nói vất vả lắm. Từ khi chuyển sang đánh hàng da, cuộc sống gia đình cậu mới có vẻ khấm khá hơn.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, hai năm nay thu nhập hàng tháng khá thì cũng chỉ bỏ ống được vài đô, kém thì nhiều khi âm nặng thu chẳng bù chi. Đầu vào ngày càng chật hẹp mà các khoản phải khấu trừ vẫn cứ lù lù ra đấy, từ thuế quầy bán hàng, thuế phòng ở, tới sinh hoạt, đi lại, chi phí công an.

Rời tầng 1, tôi lên tầng 2, tầng 3 tuy không đông đúc như tầng trệt nhưng lên xuống cầu thang vẫn phải nhường nhau. Đụng ngay Vũ Xuân T - một cựu sinh viên quê xứ Nghệ sang Nga phụ mẹ bán hàng kiếm tiền du học. Túi nhẹ, mẹ con T phải dạt lên tầng 3, hàng họ bán chậm hơn nay lại phải tìm chỗ khác càng bội phần vất vả.

Dẫu thế T vẫn tự tin - có lẽ mẹ con cháu sẽ sang ốp Sông Hồng 3, thuê bức vách hay bờ tường nào đó nhặt nhạnh bạc lẻ cũng được.

Tôi quay sang Lena - một phụ nữ Nga tuổi chừng 30, nhà ở ngoại ô vào chợ bán thuê cho một chủ quầy giày da, giày thể thao của người Việt. Được hỏi về thu nhập, chị nói: "Cũng tàm tạm anh à, mỗi ngày chủ trả 250 rúp (gần 1 đô) tiền công. Nếu bán được nhiều thì hưởng thêm phần trăm, cũng ổn".

Lena là một trong những minh chứng cho thực tế rất phổ biến là dù thời buổi người khôn của khó, nhưng quân ta vẫn phải đóng vai rất oách làm ông bà chủ bất đắc dĩ, thuê hẳn người bản địa Nga, Ukraina bán hàng. Nhưng chung quy lại cũng chỉ vì vốn tiếng Nga của người Việt ở chợ, nhất là lớp đi du lịch dạt lại, xem ra còn hạn hẹp lắm. Thêm nữa, một số khách hàng Nga lại chỉ thích mua hàng của người Nga bán.

Đã tới lúc dạ dày biểu tình, tôi tạt vào nhà hàng "D béo" vừa thưởng thức bát phở gà truyền thống vừa tranh thủ vặn vẹo chủ hàng về thu nhập. Chị Vũ Thanh D vẫn xởi lởi - kể cũng hơi buồn nhưng tình hình chung như thế. Thôi thì ốp ở đâu mình ở đó.

Vũ Thanh D là gái Hà Nội gốc, theo chồng là anh Đinh Đức V là dân lao động sang Nga năm 1987. Cặp này sát cánh với ốp Sông Hồng đã mươi năm nay, cùng là chủ nhà hàng chuyên phục vụ mọi loại tiệc tùng trong ốp, từ đám cưới, sinh nhật tới hội họp và cả đưa cơm hàng ngày cho khách hàng cả ta lẫn tây. Khách đông bởi chị D nổi tiếng là một đầu bếp có sao ở "Mát".

Tạt vào mấy quầy hàng khô, hàng tươi sống trên tầng 3 và tầng 5 tranh thủ chụp vài bức, tôi đụng chị Phạm Thanh P - một cựu binh của Salut và Sông Hồng, có thâm niên trong ngành hàng khô. Bà chị tỏ ra rất vững vàng: "Tôi theo ốp đến cùng không rời một bước".

Để chồng con ở nhà, D lặn lội sang trời Tây từ năm 1987, thân gái dặm trường bôn ba bươn trải trên mọi nẻo đường nước Nga góp nhóp gửi tiền về nuôi con.

Cũng từng có thâm niên vài chục năm ở Nga, tôi hiểu đúng là ốp ở đâu các chị phải ở đó, vì nghiệp của các chị em ta chủ yếu chuyên về phục vụ cái ăn cái uống hàng ngày. Dân bán hàng bận tối mắt tối mũi, chiều về mới tranh thủ tạt vào hàng khô, hàng tươi mua con cá, cân thịt, mớ rau xanh ăn cho đỡ xót ruột.

Hoặc giữa buổi chợ thấy kiến bò bụng, tạt vào hàng ăn húp vội tô mì tôm, bát phở hoặc nhẩn nha hơn thì làm suất cơm nóng sốt, rồi lại tiếp tục cuộc chiến trên thương trường đẫm mồ hôi và nước mắt.

Cư dân ốp

Điểm kết thúc chuyến chu du của tôi là gặp mấy anh bạn cũ trong ban quản trị ốp Sông Hồng 1. Sau chén trà Thái xanh đậm dịu ngọt vị quê nhà, các anh dốc bầu tâm sự. Anh này nói tình thế bắt buộc phải vậy, hợp đồng đã kết thúc thì mình phải tuân thủ.

Anh khác lạc quan hơn: May là họ đã ký tiếp hợp đồng mới nên cũng ổn. Ốp Sông Hồng 1 đã đứng được 10 năm cũng có thể coi là một thành tích đáng nể.

Ngay sau lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Thương mại Sông Hồng, ban quản trị đã triển khai việc đưa bà con ta sang ốp Sông Hồng 3. Ở đó cũng có thể vừa ở vừa bán hàng. Hiện các anh đang cho sửa chữa nhà cửa để đón những cư dân mới vốn sống quây quần tình cảm với nhau ở ốp Sông Hồng cả chục năm qua, nay chẳng ai muốn tách xa.

Hầu hết người quen của tôi ở đây hay ốp Sông Hồng 3 hoặc các ốp Salut 1, 2, 3, 5 đã sang đây thì hoặc đều là dân lao động ở lại, hoặc nghiên cứu sinh, sinh viên, du lịch, hay "Nga quay" (tức là người Việt ở Nga có về nhà vài năm, làm ăn không khá lại sang Nga).

Dân Sông Hồng 1 rất thuần, hiểu theo nghĩa nào cũng được. Chủ yếu là nhờ ban quản trị lo rất tốt từ khâu an ninh, ăn ở tới bán hàng suốt bao năm qua. Nhờ vậy mà hiếm khi có chuyện lộn xộn xảy ra tại đây.

Thông báo của ốp ghi rất rõ: "Người nào vi phạm điều lệ quy định do công ty đề ra, sẽ không được tồn tại trong ốp".

Ốp Sông Hồng 1 toạ lạc trong một toà nhà 9 tầng đồ sộ, nguyên là của một nhà máy quốc phòng cho thuê lại và hiện họ vẫn sử dụng ba tầng 7,8, 9 để hoạt động. Toàn ốp có hơn 300 phòng ở và hơn 300 phòng bán hàng, với tổng số người hiện có gần 2.000. Ba tầng 4, 5, 6 dùng làm chỗ ở và các dịch vụ sinh hoạt. Nhìn chung đời sống cả về tinh thần và vật chất trong ốp khá đầy đủ.

VTV4 bắt sóng ăngten đến từng phòng ở. Dịch vụ Internet, sách báo cập nhật hàng ngày. Bóng bàn, bóng chuyền, bóng đá, phòng tập võ, phòng hát karaoke, dịch vụ cắt tóc, làm đầu, dịch vụ giấy tờ, nhà hàng phục vụ tiệc tùng, hàng khô, hàng tươi sống phục vụ từ A đến Z.

Các khu công cộng như nhà bếp, nhà tắm, vệ sinh rất sạch sẽ bởi mọi người đã quen có ý thức giữ gìn chung. Trẻ em thế hệ thứ hai sinh ra ở đây rất ngoan. Các cháu dù là theo bố mẹ từ Việt Nam sang thì học cũng khá giỏi.

Tôi nhận thấy có được bầu không khí trong lành để sinh hoạt như tại ốp Sông Hồng 1 ở thời điểm hiện tại chủ yếu là nhờ ở sự kết hợp đồng bộ và khăng khít giữa ban quản trị với bà con cư dân.

Mười năm qua, cộng đồng ốp đã gắn bó với những cái tên như: Nguyễn Văn Niên - sinh năm 1955, quê Vĩnh Phú, hiện là Chủ tịch Trung tâm Thương mại Sông Hồng. Anh là một tiến sĩ luật đồng thời cũng là một nhà kinh doanh thành đạt ở cả Nga và trong nước.

Chính anh Niên là người có công biến các tầng nhà tồi tàn thời năm 1996 thành từng căn phòng khang trang tiện cho việc buôn bán. Rồi theo yêu cầu của lãnh đạo thành phố Mátxcơva, các anh trong ban quản trị Sông Hồng lại đầu tư hàng trăm ngàn USD để nâng cấp các phòng bán hàng lên theo tiêu chuẩn Châu Âu.

Còn anh Võ Văn Hồng, sinh năm 1954, cũng là một phó tiến sĩ quản trị kinh doanh, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trung tâm Thương mại Bến Thành, ở ốp Salut. Từ mô hình Salut 1, 2, 3, 4, 5, anh khai sinh thêm các ốp Sông Hồng 1, 2, 3, 5, 7, mà nay do thời cuộc đẩy đưa chỉ còn lại hai ốp Sông Hồng 1 và Sông Hồng 3. Sông Hồng 3 hiện vẫn được duy trì tốt và đang là cứu tinh cho bà con ta tiếp tục làm ăn.

Theo Lao Động

MỚI - NÓNG