Ngày 23/4, TAND TP Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi trong phiên xử bị cáo Vũ Huy Hoàng – nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương cùng 9 người khác trong vụ án thất thoát 2.713 tỷ đồng.
Sabeco lập liên doanh Sabeco Pearl để xây dựng cao ốc tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP.HCM) trong đó, Sabeco giữ 26% vốn; còn lại thuộc các công ty tư nhân. Ông Vũ Huy Hoàng cùng Bộ Công Thương đồng ý việc này và UBND TPHCM cũng chấp thuận cho xây dựng trên khu đất.
Ban đầu, khu đất chỉ có chức năng văn phòng nhưng sau đó được bổ sung căn hộ ở khiến giá trị tăng từ 1.075 lên 3.816 tỷ đồng. Năm 2016, các doanh nghiệp tư nhân đề nghị Sabeco thoái vốn khỏi liên doanh và được Sabeco cùng Bộ Công Thương đồng ý.
Ông Vũ Huy Hoàng còn chủ trì một cuộc họp ngày 29/3/2016 và cuộc họp này đã quyết định giá khởi điểm của Sabeco khi thoái vốn tại Sabeco Pearl là 13.247 đồng/cổ phần.
Theo truy tố, giá trị này thấp hơn thực tế rất nhiều nhưng Sabeco sau đó vẫn thoái vốn, dẫn tới khu đất số 2-4-6 bị chuyển từ sở hữu nhà nước sang tư nhân, gây thiệt hại 2.713 tỷ đồng.
Tai tòa, bị cáo Vũ Huy Hoàng khẳng định cuộc họp ngày 29/3/2016 nói trên không quyết định giá bán cổ phần. Ngoài ra, ông bị Quốc hội Khóa 13 cùng Chủ tịch nước bãi miễn chức Bộ trưởng Bộ Công thương vào ngày 8/4/2016.
“Từ đó, tôi không tham gia bất cứ khâu, công đoạn nào của quá trình thoái vốn. Đến 30/5/2016, Sabeco mới xây dựng phương án thoái vốn chính thức về giá, phương thức, cách thức… để ngày 26/8/2016, báo cáo Bộ Công thương phê duyệt. Quá trình thoái vốn của Sabeco kết thúc năm 2017 và tôi không hề can thiệp. Nếu cần kiểm tra, Hội đồng xét xử có thể hỏi những người liên quan” – bị cáo Hoàng nói.
Cựu Bộ trưởng cũng khẳng định bản thân không trực tiếp quản lý Sabeco nên cuộc họp trên, ông chủ trì thay bị can Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công thương (hiện bỏ trốn) do lúc đó, bà Thoa đi vắng.
Về quá trình Sabeco thoái vốn, bị cáo Hoàng khai lý do vì Chính phủ có chủ trương yêu cầu doanh nghiệp nhà nước thoái vốn khỏi lĩnh vực không phải ngành nghề kinh doanh chính. Sau đó, các nhà đầu tư tư nhân trong Sabeco Pearl cũng gửi văn bản cho ông, đề nghị để Sabeco thoái vốn khỏi liên doanh này.
Ông Hoàng nói: “Các nhà đầu tư này không đại diện cho Sabeco nên theo đúng thủ tục, tôi chuyển văn bản của họ cho Vụ Công nghiệp nhẹ để vụ này yêu cầu Ban quản lý vốn nhà nước và HĐQT Sabeco báo cáo Bộ. Sabeco sau đó đề nghị cho thoái vốn, chúng tôi đồng ý chủ trương và hướng dẫn trình tự thủ tục thoái vốn gồm xây dựng phương án thoái vốn đúng pháp luật, bảo đảm lợi ích của các cổ đông và nhất là cổ đông nhà nước”.
Về việc cáo trạng xác định dự án tại số 2-4-6 được bổ sung chức năng căn hộ, đại diện Cty Quảng trường Mê Linh bác bỏ, khẳng định UBND TP.HCM mới đồng tình chủ trương, chưa có quyết định chấp thuận.
Cty Mê Linh là một đơn vị góp vốn thành lập liên doanh Sabeco Pearl. Từ hàng ghế người liên quan, đại diện Mê Linh nói: “Chức năng ở chưa được thể hiện ở giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất. Về các thủ tục được bổ sung chức năng ở có nhiều nhưng quan trọng nhất là chủ đầu tư sau khi được UBND thông báo nghĩa vụ tài chính về chuyển mục đích, phải thực hiện nhưng thực tế chưa làm. Vụ án điều tra từ tháng 11/2018 nên từ đó đến nay không có hoạt động, giấy tờ bổ sung chức năng đó”.
Đồng tình ý kiến này, bị cáo Lâm Nguyên Khôi – nguyên Phó giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM khai: “Tôi biết, nếu có chức năng ở, phải có quyết định của ủy ban chấp thuận chủ trương đầu tư và sau đó, doanh nghiệp sẽ làm các thủ tục tiếp theo như đại diện Mê Linh nói là đóng thêm tiền chuyển đổi”.