“Ông vi trùng”

Với ông, những bệnh nhi là những “đứa con” đáng yêu.
Với ông, những bệnh nhi là những “đứa con” đáng yêu.
TP - Trừ những lúc ở bệnh viện, còn lại vẫn thấy ông với chiếc mũ bê-rê trên đầu. Tóc luôn rũ rượi theo kiểu lãng tử, áo quần luộm thuộm. Thoạt đầu nhìn vào ít ai nghĩ ông là bác sĩ được cả giới y khoa biết đến chứ nói gì được Tổ chức Y tế vinh danh trong đóng góp vào phác đồ trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em.

Trương Hữu Khanh - ông là Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh của Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM mà nhiều người hay ví von là khắc tinh của “vi trùng và vi khuẩn”...

“Ăn chơi” với vi trùng

Tôi gặp lại vị bác sĩ 51 tuổi này trong cùng một chuyến bay ra Hà Nội cuối năm, trước khi ông quá cảnh sang Trung Quốc tham dự hội nghị y khoa quốc tế về bệnh truyền nhiễm, lĩnh vực mà ông gắn bó mấy chục năm nay.

Vẫn là ông, trên đầu luôn là chiếc mũ bê-rê đặc trưng và bộ cánh lòa xòa. Nhưng ở các sự kiện quan trọng như trong các cuộc hội thảo, giảng dạy cho sinh viên, ông luôn com-lê, ca-ra-vát lịch lãm nom như một doanh nhân. Cách ăn nói trôi chảy, thông minh pha chút hài hước của ông luôn cuốn hút người đối diện và khiến ông trở nên nổi bật...

Nhớ lại thời điểm 4 năm về trước, khi dịch tay chân miệng hoành hành ở châu Á, ông Trương Hữu Khanh cùng với một số chuyên gia quốc tế được WHO khu vực tây Thái Bình Dương mời đến Malaysia. Họ cùng nghiên cứu và đi đến thống nhất ban hành phác đồ điều trị theo chuẩn thế giới. 

Người ta đặt cho bác sĩ Khanh là ông vi trùng từ khi ông tốt nghiệp đại học y khoa vào năm 1988, lúc ông về công tác tại khoa Nhiễm- Nhi của Bệnh viện Nhi Đồng 1. Không biết có thiên định hay không khi ông sinh đúng vào ngày 1/12, cũng là ngày thế giới Phòng chống AIDS.

Trùng hợp lạ, ông lại là một bác sĩ chuyên lĩnh vực nhiễm trong đó có HIV trẻ em. Thoạt đầu, ông không để ý cho lắm nhưng sau nhiều lần sinh viên tiết lộ, ông mới ngộ ra. Thế à! Cũng trùng hợp quá! Ông gắn với HIV ở trẻ em từ những năm mới ra trường. Mọi người thường ngại nhưng ông thì không.

Ông nói: “Những loại vi trùng, vi khuẩn gây nên SARS hay tay chân miệng, viêm màng não, cúm làm chết hàng nghìn người mới đáng sợ, còn HIV cơ chế lây lan quá rõ ràng và cũng dễ dự phòng?!”.

Gắn với cái tên “người khắc tinh của vi trùng” nên trong công việc gần như suốt năm ông luôn tất bật với dịch bệnh. Hết tay chân miệng lại đến viêm màng não, sởi rồi thủy đậu... xoay như chong chóng. Một ngày cuối năm, tôi đến khoa Nhiễm - Thần kinh, thấy ông, áo blouse không cài nút, thoăn thoắt lúc giường bệnh này khi ở đầu giường bệnh bên kia.

Có lúc ông lách người, nhón chân trên lối đi bịt kín vì khoa ông luôn quá tải. Đầu tóc vẫn rũ rượi, trông ông khá mệt mỏi nhưng với những đứa trẻ đang nằm ở đây, ông luôn thường trực nụ cười, âu yếm, vỗ về. Hết đánh vật với bệnh nhi, hội chẩn để đưa ra phác đồ điều trị chính xác, ông lại khăn gói lên giảng đường dạy cho các bác sĩ tương lai.

Hết giờ, cứ tưởng thảnh thơi. Nhưng hơn 25 năm nay, “người vi trùng” vẫn tất bật. Trên chiếc xe máy cà tàng, ông chạy về một khu phố nghèo, nơi vợ chồng ông sinh sống và cũng là phòng mạch “đặc biệt”: Phòng mạch 15 nghìn đồng!.

25 năm nay, phòng mạch mà ông đích thân thăm khám cho con em ở quận nghèo này chỉ lấy 15 nghìn đồng một lần khám và cả cho thuốc men. Ông xem việc khám bệnh này là cách để trực tiếp giúp cho những con em công nhân và lao động nghèo không có cơ may tới bệnh viện. Ông quan niệm tài năng chưa chắc dám nói ai hơn ai. Vì vậy, tiếng tăm và tài năng mà ông có được không phải để trục lợi mà để giúp người.

“Ông vi trùng” ảnh 1

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (bên trái) - người được WHO vinh danh. Ảnh: L.N.

Vinh danh

Trong nước, Trương Hữu Khanh là một trong ba bác sĩ được tôn vinh cá nhân tiêu biểu Việt Nam vì có nhiều sáng tạo và thành tựu đột phá trong các lĩnh vực góp phần đổi mới và vinh danh Việt Nam. Ở quốc tế, ông nhận được sự khen ngợi cùng sự nể phục từ các thành viên của Tổ chức Y tế thế giới - WHO.

Tổ chức đứng đầu về y tế đã vinh danh ông - một trong những người Việt Nam đầu tiên tham gia vào phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng cho khu vực tây Thái Bình Dương, giúp giảm đáng kể tỉ lệ tử vong của căn bệnh này.

Thành quả đó, theo ông Khanh nó mang lại chút hãnh diện lẫn tự hào, nhưng không mang lại sự lợi danh. Ở một góc độ khác, ông nói “đó là một trách nhiệm”.

Dù mỗi năm có hơn 4 nghìn trẻ mắc tay chân miệng lành lặn về nhà nhờ phác đồ mà ông đã phác thảo ra từ năm 2008. Nhưng với ông, khó khăn vẫn phía trước. Căn bệnh tay chân miệng đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị và vaccine dự phòng. Đối với ông, còn đó thách thức khi các loại virus luôn biến hóa, gây họa và độc hại khó lường.

Khi được hỏi về dấu ấn Việt Nam trong phác đồ của WHO, vị bác sĩ gốc Huế nói rằng, các nước chia căn bệnh tay chân miệng theo giai đoạn, nhưng Việt Nam chia theo độ từ nhẹ đến nặng và phân theo cấp 1 đến 4. Trái ngược với cách làm ở các nước, chia bệnh từ giai đoạn chưa tổn thương cơ quan, đến có ảnh hưởng thần kinh rồi ảnh hưởng tim mạch... gần như chỉ dành cho chuyên gia y tế làm dân khó hiểu.

Cách làm của bác sĩ Khanh được WHO đánh giá cao khi phân theo cấp độ ít nhiều giúp người dân hiểu dễ dàng và nhận biết mức độ của bệnh để có hướng xử lý đúng. Nhưng chừng ấy là chưa đủ.

Dấu ấn nữa là dù phác đồ của WHO không nhắc đến phương pháp lọc máu, nhưng Việt Nam đã áp dụng cách này khi điều trị các ca tay chân miệng nặng. Cách làm này đã giúp hàng nghìn trẻ mắc bệnh ở cấp độ nặng, biến chứng được cứu sống.

Nhiều người ví ông đã lên “đỉnh” của vinh quang nghề nghiệp, nhưng ông Trương Hữu Khanh không thích cách ví này. Ông nói, những người gắn với bệnh truyền nhiễm như ông chỉ sợ nhất là “đỉnh dịch”. Đây cũng là lúc mà ông và đồng nghiệp khổ nhất, đau nhất... khi vẫn còn những đứa trẻ ra đi trong sự bất lực của ông và đồng nghiệp.

Ở tuổi 51 nhưng vợ chồng ông vẫn chưa có con. Hỏi chuyện “tế nhị” này, ông Khanh nói vui: “Tôi đã có hàng trăm đứa con và ngày nào tôi cũng chăm sóc chúng để tụi nhỏ không còn ở bệnh viện”.

MỚI - NÓNG