Thừa nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan

Ông Trump mở đường cho bạo lực?

 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào thời điểm ký quyết định tại Nhà Trắng ảnh: Quartz
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào thời điểm ký quyết định tại Nhà Trắng ảnh: Quartz
TP - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25/3 ký tuyên bố thừa nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan được cho là hành động đi ngược lại chính sách suốt nửa thế kỷ qua của Mỹ đối với Trung Đông, khiến triển vọng đạt được hòa bình cho khu vực này xa vời hơn và tạo tiền lệ xấu cho hành động chiếm lãnh thổ bằng vũ lực. 

Khi đứng cạnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng, ông Trump đưa ra tuyên bố chính thức về việc thừa nhận Cao nguyên Golan thuộc về Israel, sau khi ông nói trước về điều này trên Twitter vào tuần trước. 

Israel chiếm Cao nguyên Golan từ Syria sau Chiến tranh 6 ngày vào năm 1967, và sáp nhập vùng đất này từ năm năm 1981. Israel và Syria trải qua nhiều vòng đàm phán về Cao nguyên Golan, bao gồm các cuộc gặp kín kéo dài đến tận năm 2010 để đi đến việc Israel rút hoàn toàn. Cuộc nội chiến Syria nổ ra năm 2011 khiến tiến trình đàm phán đó gián đoạn. 

Ông Netanyahu đã hết lời cảm ơn ông Trump vì quyết định được coi là món quà chính trị quý giá này dành cho ông vào thời điểm chỉ còn 2 tuần nữa là đến kỳ bầu cử cạnh tranh quyết liệt. 
Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ các trợ lý của ông Trump đánh giá quyết định của Tổng thống Mỹ về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hồi năm 2017 đã gây phản ứng từ thế giới Ả-rập không dữ dội như họ đoán. Vì thế, họ tư vấn cho ông Trump rằng việc thừa nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan cũng sẽ gây phản ứng ở mức Washington có thể đương đầu được.

Quyết định của ông Trump đã đảo ngược chính sách của Mỹ trong nhiều thập kỷ qua và đi ngược lại các nghị quyết của Liên Hợp Quốc về việc bác bỏ hành động chiếm đất bằng vũ lực. Nhưng Tổng thống Mỹ nói rằng điều này là cần thiết, vì nếu không Iran và đồng minh ở miền nam Syria sẽ dùng Cao nguyên Golan làm điểm tấn công xuống Israel, trong bối cảnh Washington xác định Iran là mục tiêu chính của họ ở Trung Đông.

Theo các nhà quan sát, trong lúc cũng đang chuẩn bị phải tái tranh cử vào năm 2020, ông Trump có thể hy vọng quyết định này sẽ giúp ông giành được ủng hộ từ nhóm dân Do Thái ở Mỹ và lực lượng ủng hộ Israel. 

Đi ngược nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ

Theo các nhà phân tích về Trung Đông, quyết định của ông Trump, tiếp nối quyết định về Jerusalem, có thể tạo tiền lệ xấu cho hành động thôn tính lãnh thổ bằng vũ lực, làm thất bại kế hoạch hòa bình của Mỹ ở Trung Đông và khiến Israel quay lại thời kỳ xung đột với các nước láng giềng Ả-rập.

“Ông Trump vừa bảo đảm rằng Israel sẽ ở trong tình trạng chiến tranh vĩnh viễn với các nước láng giềng Ả-rập trong nhiều thập kỷ tới”, Reuters dẫn lời ông Fawaz Gerges, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế học London và là tác giả cuốn sách Making the Arab World. 
“Điều ông Trump vừa làm là đóng một cái đinh chết vào cỗ quan tài của tiến trình hòa bình và sự hòa giải Ả-rập - Israel. Đây là một bước chuyển căn bản. Sẽ không còn lại gì để thảo luận nữa”, GS Gerges nói. 

Quyết định của ông Trump đã vấp phải sự chỉ trích thằng thừng hoặc ngụ ý từ nhiều quốc gia và tổ chức, bao gồm Anh, Đức, Pháp, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Liên đoàn Ả-rập và Nga. Người Phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guteres nói rằng “địa vị của Cao nguyên Golan không thay đổi”.

Thông báo của ông Trump khiến hy vọng của Syria về việc lấy lại phần lãnh thổ trên Cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng trở nên mờ mịt hơn, sau nhiều cuộc đàm phán thất bại giữa hai bên. Theo bà Lina Khatib, giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House, một tổ chức tư vấn chính sách ở Anh, quyết định của Trump có thể có lợi cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad. “Người Syria vốn đã thất vọng với cách Mỹ xử lý cuộc khủng hoảng Syria. Thông báo mới nhất này sẽ chỉ có lợi cho phe thân Assad vì họ sẽ dựa vào điều này để nói rằng Mỹ không đáng tin”, bà Khatib nói.

Theo các chuyên gia, quyết định này của ông Trump đi ngược lại cam kết lâu nay của Mỹ về quy tắc toàn vẹn lãnh thổ, có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể trong các xung đột quốc tế.
Sau năm 1945, hoạt động chinh phục lãnh thổ giảm đáng kể. Trong khi khoảng 80% cuộc chiến tranh từ năm 1648 đến 1945 dẫn đến phân chia lãnh thổ, sau năm 1945 chỉ còn 30%. Hơn nữa, sau năm 1945 các quốc gia ít đưa ra các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ hơn, và nếu có, những đòi hỏi đó ít gây ra xung đột quân sự. 

Báo Washington Post dẫn lời các chuyên gia cho rằng sự cam kết của Mỹ đối với toàn vẹn lãnh thổ gửi đi một tín hiệu nhất quán đến các đối thủ rằng họ sẽ không tha thứ cho hành động thay đổi lãnh thổ bằng vũ lực. Nếu Mỹ tự làm suy yếu cam kết của mình đối với nguyên tắc này nghĩ là họ tự làm yếu tiếng nói của mình khi động đến chuyện Nga sáp nhập bán đảo Crimea hay các đòi hỏi chủ quyền thái quá của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông. 

Tài sản chiến lược
Dài 65km từ bắc xuống nam, và trung bình 19km từ đông sang tây, Cao nguyên Golan là vùng đất địa hình cao có giá trị quan trọng chiến lược vì từ đó có thể quan sát cả Syria và Thung lũng Jordan. 
Ngoài giá trị về quân sự, Cao nguyên Golan cũng là tài sản chiến lược nhờ tài nguyên nước và đất đai màu mỡ. Khu vực này có sông Jordan, hồ Tiberia, sông Yarmuk và các tầng ngậm nước ngầm. Israel khai thác 1/3 lượng nước mà họ sử dụng từ Cao nguyên Golan. Ở một khu vực tương đối khô hạn của thế giới, việc kiểm soát nguồn nước ở Golan là điều vô giá. Cao nguyên Golan còn có thể có dầu. Các hoạt động khoan thăm dò cho thấy trữ lượng dầu ở vùng đất này có thể lên đến hàng tỷ thùng. 

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.