Ông trùm buôn vũ khí mang biệt danh 'Hoàng tử Marbella'

Nếu được mời tham dự bữa ăn trưa tại một lâu đài ở thành phố Marbella, Tây Ban Nha và không được cho biết trước, hẳn chẳng ai nghĩ rằng chủ nhân của ngôi nhà một người đàn ông Syria, tên Monzer al-Kassar lại là “ông trùm của những ông trùm” trong giới mua bán vũ khí chợ đen.
Monzer al-Kassar tại lâu đài của mình ở Marbella, Tây Ban Nha.

Rất lịch thiệp, ông ta cố nài ép khách phải thưởng thức cho bằng hết món thịt cừu nấu sữa chua, ăn kèm lá nho nhồi cà tím. Manfred Morstein, tác giả cuốn sách "The Godfather of Terror" (Cha đỡ đầu của bọn khủng bố) viết: “Với Chính phủ Iraq, Kassar là đối tượng truy nã đứng thứ 26 trong danh sách 41 người. Thượng viện Mỹ gọi ông ta là “một trong những kẻ buôn vũ khí và ma túy lớn nhất toàn cầu” còn ông John Kerry, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ - thời điểm 2004 đã khẳng định rằng Monzer al-Kassar là “tên khủng bố khét tiếng”. Năm 1980, tài sản của Kassar ước lượng vào khoảng 26 tỉ USD, và được coi là một trong những người giàu nhất thế giới.

Tay buôn thượng lưu

Sinh ngày 25/7/1935 tại al-Nabk, Syria, Monzer al-Kassar có cha là một quan chức cao cấp trong Chính phủ Syria dưới thời Tổng thống Hafez al-Assad. Ông này đã từng là Đại sứ đầu tiên của Syria ở Ấn Độ rồi sau đó là Canada. Đọc thông viết thạo 5 thứ tiếng, ngoài hộ chiếu Syria, Monzer al-Kassar còn có hộ chiếu Yemen và Argentina.

Cuối năm 1960, Kassar theo học ngành Luật ở Roma, Italia. Tại đây, lần đầu tiên ông ta đối mặt với luật pháp khi tham gia một vụ ăn cắp xe hơi nhưng nhờ ảnh hưởng chính trị của người cha nên Kassar không phải ngồi tù. Năm 1970, ông ta bị bắt tại Copenhagen, Đan Mạch vì tội mua bán cần sa nhưng chưa đến mức truy tố. Sau đó, Kassar sang nước Anh, sống trong một căn hộ ở quảng trường Sloane, London và lại tiếp tục mua bán - không chỉ cần sa mà còn cả hêrôin.

Đầu năm 1972, một người Liban - là kẻ chuyên bỏ mối cần sa, hêrôin cho Kassar hỏi ông ta liệu có thể tìm mua giúp cho một nhóm nổi dậy ở Liban một số súng đạn hay không? Sau nhiều tuần lễ liên hệ với những người quen biết cha mình để tìm nguồn cung cấp, Kasser trả lời là được. Lô hàng đầu tiên giao cho nhóm Liban gồm 400 khẩu AK47, 100 khẩu súng chống tăng RPG, 200 quả lựu đạn mà Kasser đặt mua từ Ba Lan thông qua tổ chức "Tháng Chín đen”. Đây cũng là tổ chức đã gây ra vụ thảm sát tại Thế vận hội Olympic mùa hè 1972 ở Munich, Đức, giết hại 11 vận động viên, huấn luyện viên Do Thái. Cũng trong năm này, một nhân vật ở Yemen nhờ Kassar "mua giúp" một số súng trường và súng ngắn. Không rõ nhân vật ấy có liên quan đến Chính phủ Yemen hay không nhưng năm 1980, Kasser trở thành Tùy viên thương mại của Yemen ở Ba Lan!

Năm 1988, lúc vừa mới cất cánh được hơn 30 phút, một chiếc máy bay chở khách của Hãng Hàng không Pan Am, Mỹ, đã nổ tung trên bầu trời Lockerbie, xứ Scotland khi đang trên đường từ London, Anh đến New York, Mỹ. Toàn bộ 243 hành khách, cùng 16 thành viên phi hành đoàn và 11 người trên mặt đất đã thiệt mạng khi các mảnh vỡ rơi xuống thị trấn Lockerbie. Đa số hành khách và phi hành đoàn đều là công dân Mỹ. Các cuộc điều tra cho thấy thủ phạm của vụ đặt bom khủng bố này là Abdel Baset al-Megrahi, nhân viên tình báo Libya, và chất nổ để chế tạo bom do Kassar cung cấp. Nhưng vì không đủ bằng chứng nên ông ta thoát tội, còn Abdel Baset al-Megrahi bị kết án 27 năm tù rồi chết vì bệnh ung thư vào tháng 5/2012.

Sau những thành công ngoạn mục, Kassar chính thức bước vào sân chơi vũ khí chợ đen và trở nên nổi tiếng với biệt danh "Hoàng tử Marbella" (là nơi có tòa lâu đài của ông ta ở Tây Ban Nha). Trong tòa lâu đài 15 phòng, có thể nhìn thấy những bức hình chụp ông ta với Uday Hussein, con trai của Saddam Hussein; với Hassan Aideed, con trai của Farah Aideed, lãnh đạo Somali; với Mustafa Tlas, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Syria và với cựu lãnh đạo Mặt trận Giải phóng Palestine - Abu Abbas.

Monzer al-Kassar được nhân viên DEA dẫn độ về Mỹ.

Những phi vụ động trời

Một trong những vụ có liên quan trực tiếp đến Kassar xảy ra vào tháng 10/1985. Khi đó, 4 thành viên của Mặt trận Giải phóng Palestine (PLF) đã tiến hành đánh cướp chiếc tàu du lịch Achille Lauro của Italia và bắt giữ hàng chục con tin khi nó đang neo đậu ở Ai Cập để buộc Israel phải trả tự do cho tất cả các thành viên PLF đang bị giam. Khi Israel từ chối yêu sách này, những kẻ cướp tàu đã bắn chết Leon Klinghoffer - một người Mỹ gốc Do Thái - lúc ấy đang phải ngồi xe lăn sau một cơn đột quị rồi ném xác xuống biển để cảnh cáo.

Sau nhiều cuộc đàm phán qua trung gian Ai Cập, 4 thành viên PLF đồng ý thả tàu và con tin. Đổi lại, họ yêu cầu cấp cho họ một chiếc máy bay để bay đến Tunisia nhưng khi đi vào không phận Italia, 2 chiến đấu cơ Mỹ đã chặn đường, ép chiếc máy bay chở 4 thành viên PLF phải hạ cánh xuống sân bay Milan, Italia. Bị bắt, ra tòa, cả 4 thành viên đều khai Kassar là người cung cấp vũ khí và lên kế hoạch cướp tàu. Nhưng vì không đủ bằng chứng nên sau gần một năm bị tạm giam, Kassar được trả tự do. Nghe được tin này, Abu Abbas - khi ấy là thủ lĩnh của PLF đã nói: "Không! Không ai có thể gọi anh ấy là một tên khủng bố. Anh ấy là một anh hùng trong con mắt của người Arập. Tôi không cho phép bất kỳ ai gọi Kassar là khủng bố!".

Năm 1986, Tòa án Pháp kết án vắng mặt Kassar 8 năm tù vì đã cung cấp vũ khí cho PLF để ám sát những quan chức Israel tại châu Âu. Một phụ nữ Pháp 20 tuổi, tên Marie Pool, là tình báo viên của Cơ quan An ninh Pháp đã được cài vào tổ chức PLF. Trong cuộc tiếp xúc với Kassar trên đại lộ Champs Elysees, Paris, một người đi cùng Kassar đã dúi vào tay Marie Pool một chiếc valy. Lúc trở về nhà, Kassar gọi cho cô gái và cho cô biết mã số để mở valy ấy, bên trong có 5 khẩu súng ngắn, 2 bộ phận giảm thanh và 10 băng đạn

Năm 1987, Kassar đã kiếm được 1.500.000 bảng Anh trong những lần bán vũ khí cho lực lượng Contras của Nicaragua, và đây cũng là nguyên nhân gây ra vụ Iran-Contras. Thời điểm này, Tổng thống Mỹ Reagan đã bật đèn xanh cho những thương vụ bí mật bán vũ khí cho Iran vì sau cuộc chiến tranh Iran, Iraq, lệnh cấm bán vũ khí cho Iran đã được Quốc hội Mỹ phê duyệt. Những khoản tiền thu vào từ việc bán vũ khí cho Iran lại được chuyển cho tổ chức phản cách mạng Contras ở Nicaragua nhằm giải cứu những con tin người Mỹ đang bị giam ở Liban.

Năm 1992, một lần nữa Kassar lại kiếm được hàng chục triệu USD qua những thương vụ bán vũ khí cho Croatia, Bosnia và Somalia, và điều này đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về việc cấm vận vũ khí đối với 3 quốc gia đó, chưa kể Kassar còn bán vũ khí cho cho Chad, Guatemala, Iran, Liban, Sri Lanka, Syria và Yemen. Để bảo đảm an toàn bản thân, bằng cách liên hệ với cựu Tổng thống Argentina là Carlos Menem, Kassar đã có được tấm hộ chiếu, chứng minh ông ta là công dân Argentina. Các công tố viên của Tòa án quốc tế La Haye cho biết "Rất khó tìm thấy hồ sơ tội phạm của Monzer al-Kassar ở bất cứ quốc gia nào", còn Kassar thì thản nhiên: "Ở đâu có tiền là có tôi. Trong kinh doanh, tôi đã gặp những người rất thú vị, cả người tốt lẫn người xấu. Nhưng làm thế nào để biết ai là tốt và ai là xấu? Đây là vấn đề quan điểm: Một người xấu đối với bạn nhưng lại có thể là người tốt đối với tôi. Thế nên, đừng vì tôi chơi với người xấu mà bảo tôi là xấu!".

Cũng trong năm này, một lần nữa may mắn lại mỉm cười với Kassar. Tại Tây Ban Nha, thẩm phán Garzon, người đứng đầu cuộc điều tra về hoạt động khủng bố của "nhóm ly khai xứ Basque" (ETA) đã tìm ra những chứng cứ kết tội Kassar vì đã bán vũ khí cho nhóm này. Thế nhưng, trước ngày mở ra phiên tòa xét xử một thành viên của ETA tại Madrid, 3 nhân chứng đã đồng ý cung cấp bằng chứng buộc tội Kassar thì một chết vì ngã từ tầng bốn xuống đất, một chết vì tai nạn xe hơi, còn người thứ ba tự nhiên… mất tích!

Sau khi Tổng thống Iraq là Saddam Hussein bị lật đổ, chính phủ mới ở Iraq ra lệnh truy nã đỏ đối với Kassar vì trước đó, ông ta đã bán vũ khí cho lực lượng Vệ binh Cộng hòa của Saddam Hussein. Thế nhưng, chẳng những không ngán, mà Kassar lại tiếp tục bán súng đạn cho các lực lượng nổi dậy chống chính phủ ở Iraq. Ông Moufaq al-Rubaie, Cố vấn An ninh quốc gia Iraq đã gọi Kassar là "một trong những nguồn tài trợ chính cho phiến quân Iraq, và Iraq có đủ bằng chứng về những hành vi của Kassar".

Thời điểm ấy, một trong những nhân vật chủ chốt cầm đầu các nhóm nổi dậy ở Iraq là Sabawi Ibrahim al Hassan ali Tikriti, anh họ của Saddam Hussein. Dưới thời Saddam, ông này là Tư lệnh Cơ quan Tình báo Iraq và cũng là bạn thân của Kassar. Khi Saddam Hussein bị lật đổ, Sabawi đứng hàng thứ 5 trong danh sách truy nã của chính phủ mới ở Iraq.

Đầu tháng 4/2005, Liên Hiệp Quốc ra lệnh tịch thu tài sản của Sabawi cùng 6 người con trai của ông ta vì đã "cung cấp tài chính hỗ trợ cho các phần tử của chế độ cũ, các nhóm nổi dậy để tổ chức những cuộc tấn công chống lại Chính phủ Iraq và liên minh do Mỹ đứng đầu".

Tháng 5-2005, Cơ quan Cảnh sát Quốc tế (Interpol) theo yêu cầu truy nã của Chính phủ Iraq, đã bắt được Bashar Sabawi, 36 tuổi, con trai của Sabawi Ibrahim al Hassan ali Tikriti tại sân bay Beirut, Liban khi ông này đang chuẩn bị lên máy bay đến Rio de Janeiro, Brazil với sự giúp đỡ của Kassar. Lúc bị thẩm vấn, Kassar nói chẳng hề biết gì về Bashar Sabawi, và ông ta làm chỉ vì tiền. Kassar nói: "Tôi gặp anh ấy tại một nhà hàng ở Beirut, Liban. Anh ấy tự giới thiệu tên mình là Ali Abdullah Zafir. Đó là một người đàn ông lịch sự, có học và chúng tôi nhanh chóng trở thành bạn bè. Thề có Đức Allah chứng giám, làm sao tôi biết được anh là Bashar Sabawi". Nhưng mặt khác, Kassar lại hối lộ cho một số quan chức Liban nhằm giúp Bashar Sabawi không bị dẫn độ về Iraq.

Súng AK, súng chống tăng RPG do Kassar cung cấp cho những nhóm nổi dậy ở Iraq.

Sập bẫy

Cũng như vụ bắt giữ "thương gia tử thần" Viktor Anatolyevich Bout. Năm 2006, Cơ quan Bài trừ ma túy Mỹ (DEA) giương ra một cái bẫy mang mật danh "Operation Legacy", thực hiện bởi Bộ phận hoạt động đặc biệt của DEA dưới quyền chỉ huy của Jim Soiles. Sau khi móc nối với một cựu thành viên của tổ chức "Tháng Chín đen", bí danh là "Samir" rồi qua nhiều lần liên lạc, cuối cùng Kassar đồng ý gặp Samir vào tháng 12/2006 tại Beirut, Liban.

Tháng 2/2007, trong một cuộc gặp giữa Samir và Kassar - lần này có thêm 2 người Guatemala giả làm thành viên của Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC), đang tìm mua vũ khí để chống lại người Mỹ ở Colombia. Sau nhiều lần tiếp xúc để thỏa thuận về các điều khoản hợp đồng, Kassar đồng ý bán cho FARC 15 tên lửa đất đối không vác vai, 4.000 lựu đạn, 9.000 súng AK và đạn, 300kg chất nổ C4. Đổi lại, FARC trả cho Kassar một lượng ma túy cocain trị giá 15 triệu USD. Tất cả những cuộc tiếp xúc này đều được DEA bí mật quay phim.

Tiếp theo, DEA đề nghị nhóm FARC "giả" thuyết phục Kassar đến Romania để nhận ma túy. Theo dự kiến, với sự đồng ý của Chính phủ Romania, DEA sẽ bắt Kassar tại Bucharest, thủ đô Romania nhưng ông ta từ chối với lý do rất khó tìm ra phương tiện và đường vận chuyển cocain ra khỏi Romania.

Không bỏ cuộc, ngày 3/6/2007, DEA chỉ đạo nhóm FARC "giả" thuyết phục Kassar đến Madrid, Tây Ban Nha. Lần này thì ông ta gật đầu bởi lẽ đó là nơi có tòa lâu đài Marbella của ông ta. Thế nhưng ngay khi vừa đặt chân xuống sân bay Barajas ở Madrid, Kassar đã bị Cảnh sát Quốc gia Tây Ban Nha đọc lệnh bắt giam khẩn cấp với cáo buộc buôn lậu tên lửa đất đối không để cung cấp cho bọn khủng bố, âm mưu giết người Mỹ, mua bán ma túy và rửa tiền.

Ngày 13/6/2007, Kassar bị dẫn độ sang Mỹ. Ngày 20/11/2008, Kassar bị Tòa án Liên bang Mỹ kết án 30 năm tù giam, tịch thu toàn bộ tài sản với những tội danh như vừa nêu ở trên. Lẽ ra ông ta bị tù chung thân nhưng trước tòa, luật sư của Kassar đưa ra bằng chứng rằng đã nhiều lần ông ta cung cấp cho Chính phủ Tây Ban Nha những thông tin tình báo chống khủng bố. Jim Soiles,   lãnh đạo chiến dịch "Operation Legacy", nói: "Thật ra cái gọi là "thông tin tình báo chống khủng bố" của Kassar chỉ là đòn cạnh tranh của Kassar nhằm triệt hạ những phe nhóm buôn bán vũ khí chợ đen khác để ông ta giành thế độc quyền mà thôi".

Theo Theo An Ninh Thế Giới