Sự đặc biệt của triển lãm nằm ngay ở địa điểm: tư gia. Với kiến trúc vào loại độc nhất ở Hà Nội. Cũng là nhà ống, nhưng mang một ngôn ngữ khác hẳn được giám tuyển Nguyễn Thế Sơn xếp vào trường phái Bauhaus - tức tối giản trang trí, đề cao công năng. Toàn bộ tòa nhà 8 tầng được dựng lên bằng bê-tông và hầu như không tô trát. Mặt tiền và một mặt bên dùng vách kính tận dụng tối đa ánh sáng trời. Tất nhiên tường kính cũng vô ích với các nhà ống san sát nhau. Nhưng tòa nhà này là một phần của mảnh đất hương hỏa của họ Vũ vẫn giữ được sân trong và một phần của ngôi nhà ba gian làm chỗ thờ tự. Qua vách kính, ta có thể quan sát được khu vườn tuy nhỏ nhưng thuộc loại đắt giá vì nằm trên đất vàng nội đô.
Mỗi sàn 100m2 đều để thông, không ngăn chia, khá thuận lợi cho việc tổ chức trưng bày, triển lãm. Trước khi đi vào thương mại hai tầng 3 và 4, chủ nhà- hai anh em kiến trúc sư Vũ Hoàng Sơn và Vũ Hoàng Hà đã mời các nghệ sĩ về bày tác phẩm, phi lợi nhuận. Triển lãm được đặt tên Ống thở gồm những tác phẩm mới và cũ của 16 nghệ sĩ hầu hết xoay quanh đề tài đô thị hóa.
Mọi không gian của tầng nhà đều được tận dụng. Chậu rửa bát tầng 3 thành chỗ để bày màn hình chạy các video nghệ thuật. Sông Tô Lịch được rửa ở chậu tầng 4. Người xem có thể tự tay làm việc này, không lo bẩn vì đáy sông làm bằng các miếng đồng phù điêu do Vũ Xuân Đông chế tác. Đây cũng chính là những chất liệu làm nên phù điêu sông Tô trong hầm nhà Quốc hội của anh. Toilet vẫn hoạt động bình thường nhưng cẩn thận giật mình khi soi gương vì thỉnh thoảng lại có video hiện lên trên đó.
Nếu nhà ống là sự thích nghi mang tính truyền thống của cư dân đô thị thì nhà nổi là sự thích nghi cực chẳng đã của những người chọn sông nước làm chỗ ngụ cư. Tác giả Lê Đăng Ninh nhấn mạnh sự thiếu sáng của những chỗ ở này bằng cách khắc xuyên thủng các thùng phuy (là một phần của kết cấu nhà nổi) và dùng đèn LED nhiều màu rọi từ trong ra làm nổi lên sinh cảnh của các “xóm nước đen”. Tác giả hy vọng nó như “một sự nhắc nhở về những mảng tối của phát triển đô thị, nơi vẫn rất cần đến ánh sáng và sự ấm áp của tình người”.
Cấn Văn Ân đem tới Linh hồn- một tác phẩm tạo hiệu ứng thị giác thú vị là sự kết hợp của bê-tông và sơn dầu. Không gian nhà vệ sinh giữa một ngã tư đang dần bị chìm lấp dưới lớp bê-tông cốt thép. Bê-tông còn phá cả bệ xí để phòi ra. Có thể là tác giả muốn nhắc nhở mọi không gian sống dù có tiện nghi hay xa hoa đến đâu của con người hiện tại thì bản chất cũng đều chỉ là bê-tông đang xâm lăng Trái Đất mà thôi. Mặc dù nội dung và hình thức tác phẩm đều toát lên sự phi lý nhưng tổng thể lại rất đỗi quen thuộc. Một trạng thái dở dang và không ngừng sinh sôi bên ngoài ý thức của chúng ta- đó chính là cuộc sống.
Tác phẩm của The Great Wall Nguyễn Phi Phi Oanh là 4 bức sơn mài vẽ những chồng gạch đỏ đang thuộc bộ sưu tập của nhà thiết kế Chula cũng có mặt tại triển lãm. Tác phẩm như một cái nhìn mang tính khái quát và dự báo về sự biến đổi của Trái Đất trong quá trình chuyển thành nơi ở của con người. Và rồi dần dần từ những ngọn núi cho đến các vùng đất màu mỡ đều hóa ra thành phố. Theo tác giả, các khối gạch tượng trưng cho sự “vinh quang” và tham vọng của con người trong việc chiếm hữu lãnh thổ, khai thác tài nguyên phục vụ tiêu thụ. Dường như không gì có thể cản trở con người thể hiện quyền lực này, dù cho có phải phá bỏ mối quan hệ giữa họ với môi trường. Như vậy, những đống gạch vàng son kia cũng là một loại nguyên nhân cho khủng hoảng kinh tế và môi trường toàn cầu đang diễn ra.
Bên cạnh đó, cô cũng mang đến một tác phẩm mới có tính tương đồng là Obelus tức 315 viên gạch bằng thép được phủ sơn mài. Khi chồng lên nhau chúng tương đương với kích cỡ của một người. Gạch đối với tác giả giống như đại diện cơ bản của một đơn vị vật chất dựng nên văn hóa và môi trường sống của con người. Chúng giống như một tượng đài mang tính thị uy khi những thành phố đang ngày càng chiếm chỗ. Tác giả mong tác phẩm thúc giục mỗi người xem xét lại cách chúng ta thực thi ý chí và quyền lực của mình với tự nhiên. Làm sao đừng để tượng đài mai này trở thành đài tưởng niệm…
Rồng rắn lên - tác phẩm từng trưng bày tại Singapore, Nhật, Úc… của Ưu Đàm Trần Nguyễn cũng được tái hiện tại Ống thở dưới dạng video. Ưu Đàm “vật chất hóa” khí thải xe máy bằng cách nối ống xả với các túi nhựa dùng một lần. Khi xe hoạt động, túi khí được thổi phồng lên trông như những con mãng xà trông có vẻ sặc sỡ đẹp mắt nhưng lại mang “nọc độc” giết người. “Vừa được ban cho, vừa tước đi sự sống” là mô tả của anh với những phương tiện cơ giới. Anh kêu gọi mỗi người hãy như Thánh Gióng đương đại chiến đấu để giải phóng Trái Đất khỏi ách chiếm đóng của những thứ độc hại như khí thải. Cũng tinh thần này được tác giả tượng đài hóa bằng sắt hàn tại triển lãm nghệ thuật công cộng ngoài trời ở bãi Phúc Tân, ven sông Hồng.
Một tác phẩm thu hút tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên là loạt điêu khắc gỗ đốt Âm ỉ của Vương Văn Thạo. Hình thức cô đọng đậm chất thiền đi đôi với một thông điệp mạnh mẽ về những vấn đề nóng hổi mà ai cũng quan tâm, miễn là họ vẫn đang hít thở. Tác giả khéo léo đốt những thớt gỗ để chúng vẫn giữ nguyên hình khối nhưng nổi lên những vân than đen nhánh. Anh khắc thêm vài đường rãnh ngoằn nghèo và tô cho chúng màu cam đỏ. Ngay lập tức, người xem có ấn tượng đang được chứng kiến những thân cây cháy từ bên trong. Hoặc cũng có thể là một hành tinh hay một vũ trụ nào đó đang cháy thành than vì nóng quá… Xem Ống thở nhưng lại thấy có phần “nghẹt thở” là vậy.
Một tác phẩm thu hút tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên là loạt điêu khắc gỗ đốt Âm ỉ của Vương Văn Thạo. Hình thức cô đọng đậm chất thiền đi đôi với một thông điệp mạnh mẽ về những vấn đề nóng hổi mà ai cũng quan tâm, miễn là họ vẫn đang hít thở.