Ông thầy “lưỡi đen”

Ông Châu Phonl dùng chiếc lưỡi của mình cứu người.
Ông Châu Phonl dùng chiếc lưỡi của mình cứu người.
TP - Hơn ba mươi lăm năm qua, ông Châu Phonl ở ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư (Tịnh Biên, An Giang) đã dùng chiếc lưỡi của mình hút nọc độc rắn cắn, cứu mấy trăm người thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Người ta thường gọi ông với cái tên quen thuộc “ông thầy lưỡi đen”.

Dòng họ lưỡi đen   

Chuyện dùng lưỡi hút nọc độc rắn để cứu người, dòng họ ông Châu Phonl người Khmer đã giúp cho bà con hơn một trăm năm qua. Đây là công việc mà từ ông cố, ông nội, cha ông và đến nay ông là người kế tục. Những người này đặc biệt xung quanh lưỡi đều có những bớt đen ở rìa lưỡi. Họ có lời nguyền là dùng cái lưỡi trời ban cho để cứu người, không ăn tiền ăn bạc và trong gia đình chỉ một người làm, nếu người này qua đời thì thế hệ sau có lưỡi đen mới tiếp tục hành nghề. Hiện nay, người con gái của ông là Châu Hươl 28 tuổi cũng có lưỡi đen sẽ được ông truyền nghề và thay ông khi qua đời.

Ông Châu Phonl năm nay 66 tuổi, người nhanh nhẹn, ông hiện là Trưởng Ban công tác ấp Vĩnh Thượng. Ông Châu Phonl nói: “Trời cho gia đình mình lưỡi đen, mình có nhiệm vụ đi cứu người bị rắn độc cắn, nếu con rắn nào cắn mà còn sống thì hút mau bớt, cơn đau nhức cũng nhẹ đi còn con rắn bị đập chết, nọc cứng lại khó hút, đàm kéo lên, thở nhanh, mệt nhiều, đồng tử giãn, khò khè ở cổ họng nên hút lâu hơn”.

Cứu người

Người đầu tiên ông cứu là Châu Vuơl con trai ông, năm đó 7 tuổi bị rắn hổ chuối cắn. Từ đó, ông hành nghề cho đến nay, trước sân nhà là vườn thuốc núi tìm về trồng, lúc hút nọc độc xong thì đắp vào. Trước khi hút nọc, ông Châu Phonl thổ lộ: Dùng nước hoặc nước nhai trầu cau phun trước vào vết cắn, sau đó mới hút. Khi hút nọc, chiếc lưỡi mình có cảm giác nổi lên từng cục, sau đó phun nước ra ngoài. Xong mình dùng thuốc núi gia truyền đâm nhuyễn đắp vào vết thương. Qua nhiều năm kinh nghiệm mình nhận biết loại rắn nào cắn, nhờ nhìn vào dấu cắn và cắn nông hay sâu. Sau khi hút nọc độc xong, miệng mình nhạt nhẽo lắm, ăn không ngon cả mấy ngày.

Thường vào đầu mùa mưa, ở vùng sơn cước cây cối rậm rạp, rắn độc cũng nhiều, nhưng phần đông dân nghèo, phải lo đi tìm cái ăn ở rừng núi. Mỗi năm cứ đến đầu mùa mưa một hai đám là có người bị rắn chạm, lúc rắn tìm côn trùng ếch nhái để ăn, vô tình bị chúng cắn, nhiều nhất là rắn hổ đất.

Ông thầy “lưỡi đen” ảnh 1 Con gái ông Châu Phonl cũng có chiếc lưỡi đen.

Ông Châu Dươl, Phó Ban nhân dân ấp Vĩnh Thượng cho biết, gia đình Châu Phonl nhờ trời ban lưỡi đen nhiều thế hệ nên đã cứu nhiều bà con ở vùng núi Thất sơn từ Vân Giáo, Sóc Tre, Tri Tôn mà chẳng hề lấy đồng bạc nào. Với tấm lòng thương người khi chẳng may bị rắn chạm, ngoài việc trời ban cho lưỡi đen để hút máu độc, ngoài ra ông luôn tìm cây ngải trị rắn độc mọc ở rừng đem về trồng để khi hút xong có thuốc đắp liền.

Gần trăm năm qua, gia đình ông chuyên dùng lưỡi để hút nọc độc rắn cứu người. Đây là một dòng họ hiếm hoi ở vùng núi non có nhiều rắn độc. Bù đắp vào nghĩa cử cao đẹp, gia đình ông luôn được trao tặng phần thưởng cao quý nhất là lòng tri ân, quý mến của những gia đình đã được cứu chữa kịp thời bất kể ngày đêm, mưa gió.

MỚI - NÓNG