Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trò chuyện với các con của Anh hùng Trần Đại Nghĩa là anh Trần Dũng Trình (Nguyên phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam) và anh Trần Dũng Trọng (doanh nhân) về những ký ức không phai với nhà bác học về vũ khí của Việt Nam.
“Muốn chiến thắng giặc, ngoài lòng yêu nước phải có vũ khí hiện đại”
Hai anh có thể nói đôi điều về ký ức tuổi thơ và gia đình?
Anh Trần Dũng Trọng: Ông cụ nhà tôi cả đời đam mê công việc. Ký ức của tôi về ba tôi là lúc nào ông cũng không rời cuốn sách. Ba tôi vốn là trí thức du học ở Pháp, tốt nghiệp và lấy chứng chỉ của 6 trường đại học danh tiếng, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, về nước tham gia cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Mẹ tôi là người được cử đến chăm sóc sức khỏe cho ba tôi, hai người nảy sinh tình cảm, lập gia đình sinh bốn người con, trong đó hai người sinh ở Việt Bắc, hai người sinh ra khi chính phủ trở về Hà Nội.
Bác Hồ và Giáo sư Trần Đại Nghĩa Ảnh: Tư liệu |
Mẹ tôi nhỏ hơn ba tôi 14 tuổi. Có câu chuyện là năm bà cụ 90 tuổi thì cụ bảo sinh năm 1926, xưa giờ lý lịch khai sinh năm 1927. Chúng tôi thấy cũng có lý, vì em của cụ sinh năm 1927. Rõ ràng hai chị em không thể sinh cùng một năm. Sắp mất cụ mới nói tuổi thật. Giờ bia mộ cụ ghi sinh 1926 và chỉ duy nhất trên bia mộ mới có năm sinh ấy thôi.
Trong bài báo viết về Trần Đại Nghĩa đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 16/12/1952, Bác Hồ với bút danh C.B đã viết: “Là một đại trí thức, đi học ở châu Âu nhiều năm, mang một lòng nhiệt tình về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến, đó là Anh hùng lao động trí óc Trần Đại Nghĩa”.
Anh Trần Dũng Trình: Ba tôi tên thật là Phạm Quang Lễ, quê ở Bình Dương, lớn lên ở Vĩnh Long, còn họ Trần của ba tôi là do Bác Hồ đặt cho. Bác giao nhiệm vụ cho ba tôi làm lãnh đạo ngành kỹ thuật quân sự và đặt tên Trần Đại Nghĩa để đảm bảo an toàn cho gia đình lúc đó còn ở miền Nam. Bác Hồ nói: “Đây là việc đại nghĩa. Vì thế từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa. Họ Trần là họ của danh tướng Trần Hưng Đạo”.
Giáo sư Trần Đại Nghĩa (đứng giữa đeo kính) thời kỳ học ở Pháp. Ảnh Tư liệu |
Vừa về nước, ngày 5/12/1946, giáo sư Trần Đại Nghĩa đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Quân giới với trọng trách là nghiên cứu, chế tạo vũ khí để bộ đội ta đánh giặc. Đây là vinh dự rất lớn.
Ngày 8/9/1946, Tại Pháp, Bác Hồ gọi Phạm Quang Lễ đến, cho biết là Hội nghị Phôngtenơblô đã không thành, rồi Bác đề nghị: “Bác về nước, chú về với Bác...” và Phạm Quang Lễ vinh dự nhận lời. Theo hồi ký, ông kể lại: Vào một buổi tối, trên con tàu trở về nước, Bác hỏi:“Bây giờ ở nhà cực khổ lắm, chú về có chịu nổi không?”. Tôi trả lời: “Thưa Bác, tôi chịu nổi”. Bác hỏi tiếp: “Bây giờ ở nhà kỹ sư, công nhân về vũ khí không có. Máy móc thiếu, liệu chú có làm được việc không?”. Tôi nói: “Thưa Bác, tôi đã chuẩn bị 11 năm rồi và tôi tin là sẽ làm được”.
Anh Trần Dũng Trình: Lúc nhỏ ba tôi đã có lòng yêu nước rồi, nhưng ba tôi quan niệm: “Muốn chiến thắng giặc, ngoài lòng yêu nước phải có vũ khí hiện đại”. Cụ sang Pháp, nhưng không ai cho học về vũ khí cả, do đó cụ học cầu cống, vì phá cầu cống phải dùng thuốc nổ, rồi học về điện để sử dụng điện trong vũ khí, học hàng không để nghiên cứu vũ khí trên máy bay, xảy ra chiến tranh thế giới thì nhân đó xin vào làm nhà máy sản xuất vũ khí để trực tiếp xâm nhập vào nhà máy làm súng đạn.
Ba tôi muốn tìm minh chủ để thờ, để phát huy kiến thức học hỏi được. Gặp được Bác thì cụ đồng lòng về nước ngay vì cụ tâm sự rằng cụ rất tin tưởng Bác Hồ sẽ đưa đất nước đến thắng lợi. Tuy vậy, ba tôi cũng nói rằng: “Được Bác Hồ tin tưởng giao chức vụ Cục trưởng Cục quân giới là điều kiện tốt để làm việc. Vì dù tin tưởng nhưng không giao quyền thì nhà khoa học cũng khó làm việc được”.
Trong cuốn sách “Chiến tranh Đông Dương” của Lucien Bodard, xuất bản 1963 tại Paris (Pháp), có viết: “Trước đây, người Việt chỉ có thể đột phá vào đồn bốt bằng cách lấy sức liều mạng. Nhưng bây giờ họ làm việc đó bằng bazooka hoặc SKZ (một loại đại bác không giật do Việt Minh chế tạo). Cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, cái thứ xuyên thủng bê tông dày 60cm là những quả đạn SKZ 8kg mà người Việt chế tạo ở Đông Dương. Chỉ cần vài quả là đủ tiêu diệt tháp canh của chúng tôi”.
Bác Hồ cho ba tôi quyền muốn gặp lúc nào thì gặp, nhưng cụ không vượt quyền bao giờ, mọi việc đều thông qua Bộ Quốc phòng.
Kỷ niệm nào về giáo sư mà hai anh nhớ nhất?
Anh Trần Dũng Trọng: Năm chiến tranh ác liệt, Mỹ dùng B52 rải bom Hà Nội, gia đình chúng tôi đi sơ tán hết, nhưng ba tôi vẫn ở lại thủ đô làm việc. Mọi người bảo lúc máy bay địch nhào xuống ném bom thì cụ lại đi ra sân đứng nghiên cứu, phân tích. Bảo vệ cứ phải mời cụ xuống hầm trú ẩn.
Anh Trần Dũng Trình: Tôi đang đi học thì nghe tin Mỹ ném bom Hà Nội, tôi xin ba về thủ đô chiến đấu. Ba tôi biên thư bảo rằng nhiệm vụ các con là học sinh thì hãy học cho tốt, còn việc ở Hà Nội đã có mọi người lo. Ba tôi gửi vào trường thiếu sinh quân một lá thư, có cắt bài báo trên tờ Nhân Dân chụp ảnh bắt sống thiếu tá phi công Mỹ John McCain trên hồ Trúc Bạch. Ba tôi vui vẻ thông báo: Chú bảo vệ nhà mình cũng tham gia bắt sống được phi công Mỹ!
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Trần Đại Nghĩa kiểm tra vũ khí do Việt Nam tự sản xuất trong thời kỳ chống Pháp Ảnh: Tư liệu |
Không bao giờ đầu hàng hoàn cảnh
Giáo sư Trần Đại Nghĩa tâm đắc nhất về các đóng góp trong nghiên cứu sản xuất vũ khí gì?
Anh Trần Dũng Trình: Ba tôi thường tâm sự rằng ba rất tự hào đã cùng ngành quân giới chế tạo nhiều vũ khí hiện đại đánh được xe tăng, tàu chiến, lô cốt của địch trong giai đoạn từ năm 1946-1949. Đây là ba năm mà Pháp muốn chiếm lại nước ta. Vũ khí chúng hiện đại, chúng ta lại chưa nhận được sự giúp đỡ về vũ khí khí tài từ các nước anh em.
Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Danh hiệu Anh hùng Lao động tại Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất năm 1952. Năm 1966, ông được bầu làm Viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Năm 1996, Giáo sư Trần Đại Nghĩa được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (bazooka, súng không giật, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1954.
Nghiên cứu sản xuất được Bazooka, súng không giật, bom bay góp phần quan trọng giúp chúng ta chặn đứng được các đợt tấn công của thực dân Pháp và giảm thiểu sự hy sinh của bộ đội. Trước khi có súng chống tăng Bazooka thì chúng ta phải dùng bom xăng và bom ba càng cảm tử để chống xe tăng địch. Bộ đội ở chiến trường đã viết thư cảm ơn ngành quân giới vì chế tạo nhiều vũ khí hiệu quả trên chiến trường. Ba tôi rất vui. Ba tôi thường nói: “Làm khoa học thì không được đầu hàng hoàn cảnh, dù khó khăn đến đâu”.
Sau chiến dịch Biên giới 1950, chúng ta nhận được vũ khí viện trợ, nhưng nhờ khoa học quân sự của chúng ta đã có bước phát triển nên việc tiếp nhận sử dụng và cải tiến vũ khí cũng thuận lợi hơn. Sau chống Pháp, ngành quân giới trong đó có ba tôi lại bắt tay vào nghiên cứu vũ khí để đánh Mỹ, nhất là đánh B52.
Cuộc đời ba tôi không một ngày ngừng nghiên cứu, cụ viết lên cả vỏ bao thuốc lá, những mảnh giấy in một mặt…
Giáo sư Trần Đại Nghĩa là chuyên gia về chế tạo vũ khí, vậy ở nhà có vũ khí gì không?
Anh Trần Dũng Trình: Có! Ba tôi được cấp một khẩu súng ngắn rất đẹp của Cộng hòa dân chủ Đức. Ông để trong ngăn kéo, nhưng súng không lắp đạn.
Có nhiều mẩu chuyện kể về sự đãng trí bác học của giáo sư Trần Đại Nghĩa, sự thật thì thế nào?
Anh Trần Dũng Trình: Ba tôi là trí thức đào tạo ở châu Âu nên về giờ giấc làm việc tại cơ quan thì vô cùng chuẩn mực. Họp hành làm việc đều đúng giờ. Chỉ lúc về nhà thì ông lao vào đọc sách nhiều quá thôi. Bữa cơm gọi thì ông bảo chờ 15-20 phút nữa, nhưng lúc đó lên thì thấy vẫn còn đọc sách, lại phải nhắc nữa mới chịu xuống ăn. Bạn bè cụ thường chơi thân nhất có các ông Phạm Ngọc Thạch, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Tôn Thất Tùng, Đinh Đức Thiện… có khi trò chuyện từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều, cơm mẹ tôi dọn ra mà các ông quên ăn luôn.
Lúc còn trên chiến khu, có lần ba tôi đi tắm ở suối, tự dưng ý tưởng nhập tâm, cứ ngồi giữa dòng suối mà nghĩ, chẳng nhớ mình đang tắm. Bảo vệ chờ lâu quá, không thấy đâu, ra suối tìm thấy ông vẫn trầm tư dưới dòng nước, thế là gọi ông về.
Anh Trần Dũng Trọng: Ba tôi rất ghét rượu nhưng cụ nghiện thuốc lá. Bên quân nhu đảm bảo cung cấp cho cụ mỗi tháng 3 tút thuốc lá của Pháp để cụ không bị ngắt mạch suy nghĩ. Có người ngại cụ nghiên cứu thuốc súng mà lại nghiện thuốc lá thì nguy hiểm quá, lỡ cháy nổ thì sao? Nhưng ba tôi luôn giữ an toàn trong mọi hoàn cảnh cho đến lúc nghỉ hưu.
Một người yêu văn hóa Pháp
Nhiều người băn khoăn tại sao giáo sư Trần Đại Nghĩa được phong Thiếu tướng trong đợt phong tướng đầu tiên năm 1948, nhưng đến lúc đất nước hòa bình thống nhất năm 1975 và đến ngày về hưu ông vẫn chỉ một quân hàm Thiếu tướng?
Anh Trần Dũng Trình: Trong quân đội, ba tôi chỉ công tác trong lĩnh vực quân giới, pháo binh, kỹ thuật, đó là chuyên môn của ba tôi. Trong lần phong hàm đầu tiên, Bác Hồ đã phong quân hàm Thiếu tướng là quân hàm cao nhất ở vị trí này cho ba tôi, nên về sau không cần phải lên quân hàm nữa.
Anh Trần Dũng Trọng: Ba tôi là một trí thức, một nhà khoa học, nên ngoài phục vụ quân đội, ba còn làm việc trong các lĩnh vực khoa học của đất nước. Ba tôi được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh với cương vị Bộ trưởng, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam.
Giáo sư Trần Đại Nghĩa có nhiều nghiên cứu vũ khí khiến thực dân Pháp tỏ rõ sự e sợ trên chiến trường, nhưng trong ngày thường ông nghĩ gì về đất nước, nhân dân Pháp?
Anh Trần Dũng Trọng: Cụ tôi rất yêu nền văn hóa Pháp, nhưng mãi những năm 1980 cụ mới sang lại Pháp do Hội Việt kiều mời. Cụ hay nói: Người Pháp người ta văn minh lắm, ra ngoài đường thấy người ngã là người ta nâng dậy liền. Còn lực lượng thực dân đi xâm chiếm nước khác thì họ không tiêu biểu cho người Pháp và nước Pháp. Bố tôi luôn nói mình là một người yêu văn hóa Pháp.
“Đi theo cụ Hồ không có gì nuối tiếc”
Gia đình giáo sư Trần Đại Nghĩa gốc ở miền Nam, vậy ngày hòa bình thống nhất 30/4/1975 đã đến như thế nào?
Anh Trần Dũng Trọng: Ngày 30/4/1975, ba tôi đã viết trong nhật ký của mình: “Nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành, vì hoài bão của tôi hồi nhỏ, sứ mệnh của tôi rất đơn giản là tham gia về mặt khoa học, kỹ thuật vũ khí trong cuộc đấu tranh cách mạng để giải phóng đất nước, và nay đất nước đã được giải phóng, tôi không muốn gì hơn nữa, vì một đời người không thể làm hơn”. Bố tôi có ý định nghỉ hưu nhưng Chính phủ tiếp tục phân công công tác nên cụ lại làm việc.
Ngay sau giải phóng, cụ về thăm quê Vĩnh Long, thắp hương cho bố mẹ và chị gái. Tôi cũng được đi theo và nhớ mãi hình ảnh một cả tiểu đội mang theo súng phóng lựu hộ tống chúng tôi về quê.
Những năm 1990, gia đình chúng tôi chuyển vào TPHCM, ba tôi về thăm quê mấy lần nữa trước khi qua đời.
Giáo sư Trần Đại Nghĩa có những tâm sự gì trong những ngày cuối đời hay không?
Anh Trần Dũng Trọng: Ba tôi thường nói: “Đi theo cụ Hồ không có gì nuối tiếc”.
Trước khi mất, cụ có tâm sự với tôi. Ba tôi nói rằng nhiều người nói cụ đang sung sướng ở Pháp, trở về Việt Nam ngần ấy năm, thì đời sống cũng có giàu sang gì đâu. Nhưng cụ bảo: Đến giờ này, ba không hối tiếc gì cả vì ba đã phụng sự được đất nước. Ba đã thực hiện được hoài bão của mình mãn nguyện rồi!
Qua câu chuyện của ba, tôi cũng hiểu rằng mọi thứ trên đời này đều là hư vô, chỉ có việc thực hiện hoài bão của mình, phụng sự đất nước, đó là điều làm cho con người ta thấy hài lòng với bản thân của mình.
Giáo sư Trần Đại Nghĩa thường dạy các con như thế nào?
Anh Trần Dũng Trình: Gia đình chúng tôi có bốn anh em thì ba người học trường thiếu sinh quân, chỉ người em út không học là do lúc đó trường giải tán rồi. Trước khi chúng tôi đi học, cụ đều gọi lên. Chúng tôi đứng, còn cụ ngồi ở bàn làm việc, cụ giao nhiệm vụ là: Nhờ ơn Đảng, nhờ ơn Bác Hồ, nhờ ơn quân đội, các con được đi học trường thiếu sinh quân, các con phải chăm lo học hành sau này trở thành những người phục vụ tốt sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Bốn anh em, bố tôi đều đặt cho tên lót là “Dũng” với hàm ý là phải biết vượt qua khó khăn thử thách.
Từ những bài học từ người cha – Giáo sư Trần Đại Nghĩa, anh có lời khuyên gì cho thế hệ trẻ hôm nay?
Anh Trần Dũng Trình: Tôi cũng thường được mời đi nói chuyện với thanh niên học sinh. Tôi thường nói: không thể yêu cầu thanh niên ngày nay yêu nước theo các cụ là phải chịu khổ, không được ăn mặc sang diện, theo tôi thì thời nào theo thời ấy, làm sao phục vụ tốt nhất cho đất nước là được. Hãy noi gương thế hệ đi trước, toàn tâm toàn ý cho đất nước.
Thanh niên sống phải có hoài bão. Hoài bão bình thường đó là các cháu học hành, trở thành người lo được cho mình cho gia đình, anh em mình. Hoài bão lớn là trở thành người giỏi hơn nữa, đóng góp nhiều hơn cho làng xóm, quê hương đất nước, như các thế hệ trước cả đời một lòng vì đất nước.