Ông Phạm Công Danh bật khóc xin cho các giám đốc '3 không'

Ông Phạm Công Danh bật khóc xin cho các giám đốc '3 không'
TP - Trả lời HĐXX trong phiên tòa vào hôm qua 11/1, ông Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch VNCB nghẹn lời xin HĐXX  giảm tội cho các giám đốc “không có quyền”, “không góp vốn” và “không điều hành” mà ông Danh đã thuê họ đứng tên làm hồ sơ vay tiền.

Những giám đốc “3 không”

Ngày 11/1, phiên tòa của TAND TPHCM xét xử sai phạm xảy ra tại 4 ngân hàng VNCB, Sacombank, TPBank và BIDV tiếp tục phần xét hỏi. Có 19 bị cáo là giám đốc các Cty của Phạm Công Danh có hành vi ký các hồ sơ, tài liệu liên quan tới việc vay tiền tại các ngân hàng. Những người này là nhân viên dưới quyền, được ông Danh thuê đứng tên “giám đốc” và trả lương 5-10 triệu đồng/tháng.

Bị cáo Nguyễn An Vinh (Giám đốc Cty Nhất Nhất vinh) trình bày trước tòa là do ông Danh nhờ và bị cáo cũng sợ ảnh hưởng công việc của vợ tại Tập đoàn Thiên Thanh nên nhận lời đề nghị của ông Danh làm giám đốc. Vinh cũng trình bày rằng trước khi nhận lời, Vinh nghe nói là chỉ đứng tên và ký tên giùm chứ không làm gì. Khi làm giám đốc rồi, Vinh ký vào một số giấy tờ, vụ án vỡ ra Vinh mới biết mình có ký vào một số giấy tờ và số tiền Vinh ký tá không biết chuyển về đâu và Vinh không sử dụng đồng nào.

Các bị cáo khác là Nguyễn Ngọc Thái (Giám đốc Cty Quốc Thắng), Lê Đài (Giám đốc Cty Bảo Gia), Lê Duy Lương (Giám đốc Cty Thành Công) - cùng thừa nhận trước tòa việc ký vào hồ sơ để vay vốn, nhưng họ không biết ký để làm gì, và không sử dụng số tiền đó.

Chủ tọa cho gọi ông Phạm Công Danh lên đối chất về nội dung này, ông Danh nói: “Thưa tòa, lời khai của những người trên đó hoàn toàn đúng. Tôi thuê họ đứng tên trên hồ sơ vay. Tôi không hề ép buộc họ đứng tên giám đốc, bản thân họ vì tin tưởng nên họ không kiểm tra hồ sơ. Việc làm hồ sơ cho vay, tôi không hề che đậy. Theo ông Danh, các giám đốc đứng tên thuê này không được hưởng bất kỳ đồng tiền nào từ các khoản tiền vay ngân hàng. “Họ cũng không yêu cầu lương mà là tôi tự nguyện đưa cho. Xin HĐXX xem xét cho họ, vì họ cũng rất khó khăn”, ông Danh bật khóc.

Nguyên Tổng giám đốc Quỹ Lộc Việt nhận sai

Ông Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc Cty Quỹ Lộc Việt) bị quy kết đã đồng phạm, giúp sức ông Phạm Công Danh, ký hợp đồng ủy thác đầu tư trái phiếu với VNCB, tạo điều kiện cho ông Phạm Công Danh rút tiền, gây thất thoát cho VNCB 903 tỷ đồng.

Tại phiên xét hỏi sáng 11/1, ông Nguyễn Việt Hà nói rằng chỉ biết Phan Thành Mai và thông qua Mai nên trao đổi về ủy thác đầu tư. Liên quan tới ông Phạm Công Danh, ông Hà nhận thức rằng ông Danh là chủ tịch, nhưng ông Hà không làm việc với ông Danh. Lý giải vì sao tham gia vào việc ủy thác đầu tư với VNCB, ông Hà nói với tư cách tổng giám đốc dựa trên thương hiệu Tập đoàn Thiên Thanh, đây là thương hiệu lớn, Quỹ Lộc Việt  tham gia ủy thác đầu tư sẽ tạo thương hiệu cho Quỹ Lộc Việt, từ đó Quỹ Lộc Việt sẽ tăng cơ hội trên thương trường...

Bị cáo Nguyễn Việt Hà thừa nhận đã sai và tỏ ra hối hận về việc tham gia ủy thác đầu tư với VNCB. Cụ thể là ông Phan Thành Mai (Tổng giám đốc VNCB) đề xuất với ông Hà là ủy thác đầu tư cho Quỹ Lộc Việt để mua trái phiếu VNCB. Bộ ba Danh, Mai, Hà đã thống nhất ủy thác cho Quỹ Lộc Việt 2.000 tỷ đồng với phí ủy thác 0,3% . Khi vụ án bị phanh phui, đã có 903 tỷ đồng từ VNCB ủy thác cho Quỹ Lộc Việt chuyển qua tài khoản cá nhân ông Phạm Công Danh. Ông Danh sử dụng số tiền này, trong đó có chi trả lãi ngoài cho ông Trần Quý Thanh (Cty Tân Hiệp Phát) 196 tỷ đồng.

Trong ngày xét xử hôm qua, HĐXX, các luật sư cũng thẩm vấn các bị cáo về nhiều nội dung khác liên quan trong vụ án. Trong đó đáng lưu ý, ông Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) đề nghị Tòa thu hồi hàng ngàn tỷ đồng tiền lãi ngoài mà VNCB đã chi trả cho ông Trần Quý Thanh và Trần Ngọc Bích (Cty Tân Hiệp Phát).

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.