Thảm sát rúng động nước Mỹ
10 người thiệt mạng và 7 người bị thương trong một vụ xả súng vào trường cao đẳng ở bang Oregon, Mỹ vào 10 giờ 38 ngày 1.10 (giờ địa phương). Hung thủ sau đó bị cảnh sát bắn chết đồng thời thu giữ 4 khẩu súng.
Đây là vụ xả súng mới nhất sau hàng loạt vụ việc tương tự ở các trường đại học, rạp chiếu phim, căn cứ quân sự và nhà thờ của Mỹ những năm gần đây.
Năm 2007, một sinh viên đại học Công nghệ Virginia bắn chết 32 người và làm 25 người bị thương trước khi tự sát. Năm 2012, 7 sinh viên đại học Oikos ở California cũng bị một cựu sinh viên bắn chết. Hồi tháng 6, 9 người bị giết ở nhà thờ Nam Carolina, 5 quân nhân cũng thiệt mạng ở căn cứ tại bang Tennessee.
Vụ xả súng khiến hơn 10 người thiệt mạng tại ĐH Cộng đồng Umpqua, Oregon, Mỹ đã nâng tổng số vụ thảm sát tương tự tại Mỹ trong năm nay lên con số 294.
Như vậy, dù năm 2015 mới qua 274 ngày nhưng đã có tới 294 vụ xả súng khiến nhiều người thiệt mạng tại Mỹ, trung bình ngày nào tại quốc gia này cũng diễn ra ít nhất một vụ xả súng. Tuy nhiên, con số thống kê này chưa thực sự đầy đủ và khả năng còn cao hơn rất nhiều.
Cảnh sát khám xét các sinh viên sau vụ xả súng hôm 1/10 (Ảnh: AP)
Cũng trong năm 2015, khoảng cách thời gian giữa các vụ xả súng chưa bao giờ kéo dài quá 8 ngày. Vào tháng 9 vừa qua, chỉ trong 6 ngày đã có tới 3 vụ thảm sát bằng súng và hơn thế nữa.
Nếu các con số người thiệt mạng ban đầu trong vụ Oregon được xác thực thì tổng số người chết vì xả súng trong năm nay đã lên đến 380 người với hơn 1.000 người bị thương.
Quan điểm trái chiều về sử dụng súng
Vài giờ sau vụ tấn công, Tổng thống Barack Obama đã có bài phát biểu nhấn mạnh sự cấp thiết của việc kiểm soát súng. 'Bằng cách nào mà điều này đang dần trở nên quen thuộc', ông Obama nói với gương mặt lộ rõ vẻ giận dữ.
Vụ việc tiếp tục khiến cuộc tranh cãi về sở hữu và sử dụng súng ở Mỹ càng thêm gay gắt. Luật của bang Oregon cho phép những người sở hữu giấy phép sử dụng súng có thể mang vũ khí vào trường học.
Phát biểu trước công chúng bang Tennessee, ứng viên Tổng thống Mỹ
Donald Trump cho biết nếu được trang bị vũ khí, các nạn nhân có thể đã không chết và khẳng định cuộc thảm sát có lẽ đã không xảy ra nếu các giáo viên được vũ trang đầy đủ. “Nếu bạn có một người thầy hay ai đó có súng trong phòng học, bạn sẽ cảm thấy khá hơn nhiều” - Washington Post dẫn phát biểu của ông Trump trước đám đông ở Nashville ngày 3/9.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ sự phẫn nộ trước vụ việc tại bang Oregon và tiếp tục kêu gọi phải siết chặt hơn nữa các điều luật về sở hữu súng.
“Chúng ta đã tê liệt cảm xúc trước các vụ thảm sát bằng súng. Chúng đã trở thành chuyện thường ngày. Mỹ là nước phát triển duy nhất cứ vài tháng lại phải chứng kiến những vụ xả súng kiểu này”, ông nói với nét mặt đanh lại.
Ông Obama nhấn mạnh tính cấp thiết của việc sửa đổi luật kiểm soát súng đạn, khẳng định không thể để tình trạng bắn giết bừa bãi gây tổn hại cho người dân.
Vậy mà, chỉ hai ngày sau khi một vụ xả súng đẫm máu ở trường cao đẳng gây chấn động dư luận Mỹ, một hội chợ triển lãm và bán súng quy mô lớn diễn ra tại bang Virginia. Rất đông kẻ bán, người mua đã tham gia sự kiện này.
Phần lớn người đến hội chợ để mua súng là nam giới. Tuy nhiên,không ít người dẫn theo cả gia đình, ông bà, thậm chí cả con cái. Khảo sát năm 2012 của Huffington Post cho biết, khoảng 34% hộ gia đình Mỹ, tương đương hơn 100 triệu người, sở hữu súng.
Súng là một phần cơ bản của nền văn hóa và di sản chính trị truyền thống của nước Mỹ từ thuở sơ khai. Hiến pháp Mỹ quy định quyền được sở hữu vũ khí. Vì vậy, nền văn hóa súng đạn Mỹ phát triển mạnh mẽ.
Do quá nhiều người Mỹ sở hữu súng, ngành công nghiệp súng đạn có ảnh hưởng chính trị vô cùng to lớn. Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA), đại diện ngành công nghiệp súng đạn, là một trong những tổ chức vận động hành lang hùng mạnh và giàu thế lực nhất nước Mỹ. Cứ sau mỗi vụ xả súng, NRA mở chiến dịch vận động ủng hộ súng đạn.
Kiểm soát súng đạn cũng còn bị xem là "vùng chết chính trị". Thông thường, đảng Cộng hòa ủng hộ sở hữu súng còn đảng Dân chủ tìm cách hạn chế. Nhưng nhiều chính trị gia Dân chủ cho rằng chính sách hạn chế súng đạn đã khiến các ứng cử viên đảng này thất bại trong các cuộc bầu cử ở các bang nông thôn như West Virginia, Missouri, Ohio, Arkansas, Colorado, Pennsylvania…
Vì vậy, nhiều chính trị gia Dân chủ tránh né, không dám đụng đến vấn đề súng đạn vì sợ mất lá phiếu. Bản thân ông Obama dù tuyên bố rất nhiều về nhu cầu kiểm soát súng đạn nhưng chưa làm được gì cụ thể vì sự cản trở ở Quốc hội.