Sai phạm ở nhiều nhà máy nhiệt điện
Ngày 8/12/2017, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điều 165 Bộ luật Hình sự, ra lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Quốc Khánh-cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí (PVN).
Thời điểm đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc PVN, ông Khánh phụ trách mảng sản xuất điện và gắn với hàng loạt các dự án điện do PVN làm chủ đầu tư, đáng chú ý là các dự án điện lớn gồm Nhiệt điện Vũng Áng I (1.200 MW), Nhiệt điện Thái Bình 2 (công suất 1.200 MW), nhiệt điện Sông Hậu 1 (1.200 MW) và Dự án nhiệt điện Long Phú 1 (1.200 MW).
Tại kỳ họp thứ 14 vào tháng 4/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã xem xét, kết luận các nội dung quan trọng, trong đó có những vi phạm, khuyết điểm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch HĐTV PVN.
Tháng 4/2017, ông Khánh rời chức Chủ tịch PVN về công tác tại Bộ Công Thương và đến tháng 8/2017 về nhận công tác tại văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực Bộ Công Thương.
Điều đáng nói, tại thời điểm ông Khánh giữ chức vụ Phó tổng giám đốc, PVN đã ra văn bản chỉ đạo cho Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (Công ty Hoành Sơn) được cấp than cho Vũng Áng 1. Tại Dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Thanh tra Bộ Công Thương đã chỉ ra nhiều bất cập và sai phạm.
Cụ thể, Dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 được Thủ tướng Chính phủ giao cho PVN làm chủ đầu tư là một trong những dự án điện cấp bách được hưởng các cơ chế đặc thù, đáp ứng nhu cầu điện năng, cung cấp sản lượng điện (7,2 tỷ kWh/năm).
Theo kế hoạch, loại nhiên liệu chính sử dụng của nhà máy là: Than cám 5A Hòn Gai - Cẩm Phả và Vàng Danh - Uông Bí. Thế nhưng, trong quá trình triển khai dự án, PVN đã có sai phạm, thiếu sót trong việc chỉ đạo Ban QLDA làm việc và ký hợp đồng mua than cho Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1.
Theo Đề án cung cấp than cho các Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 5964 NMNĐ Vũng Áng 1 thuộc nhóm các nhà máy sử dụng than trong nước (than cám 4b và cám 5).
Tuy nhiên, NMNĐ Vũng Áng 1 đã sử dụng khoảng 756.000 tấn than nhập khẩu do công ty Hoành Sơn cung cấp. PVN đã đồng ý cho Ban QLDA đàm phán, ký hợp đồng mua bán than với công ty Hoành Sơn khi chưa xem xét kỹ về nguồn gốc than của công ty này theo Thông tư số 14/2013.
Sản lượng than do công ty Hoành Sơn cung cấp cho NMNĐ Vũng Áng 1 theo các Hợp đồng ký kết, từ tháng 5/2015 đến tháng 7/2016, sản lượng mua thực tế là 790.931,76 tấn quy ẩm đạt 87,88% sản lượng ký kết. Qua hai giai đoạn thanh toán, số tiền thanh toán lên tới gần 1.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, hệ thống tiếp nhận than, trong giai đoạn 2015-2016, có nhiều lần trục trặc phải tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa dẫn đến không đảm bảo khả năng tiếp nhận bằng đường biển theo như thiết kế và công suất quy định.
Tại thời điểm thanh tra, nhà máy chỉ vận hành một tổ máy, không vận hành thương mại được đồng thời 2 tổ máy do lỗi kỹ thuật của hệ thống truyền tải điện quốc gia dẫn đến chưa khai thác hiệu quả 2 tổ máy theo Kế hoạch dự án đặt ra.
Xung quanh việc mua than của công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (công ty Hoành Sơn), ngày 09/11/2015, PVN có Văn bản số 7834 chỉ đạo Ban QLDA ký Phụ lục mở rộng Hợp đồng mua bán than với Công ty Hoành Sơn. Mặc dù, việc mua than bổ sung chỉ nhằm giải quyết dự trữ trong tình trạng cấp bách. Tuy nhiên, PVN ủy quyền Ban QLDA ký Phụ lục mua bổ sung khối lượng cung cấp than với công ty Hoành Sơn là không đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 21.
Ngoài ra, công ty Hoành Sơn chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc than nội địa của Công ty cổ phần Thương mại Hoàng Thảo Lâm và Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Triệu Phong. Việc giao nhận than không đủ sản lượng theo quy định của hợp đồng…
Tiêu cực ở dự án chỉ định thầu
Theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra T.Ư, ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng Giám đốc cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn nhiệm kỳ 2010 - 2015; có trách nhiệm trong việc ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU của Đảng uỷ và Nghị quyết số 4266/NQ- DKVN của HĐTV.
Ông Khánh cũng phải chịu trách nhiệm trong việc tham mưu quyết định chỉ định gói thầu EPC Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng. Có trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm tại Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án Nhiên liệu sinh học.
Ông Nguyễn Quốc Khánh từng đảm nhiệm các chức vụ: Phó tổng giám đốc Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP); Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Dầu khí Mê Kông; Tổng giám đốc Công ty Chế biến và Kinh doanh sản phẩm Dầu mỏ (PDC). Tháng 6/2008, ông Khánh được giữ chức Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) khi đơn vị này được thành lập trên cơ sở hợp nhất của Công ty Chế biến và Kinh doanh sản phẩm dầu (PDC) và Petechim. Ông Khánh giữ cương vị Tổng giám đốc PVOil chỉ tròn 1 năm. Tháng 7/2009 ông Khánh đảm nhiệm chức Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Ngày 12/1/2016, ông Nguyễn Quốc Khánh, giữ cương vị Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kiêm Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN.
Ngày 9/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 308/QĐ-TTg về thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đối với ông Nguyễn Quốc Khánh để về nhận nhiệm vụ tại Bộ Công Thương.
Ông Nguyễn Quốc Khánh sinh năm 1960, quê ở Hà Tĩnh, tốt nghiệp kỹ sư địa vật lý chuyên ngành thăm dò địa chất dầu khí tại Đại học Dầu khí Baku (Liên Xô cũ).