Ông Nguyễn Hải: Dễ gì đổ lỗi cho nhau...

Ông Nguyễn Hải: Dễ gì đổ lỗi cho nhau...
Thời điểm này, ông Nguyễn Hải, nguyên Trưởng ban Tiếp thị hành khách (TTHK) Vietnam Airlines (VNA), bị một số người nhìn nhận như một trong những “nhân vật” phải chịu trách nhiệm chính về vụ kiện của VNA.

Hôm qua (4/4), ông Nguyễn Hải, đã gửi thư trình bày quan điểm về vụ việc lên Ban lãnh đạo Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, Ban lãnh đạo VNA và một số cơ quan báo chí.

Ngay sau khi nhận được thư giải trình trên, PV báo Tiền Phong đã liên lạc và có cuộc trao đổi riêng với ông Nguyễn Hải.

Ông Hải cho biết: Hồi đó, tôi nhận được bản dịch một lá thư của Đại sứ quán Italia gửi sang, do Ban Đối ngoại - Hành chính (ĐNHC) chuyển cho tôi. Sau khi xem rất kỹ và bàn với các anh em trong Ban TTHK, chúng tôi không thấy liên quan gì đến Ban TTHK.

Tôi đã nêu quan điểm này trong công văn số 800/TTHK ngày 9/12/1994 gửi Ban ĐNHC, mà phần lớn nội dung công văn này tôi đã nêu trong thư trình bày quan điểm ngày 4/4 gửi báo Tiền Phong.

Nội dung bản dịch bức thư hồi đó ông có còn nhớ không?

Ban ĐNHC không gửi cho tôi một công văn chính thức nào, chỉ đưa một cái thư do sứ quán ý gửi sang, trong đó có “trát” của tòa, tôi nhớ đại ý nói rằng ông Liberati ủy quyền cho một luật sư khác kiện Falcomar và VNA.

Hồi đó Falcomar còn là đại lý của VNA và thi thoảng chúng tôi vẫn giao dịch với họ. Thế nên tôi trả lời là theo ý kiến chúng tôi thì việc kiện này không liên quan gì đến Ban TTHK…

Và ông không báo cáo việc này lên cấp trên?

Đúng là hồi đó tôi nghĩ việc này không quan trọng gì lắm. Người ta (Ban ĐNHC - PV) hỏi mình ý kiến về việc này thế nào thì tôi trả lời rằng dựa trên bản hợp đồng mà Ban TTHK đã ký với Falcomar thì nó không liên quan gì đến Ban TTHK, theo như cách nhìn nhận của Ban chúng tôi.

Ông có ý thức được nếu phía VNA không sang ý thì sẽ xảy ra chuyện như hôm nay?

Hồi đó thực ra tôi không nghĩ đến chuyện là sang hay không, bởi vì vấn đề này không được đặt ra với tôi và Ban TTHK.

Ông có từng gặp luật sư Liberati?

Không. Tôi không biết gì về ông ấy.

Thế thời điểm đó ông có biết về vụ kiện ở Ý?

Tôi không biết. Thực ra hồi đó việc của chúng tôi quá bận rộn. Tôi nghĩ mình trả lời là xong rồi. Và tôi cũng chuyển bản hợp đồng sang Ban ĐNHC để người ta nắm. Chứ nếu hồi ấy bất cứ ai ở VNA mảy may nghĩ rằng vụ việc lại đi xa đến thế này thì có lẽ đã chẳng ai xử sự như tất cả mọi người từng xử sự.

Vậy ông có hối tiếc là mình đã xử lý như hồi đó không?

Không, nếu bây giờ có làm lại tôi cũng sẽ làm như thế.

Vừa qua, có rất nhiều người quy kết trách nhiệm cho ông trong vụ việc, ông có bình luận gì về việc này?

Trách nhiệm tôi đến đâu thì tôi nhận đến đấy. Và tôi cũng tin trên đời này còn công lý chứ, dễ gì mà đổ cho nhau như vậy, cũng tương tự dễ gì ông luật sư đấy “ăn” được của mình hơn 5,2 triệu Euro…

Cái thư giải trình của tôi cũng không phải để thanh minh, mà tôi nghĩ điều quan trọng bây giờ là nên dẹp đi việc quy kết trách nhiệm. Trách nhiệm thì ai cũng sợ lắm (cười), nhất là nó lại to đến thế này. Mà bây giờ, trận đấu chưa hết thì đá tiếp đi, chứ chưa chi đã…

Vậy theo ông, ai phải chịu trách nhiệm trong việc này?

Tôi đã nói rồi, bây giờ không phải lúc quy lỗi. Tôi thấy trách nhiệm của tôi đến đâu thì tôi xin được bàn luận đến đó. Còn trách nhiệm của người khác đến đâu cần phải xem xét tỉnh táo, không phải cứ người này đổ lỗi cho người kia.

Một số luật sư của Việt Nam cho rằng nhiều khả năng VNA sẽ thua kiện. Theo ông thì sao?

Tôi không hiểu tại sao mọi người cứ bảo mình sẽ “thua”. Vì theo tôi, cái ràng buộc pháp lý duy nhất về mặt pháp lý giữa mình và họ là cái hợp đồng ký với Falcomar. Và cái hợp đồng đấy được ký chặt chẽ đến mức mình có rất nhiều “lá chắn” để tránh được những việc như thế này. Tôi không nghĩ mình yếu về mặt pháp lý ở đây. Chẳng nhẽ cứ pháp lý “Tây” thì mình phải chịu à?

Vậy theo ông mấu chốt việc này nên giải quyết như thế nào?

Theo tôi, bây giờ mình phải đi kiện lại, vì mình đã có một bản hợp đồng hết sức chặt chẽ. Nếu chỉ dựa trên bản hợp đồng ấy, tôi nghĩ người ta không kiểu gì bắt nạt mình như thế được(?)

Xin được hỏi một câu khá tế nhị: Ông “rút” khỏi ngành hàng không có phải vì liên quan đến vụ việc trên?

À không, tôi chuyển khỏi VNA từ năm 1997, và không phải vì vụ việc nào cả, chỉ là để thay đổi không khí…

Xin cám ơn ông!

Vụ kiện này nên đưa vào sách giáo khoa...

Ông Nguyễn Hải: Dễ gì đổ lỗi cho nhau... ảnh 1

Kính gửi:

 - Ban lãnh đạo Vietnam Airlines

- Báo Tiền Phong…

Tôi là Nguyễn Hải, nguyên Trưởng ban Tiếp thị hành khách (TTHK) khi xảy ra vụ việc luật sư Liberati khởi kiện Vietnam Airlines, xin trình bày quan điểm cá nhân về việc này như sau:

... Toà án Roma đã chấp nhận đơn kháng cáo của Vietnam Airlines (VNA) và phiên tòa xử với sự tham gia của Hãng sẽ diễn ra ngày 27 tháng 01 năm 2006 (theo ông Nguyễn Xuân Hiển, TGĐ VNA thì tòa phúc thẩm Italia mới chỉ đồng ý để hai bên cung cấp hồ sơ - pv). Như vậy là chúng ta có cơ hội lớn để chiến thắng. Tôi cho rằng khả năng thắng của ta là rất cao, vì hai lẽ:

Thứ nhất, trừ phía bên nguyên có được bằng chứng khác (mà tôi không tin là họ có) về mối quan hệ của VNA với LS Liberati, còn với những gì bản thân tôi biết từ phương diện của Ban TTHK, thì đây đơn thuần là quan hệ giữa hãng hàng không (Vietnam Airlines) với một đại lý bán vé máy bay ở ý là Falcomar như hàng ngàn đại lý (Agent) chúng ta chỉ định trên khắp thế giới.

Hợp đồng do tôi ký với tư cách trưởng phòng thương mại vào tháng 10 năm 1992 và gia hạn thêm 2 lần nữa, được sửa đổi từ mẫu của IATA đã có 3 lá chắn rất vững chắc bảo vệ VNA khỏi những vụ kiện cáo tương tự, tóm tắt như sau:

- Quyền hạn của đại lý (Scope of Agent’s authority) quy định VNA không có trách nhiệm gì đối với bất cứ thỏa thuận hay hợp đồng nào do đại lý ký kết.

- Điều khoản về miễn trừ trách nhiệm (Liability and Indemnity) quy định đại lý miễn trừ trách nhiệm cho VNA và nhân viên của VNA khỏi mọi tổn thất gây ra từ các hành động của đại lý trong khi thực hiện hay không thực hiện hợp đồng này.

- Trọng tài (Arbitration): Bất cứ tranh chấp nào nảy sinh từ hợp đồng này được phân xử bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Như vậy có hai điều thậm vô lý trong bản án của toà dân sự Roma: phiên tòa diễn ra ở nơi nó không được phép diễn ra theo ràng buộc của hợp đồng và thẩm phán quàng cho VNA những trách nhiệm mà chúng ta đã được miễn trừ nhiều lần và chắc chắn theo hợp đồng.

Thứ hai, toàn bộ quá trình xử án rất lạ lùng: nó kéo dài từ năm 1994 đến năm 2000 mới ra phán quyết để bắt VNA nộp số tiền gấp 8,4 lần so với đòi hỏi ban đầu của bên nguyên. Tôi cho rằng có nhiều chi tiết trong vụ tranh tụng này cần được VNA làm rõ và có thể sử dụng để bảo vệ quyền lợi của mình.

Cũng không loại trừ trường hợp VNA có thể kiện ngược lại tòa án dân sự Roma đã xử oan, gây thiệt hại nghiêm trọng cho thanh danh, tổn thất về tài chính và thương mại cho Hãng.

...

Từ khoảng năm 2000, khi vươn ra hoạt động quốc tế nhiều, các doanh nghiệp Việt Nam vấp phải nhiều vụ tranh chấp về luật pháp và chúng ta cũng có nhiều bài học: Trung Nguyên mất thương hiệu ở Mỹ, nước mắm Phú Quốc mất tên ở Thái Lan về tay kẻ khác, vụ kiện cá basa, tôm xuất khẩu sang Mỹ. Rồi trớ trêu như vụ tàu Cần Giờ tại Tanzania.

Ai cũng thấy con số hơn 5 triệu euro mà VNA có thể mất là lớn nhất trong lịch sử mất tiền oan, nhưng những vụ việc khác vừa kể cũng làm thiệt hại vô cùng to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, tuy rằng không định lượng được nên không cảm thấy là nhiều.

Bởi vậy, tôi cho rằng giúp đỡ doanh nghiệp về luật pháp quốc tế phải trở thành chính sách quốc gia. Những vụ kiện như của VNA phải được đưa vào sách giáo khoa về luật pháp quốc tế cho các doanh nghiệp.

(Trích thư ông Hải gửi lãnh đạo VNA, báo Tiền Phong và một số báo)

MỚI - NÓNG