'Ông Nguyễn Đức Chung giơ tay, nếu tôi không bắt mọi người sẽ nghĩ gì?'

Ông Nguyễn Đức Chung tại tòa án ngày 11/12.
Ông Nguyễn Đức Chung tại tòa án ngày 11/12.
TPO - “Kết thúc phiên tòa tức khi tuyên án xong, Hội đồng xét xử sẽ tự giải tán và lúc đó, chủ tọa trở về là một con người bình thường” - Thẩm phán Trương Việt Toàn nói khi được hỏi về việc bắt tay ông Nguyễn Đức Chung.

Ông Trương Việt Toàn là Chủ tọa trong phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Nguyễn Đức Chung – nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội và 3 đồng phạm ngày 11/12 vừa qua.

Tại tòa, ông Nguyễn Đức Chung bị tuyên phạt 5 năm tù về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Cùng tội danh, bị cáo Phạm Quang Dũng - nguyên cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tôi phạm về kinh tế, buôn lậu nhận 4 năm 6 tháng tù.

Bị cáo Nguyễn Hoàng Trung – cán bộ Công an TP Hà Nội biệt phái sang làm chuyên viên Phòng thư ký biên tập Văn phòng UBND TP Hà Nội lĩnh 24 tháng tù và Nguyễn Anh Ngọc – nguyên Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy biệt phái làm Phó trưởng phòng Thư ký biên tập UBND TP Hà Nội phải chịu 18 tháng tù.

Sau phiên tòa, Thẩm phán Trương Việt Toàn đi qua hàng ghế của bị cáo để về phòng làm việc và tại đây, ông có bắt tay cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Hình ảnh này nhận nhiều ý kiến bình luận khác nhau.

Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng việc chủ tọa bắt tay bị cáo sau khi tuyên án là sai quy định, làm giảm tính nghiêm minh của tòa án… và thậm chí là sai quy định.

Được hỏi về việc này, Thẩm phán Trương Việt Toàn khẳng định không có quy định nào của pháp luật cấm ông bắt tay bị cáo sau khi tuyên án.

Ông phân tích: “Về mặt nguyên tắc, Hội đồng xét xử sẽ tự giải tán sau khi phiên tòa kết thúc, tức khi tuyên án xong. Lúc này, tôi không còn là chủ tọa nữa mà đứng vai tư cách một con người bình thường và bị cáo cũng không còn là bị cáo nữa. Không có quy định nào cấm hai người bình thường bắt tay với nhau”.

Vị thẩm phán nêu quan điểm: “Khi tuyên án xong, tôi đã là người bình thường nên có quyền riêng tư của mình về hình ảnh, tiếng nói... Vì vậy, việc không xin phép, tự ý đăng tải hình ảnh của tôi cũng sai các quy định của pháp luật và đã xâm phạm quyền riêng tư của tôi”.

Trước ý kiến việc bắt tay bị cáo là sai pháp luật, Thẩm phán Trương Việt Toàn khẳng định: “Không có quy định nào cấm tiếp xúc bị cáo sau khi xét xử xong, chỉ có quy định cấm tiếp xúc trong khi xét xử. Như Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói tôi bắt tay là không đúng pháp luật, vậy tôi đề nghị viện dẫn rõ văn bản pháp luật nào quy định như vậy?”.

Cũng theo Thẩm phán Toàn, khi xét xử xong, ông phải đi qua hàng ghế của bị cáo để về phòng làm việc và: “Thử đặt câu hỏi, lúc đó ông Chung giơ tay ra bắt, nếu tôi không bắt lại, mọi người sẽ đánh giá thế nào về tôi?”.

MỚI - NÓNG
Mang yêu thương khoả lấp buồn đau cho Làng Nủ
Mang yêu thương khoả lấp buồn đau cho Làng Nủ
TPO - Ngày 14/9, đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong đã thay mặt các nhà hảo tâm trao tặng số tiền ủng hộ trị giá 500 triệu đồng cho các nạn nhân tử vong do bão YAGI tại tỉnh Lào Cai và vào được Làng Nủ ở huyện Bảo Yên để chia sẻ nỗi đau thương của bà con nơi đây.