'Ông mối' siêu xe cho thiếu gia Trung Quốc

Nicholas Lam (25 tuổi) sinh ra tại Thượng Hải, đến Mỹ du học năm 2013 và đã làm giàu nhờ buôn bán siêu xe cũ, mới cho tầng lớp phú nhị đại Trung Quốc.

Phú nhị đại Trung Quốc (tiếng lóng chỉ thế hệ con của những người giàu có) đến Mỹ du học và coi 4 năm đại học tại đây là thời gian để trải nghiệm những chiếc xe trong mơ, quần áo hàng hiệu và cuộc sống xa xỉ với mức giá rẻ hơn trong nước rất nhiều...

Nicholas Lam (25 tuổi), người cũng đến Mỹ học đại học năm 2013 kể lý do vì sao phú nhị đại Trung Quốc cần tới anh. "Hầu hết các sinh viên Trung Quốc đến Mỹ sắm chiếc siêu xe đầu tiên đều chẳng hiểu họ đang nói về cái gì, cũng không biết những nút này để làm gì, phải trả bao tiền thuế. Còn tôi sẽ giúp họ mua được với giá tốt hơn bởi vì họ không biết cách trả giá với người Mỹ", Lam nói với CNBC.

Lam nhận ra điều này từ kinh nghiệm đầu tiên của chính mình. Ngay sau khi đến New York từ Hong Kong năm 2009 để vào học Đại học Stony Brook, Lam đã mua một chiếc xe để giao pizza cho cửa hàng Papa John. Tuy nhiên, Lam nói chiếc xe nhanh chóng khiến anh nghĩ đây là một quyết định tồi.

"Chỉ trong 4 tháng, nó phát sinh rất nhiều vấn đề, nào là hỏng về phanh, động cơ, rồi cả bộ phận truyền dẫn", Lam nói. Do đó, anh đã phải tìm đến sách báo, tạp chí và cả YouTube để tìm hiểu cách sửa và xử lý chiếc ôtô của mình.

Từ đó, những vụ làm ăn nhỏ của Lam được hình thành. Bạn bè và người quen cứ nhờ Lam đi cùng đến các cửa hàng để xem xe và đưa ra lời khuyên cho họ khi mua.

Ban đầu, một vài người bạn cảm ơn Lam bằng những bữa ăn. Nhưng khi ngày càng có nhiều sinh viên Trung Quốc tìm đến mình, Lam bắt đầu tính phí với họ. Nhanh chóng sau đó, chính những người buôn xe cũng biết và tìm đến Lam, đề cập tới việc sẽ chiết khấu cho anh để hợp tác.

Tuy nhiên, Lam không hài lòng khi mình chỉ là một người trung gian cho dân buôn xe mà quyết định sẽ mở một công ty riêng. Từ đó, công ty nhỏ có tên New York Auto Depot - chuyên bán siêu xe cũ, mới cho sinh viên Trung Quốc - ra đời. Ban đầu, cơ sở khách hàng của Lam là những sinh viên ở 19 trường đại học, nhưng sau này ngày một mở rộng.

20% doanh thu ở công ty môi giới của Lam đến từ siêu xe. Ảnh: Tom Starkweather.

Theo chàng trai mới 25 tuổi này, có nhiều kiểu người Trung Quốc đang du học tại Mỹ. Kiểu đầu tiên là những sinh viên dạng "mọt sách", chỉ biết cắm đầu vào học tập và họ chủ yếu thích di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng. Kiểu thứ hai là những người chỉ dành ngân sách khoảng 20.000-60.000 USD sắm những chiếc ôtô kiểu "đứng đắn" như BMW hay Lexus. Và kiểu cuối cùng là những khách hàng giàu có thích sự khác biệt với những siêu xe. Và Lam quyết định sẽ tấn công mạnh vào phân khúc khách hàng cuối cùng này.

"Đó là nhóm khách hàng cao cấp, kiểu những phú nhị đại Trung Quốc, có bố mẹ giàu có. Họ đến Mỹ, rồi hay nói những câu kiểu như 'giá những chiếc xe này quá rẻ' nên phải mua một chiếc hạng sang kiểu Lamborghini hay Ferrari chứ không chỉ BMW", anh nói.

Mỗi tháng, công ty của Lam bán khoảng 60 chiếc xe với giá trung bình khoảng 30.000 USD một chiếc, nhưng 20% doanh thu của công ty đến từ những chiếc siêu xe. Lam nói với CNBC rằng, chiếc đắt nhất anh từng bán lên tới 800.000 USD.

Những chiếc siêu xe bán ở Trung Quốc thường đắt hơn ở Mỹ 250% nên các "phú nhị đại" lại càng thích thú với những đề xuất mà công ty Lam đưa ra. "Khi tới Mỹ, nhìn giá xe, họ chắc hẳn nghĩ giá như thế này là hợp lý. Do đó, nếu có một số tiền nhất định, tại sao bạn lại chỉ mua một cái", Lam nói.

Một chiếc Ferrari 458 tại Boston có giá chỉ 290.000 USD. Còn ở Bắc Kinh, con số này là hơn 700.000 USD.

Theo hãng nghiên cứu thị trường CNW Research, sinh viên Trung Quốc tại Mỹ chi gần 15,5 tỷ USD mua xe mới và cũ năm học 2012-2013. Những thương hiệu được ưa chuộng nhất là Mercedes-Benz, Lexus và BMW.

Theo Theo Vnexpress