Ông Miura xoay xỏa thế nào để hoàn thành nhiệm vụ?

Chưa biết HLV Miura thành công hay không tại VCK U23 châu Á, nhưng ông cần được sự ủng hộ để toàn tâm vào công việc (ảnh: Trọng Vũ)
Chưa biết HLV Miura thành công hay không tại VCK U23 châu Á, nhưng ông cần được sự ủng hộ để toàn tâm vào công việc (ảnh: Trọng Vũ)
Dĩ nhiên, thành công ở VCK giải châu Á là rất khó, nhưng bóng đá vốn không thể nói trước được điều gì. Vấn đề là thành công hay không thành công thì ở thời điểm hiện tại, HLV Miura cần sự ủng hộ để hoàn thành công việc của mình.

Đến thời điểm này, khi hợp đồng giữa HLV Miura với VFF trên tư cách HLV trưởng các đội tuyển còn chưa đầy 4 tháng nữa là kết thúc, nhưng đôi bên chưa bàn về hợp đồng mới, thì khả năng vị HLV người Nhật tiếp tục tại vị là cực thấp.

HLV Miura có lẽ cũng hiểu điều ấy và ông cũng chấp nhận, cũng như chịu trách nhiệm với tất cả những chuyển động lên – xuống của các đội tuyển trong vòng 2 năm qua. Chưa hề thấy vị HLV người đổ lỗi cho sự thiếu quyến rũ về mặt lối chơi của đội tuyển cho lý do khách quan.

Đấy là điều đáng quý toát lên từ sự kiệm lời của vị HLV này. Ông xây dựng đội tuyển và xây dựng lối chơi của đội tuyển dựa trên những con người mà ông đã từng có trong thời gian ông ngồi ghế HLV trưởng.

Ông cũng xây dựng lối chơi của các đội tuyển trong tay ông dựa trên thực tế các giải đấu mà ông dẫn dắt quân mình tham dự, với những đối thủ mà thông thường thì ông cho rằng các đội đấy mạnh hơn các đội tuyển Việt Nam, nên đội tuyển cần một lối đá phù hợp nhất khi đối đầu với các đối thủ mạnh.

Có thể lối chơi ấy thuyết phục hay không thuyết phục dựa trên đánh giá của từng người. Có thể thành tích mà HLV Miura có được là tốt hay là không tốt cũng dựa trên quan điểm của từng cá nhân, thông qua cách mà họ xét những thành tích vừa nêu dựa trên hệ quy chiếu nào. Tuy nhiên, có một điểm chung ở chỗ đã làm việc là HLV Miura làm hết mình, rồi sau khi đã làm việc hết mình, ông nhận trách nhiệm với mọi thành tích của đội tuyển, kể cả việc chịu những lời chê bai.

Đấy đích thị là mẫu tính cách của một HLV chuyên nghiệp. Một tính cách khác được nhìn thấy nơi HLV Miura là ông không bao giờ xem nhẹ mọi giải đấu mà ông dẫn quân tham dự.

Ví như VCK U23 châu Á tới đây. Nhiều nhăm trước, đây là sân chơi quá tầm với bóng đá Việt Nam, và không nhiều đời HLV dẫn dắt các đội tuyển quốc gia đặt nặng thành tích ở các sân chơi tầm châu lục trở lên.

Ngay đến VFF cũng chỉ đưa ra mục tiêu sát sườn nhất ở VCK U23 châu Á 2016 là U23 Việt Nam cố gắng tìm 1 trận thắng, trong số 3 trận đối đầu toàn với đối thủ mạnh hơn chúng ta là Australia, UAE và Jordan.

Nhưng HLV Miura muốn vào tứ kết, như cách ông từng gây sốt ở Asiad 2014, đưa đội tuyển Olympic Việt Nam khi đó vào giai đoạn knock-out khi rất nhiều người đinh ninh rằng kiểu gì thì đội tuyển cũng bị loại ngay vòng bảng.

Một HLV có tinh thần như thế cần được ủng hộ để chí ít là ông ấy hoàn thành nốt công việc của mình, một khi ông vẫn còn chịu trách nhiệm với các đội tuyển. Để HLV Miura toàn tâm toàn ý cho công việc của ông ấy vào lúc này cũng đồng nghĩa với việc để cho ông ấy tìm cách giữ thể diện cho cả nền bóng đá Việt Nam ở sân chơi quốc tế mang tầm châu lục.

Gây xáo động tinh thần của đội tuyển bằng việc tạo sức ép để HLV Miura phải nghỉ việc là điều hoàn toàn không nên. Thành tích như của đội tuyển như thế nào thì HLV Miura cũng không chối bỏ trách nhiệm, nên cứ phải để vị HLV người Nhật đi tìm thành tích ấy.

Đấy là chưa nói đến chuyện giả sử HLV Miura mà thành công, có khi rất nhiều người sẽ phải đứng trước cảnh khó xử, khi không lẽ lại ngưng hợp đồng với một HLV vừa tạo nên thành tích lịch sử cho bóng đá Việt Nam?!

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG