Ông Lavrov tố quyết định của Nhật Bản ‘ảnh hưởng trực tiếp đến Nga'

Nhật Bản tập trận huy động hệ thống tên lửa Patriot Advanced Capability-3. Ảnh: RT
Nhật Bản tập trận huy động hệ thống tên lửa Patriot Advanced Capability-3. Ảnh: RT
TPO - Trong chuyến thăm Tokyo, Ngoại trưởng Sergey Lavrov bày tỏ quan ngại việc triển khai các bộ phận lá chắn tên lửa của Mỹ tại Nhật Bản gây “ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia và lợi ích khu vực của Nga.

“Kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Nhật Bản ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích an ninh của Nga”, Ngoại trưởng Sergey Lavrov tuyên bố tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nhật Bản trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Tokyo, nhắc lại những quan ngại của Moscow về ý định của Tokyo nhằm “tích cực tham gia” vào kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ “đất nước Mặt trời mọc” mà Mỹ theo đuổi.

Nhà ngoại giao hàng đầu Nga nhấn mạnh, Moscow tôn trọng quyền tự do lựa chọn phương thức bảo vệ lãnh thổ của Nhật Bản, nhưng bất kỳ hoạt động nào cũng phải dựa trên nguyên tắc bất khả phân về an ninh. Theo đó, không quốc gia nào đảm bảo an ninh của họ bằng cách xâm phạm đến an ninh của nước khác.

Theo RT, Moscow từ lâu đã cảnh báo hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Mỹ, mà Nhật Bản quyết định mua với lý do đối phó với mối đe doạ ngày càng tăng từ Triều Tiên, phá hoại cân bằng quyền lực toàn cầu và cuối cùng có thể nhắm vào Nga.

Kremlin tin rằng, Washington có quyền kiểm soát hoạt động của các hệ thống phòng thủ mà Nhật mua từ nước này, bất chấp việc Tokyo khẳng định hệ thống Aegis sẽ do Nhật toàn quyền kiểm soát.

Năm ngoái, khi Hàn Quốc và Mỹ “bắt tay” triển khai Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), Moscow và Bắc Kinh cũng lên tiếng chỉ trích. Đối với Nga, cả việc triển khai THAAD và các quyết định về Aegis Ashore cho thấy rõ kế hoạch tiếp tục mở rộng hệ thống chống tên lửa đạn đạo toàn cầu của Mỹ.

Bộ Quốc phòng Nga trước đó quan ngại rằng, có khoảng 400 tên lửa chống tên lửa đạn đạo sẽ sớm bao vây Nga như một phần của kế hoạch phát triển quân đội Mỹ. “Một nỗ lực quy mô lớn đang được tiến hành để bao vây Nga với lá chắn tên lửa. Các điểm phòng thủ chống tên lửa đã được thiết lập trên đất Mỹ, ở California và Alaska”, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin nói trên kênh Russia 24 TV hồi đầu tháng 3.

Vào tháng 12 năm ngoái, Nhật Bản đã quyết định tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trong bối cảnh gia tăng các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, thông qua việc mua hai hệ thống Aegis Ashore của Mỹ, dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2023 với chi phí khoảng 2 tỷ USD.

Theo Theo RT
MỚI - NÓNG