Ông lão câm điếc sửa khoá tự học 4 ngoại ngữ

Nghe danh ông lão câm điếc sửa khóa thông thạo một lúc 4 ngoại ngữ, chúng tôi tìm đến tiệm sửa chìa khoá của ông Nguyễn Bá Tường ở đầu hẻm 617 đường Cách Mạng Tháng 8 (TP.HCM) vào một buổi chiều trung tuần tháng 11.  

Ông Nguyễn Bá Tường

Ông Nguyễn Bá Tường

Câu chuyện của chúng tôi diễn ra rất đặc biệt, trò chuyện trên những trang giấy viết tay.

Từ mở tiệm sửa khoá

Ông Tường sinh ra trong gia đình nghèo có 9 anh chị em. Từ nhỏ, ông đã không được may mắn như các bạn cùng trang lứa. Lúc sinh ra ông hoàn toàn bình thường, nhưng khi tập nói thì ú ớ mãi không thành tiếng, dần dà về sau thì hoàn toàn bị câm. Dù rất thương con nhưng do quá nghèo, không có tiền chữa trị, gia đình ông đành bất lực nhìn cậu con trai lớn lên trong mặc cảm tàn  tật. Lúc ấy, cũng vì ý nghĩ một đứa trẻ câm, điếc không thể đến trường nên cặp vợ chồng nghèo cũng đành để đứa con tội nghiệp "đói” chữ.

Cuộc sống của Tường cứ trôi đi nhạt nhẽo cho đến năm 16 tuổi, Tường quyết định tới một tiệm sửa khóa để học nghề. Người thầy cùng cảnh ngộ thương cậu bé tàn tật ham học nên đã truyền hết kinh nghiệm. Sau 1 năm cần cù học hỏi, ông Tường đã thành thạo nghề và bắt đầu sắm tủ sửa khóa ra góc chợ Tân Bình kiếm sống. Những tháng đầu khai trương tiệm, do không thể nghe, nói nên tiệm sửa khóa của chàng thanh niên câm, điếc luôn ế ẩm. Nói tiệm cho oai, thật ra nó chỉ là một chiếc xe sắt nhỏ, được đóng đơn giản như chiếc tủ di động dùng để cất dụng cụ hành nghề gồm đục, giũa, tuốc nơ vít… Nhận thức được việc kinh doanh ế ẩm là do "thương hiệu” nên ông Tường ra tiệm photo với mục đích in danh thiếp, in tờ rơi quảng cáo về cửa hàng của mình. Nhưng oái oăm thay, khi người photo hỏi in nội dung thế nào thì ông chỉ biết ngớ người ra bởi chẳng biết diễn giải thế nào. "Tôi chợt nhận ra, nguyên do là mình không biết chữ. Chẳng lẽ mình vượt qua được mặc cảm là người câm điếc, học được nghề, giờ lại dễ dàng bỏ cuộc vì thất học, cuối cùng tôi quyết tâm phải học chữ”.

…đến học tiếng Việt và 4 ngoại ngữ khác

Nghĩ là làm, ông Tường tự mua bảng chữ cái về nhờ người quen chỉ dạy, sau đó học lại. Khi đã thuộc bảng chữ cái, ông tập ghi chép lại tên các con đường ở phố thị. Ông còn đi ghi những chữ trên các biển quảng cáo vào tập vở và về học thuộc nó. Chữ nào không biết ông nhờ hàng xóm, người nhà chỉ dạy. Do đã lớn tuổi, việc học chữ của ông ban đầu cũng rất khó khăn, nhưng ông không nản lòng. Cần mẫn trong vòng 3 tháng, ông đã tìm ra quy luật ghép từ, đọc được, viết được một câu dài. Từ câu, ông tập viết đoạn văn rồi viết bài văn dài. Ông kể: "Thời gian đầu tôi học mọi lúc mọi nơi, cứ rảnh lúc nào là học lúc ấy. Trong hộp đồ nghề sửa khóa luôn có cuốn vở viết, lúc vắng khách là tôi lấy ra thực hành”. Kiên trì như vậy gần 2 năm, ông đã viết được những suy nghĩ của mình một cách thuần thục.

Trong hộp đồ nghề của ông có nhiều cuốn từ điển tiếng Anh, tiếng Việt… và những cuốn sổ viết tay đã nhàu. Đây là thế giới riêng của ông. "Chữ đã làm thay đổi cuộc đời tôi, giúp tôi vượt qua sự tự ti của số phận bất hạnh”, ông lão nói.

Ông Tường cho biết, ban đầu mục đích học chữ là để phục vụ công việc, nhưng càng học càng thấy thú vị nên ông muốn biết nhiều chữ hơn. Nhiều hôm gặp phải chữ Hán khó nhưng trong sách từ điển lại không có, ông không bỏ cuộc mà tiếp tục lên mạng tìm kiếm. Và cũng từ những lần đó, ông vô tình gặp một bạn người Mỹ cũng câm điếc giống mình trên mạng. Người bạn ấy cùng hoàn cảnh lại biết tiếng Việt nên cả hai trò chuyện rất cởi mở, thân mật. Song vốn tiếng Việt của người bạn không nhiều, còn ông lại mù tịt tiếng Anh nên nhiều lúc muốn nói thêm mà không được. Một đôi lần, người bạn trách, ông thông minh như vậy sao không học thêm ngoại ngữ để trò chuyện với nhau nhiều hơn. Được bạn khích lệ, hướng dẫn, ngày hôm sau, ông vào ngay nhà sách mua liền hai cuốn từ điển và sách dạy tiếng Anh cơ bản về học.

Vừa học vừa thực hành với người bạn Mỹ, chỉ khoảng 2 năm ông đã giao tiếp thành thạo. Từ đó, ông nhận ra rằng, "học ngoại ngữ cũng không khó như mọi người nghĩ, quan trọng phải xuất phát từ sự đam mê và nhu cầu muốn dùng nó vào cuộc sống”. Trong danh sách bạn bè trên mạng, ngoài người Anh, Mỹ còn có rất nhiều người đến từ nước Đức, Pháp, Hà Lan… có thể làm "thầy” cho ông. Ban đầu, ông học một số từ vựng, sau đó chủ động làm quen và nói rõ ý muốn của mình. Những lúc đi làm, không lên được mạng ông lại tranh thủ học khi vắng khách. Mỗi ngày ông học khoảng 3 giờ, duy trì như vậy suốt mấy chục năm qua. Đến nay, ông lão sửa khóa đã có thể đọc viết thành thạo 4 thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha. Ông còn đang "lấn sân” sang tiếng Nhật.

Ông chia sẻ: "Bây giờ người ta hay gọi vui tôi là "ông thợ giàu chữ”. Thực sự thì việc học chữ đã làm thay đổi số phận vốn nhiều trắc trở, bất hạnh của tôi.

Theo Theo Đại Đoàn Kết
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.