'Ông Kều' Nagase ăn Tết Việt

'Ông Kều' Nagase ăn Tết Việt
TP - Đến Hà Nội năm 28 tuổi, người đương phụ trách những dự án ODA liên quan phát triển hạ tầng và kinh tế vĩ mô tại Việt Nam, hằng ngày đi làm bằng xe buýt. Đón nhiều cái Tết Việt, với người đàn ông Nhật này, đó là những mùa xuân ấm áp khó quên.

> Bốn phương án nâng cấp đường sắt Bắc - Nam

“Ông Kều” bên vợ và con trai
“Ông Kều” bên vợ và con trai.

“Ông Kều” bình dị

Ông Nagase Toshio hiện là Phó Trưởng đại diện của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam. Ở nơi làm việc nhiều người vẫn gọi là ông “Kều” do chiều cao ấn tượng của ông.

Sinh ra ở thành phố Kobe, vùng đất nổi tiếng về nuôi bò của Nhật Bản, nhưng Nagase lại chủ yếu sống ở Tokyo. Ông tốt nghiệp ngành Luật ở Đại học Tokyo, sau đó tốt nghiệp thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Harvard - Hoa Kỳ.

Làm việc cho JICA tại Tokyo, từng kinh qua những lĩnh vực quản lý nhân sự, đối ngoại, tài chính, năm 1995 Nagase lần đầu đến Việt Nam làm cho Quỹ Hợp tác kinh tế hải ngoại Nhật Bản (OECF).

Năm ấy, Nagase sang Việt Nam cùng người vợ và cậu con trai một tuổi. Cuộc sống xa xứ với đôi vợ chồng trẻ cùng con nhỏ ban đầu thật khó khăn.

Taxi, xe buýt ngày đó chưa nhiều. Họ sắm chiếc xe con đi làm, nhưng cũng không mấy dễ dàng, bởi chưa thạo đường. Mỗi lần nhớ gia đình ở Nhật ông có thể liên lạc bằng điện thoại và máy Fax, nhưng vẫn khó khăn.

Trở lại Việt Nam làm việc nhiệm kỳ hai năm 2009, mọi thứ trong mắt ông Nagase đổi mới rất nhiều. Cậu con trai nay học năm cuối trường trung học tại Tokyo, nên vợ ông phải ở lại Nhật chăm sóc con. Ông sống một mình trong căn hộ chung cư gần phố cổ Hà Nội.

Giờ đây Nagase là một trong ba vị Phó Trưởng đại diện của JICA tại Việt Nam, phụ trách những dự án ODA liên quan phát triển hạ tầng và kinh tế vĩ mô.

“Ông Kều” thường có mặt trong những buổi lễ long trọng, chẳng hạn như ký hợp đồng gói thầu dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị, hay hội thảo về kinh nghiệm xử lý nợ xấu… Hàng ngày ông đi làm bằng xe buýt và thường xuyên gắn với thức ăn đường phố. Sáng thì bát phở, tô mỳ vằn thắn, bát xôi. Chiều, xuống xe buýt, ông thường ghé quán chả cá, hay sủi cảo.

Tuyến xe buýt số 50 đã quen thuộc với “ông Kều” Nagase ba năm nay. Không cảm thấy phiền toái, như một số người vẫn nghĩ về đi xe buýt, ngược lại ông coi đó là phương tiện an toàn, vừa rẻ và có thời gian thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi.

“Tôi và một cô gái chừng ngoài hai mươi lăm tuổi hay đi cùng tuyến xe buýt số 50. Một hôm cô ấy hỏi tôi bằng tiếng Anh: Ông có phải là người Nhật Bản không?... Cô ấy đã chia sẻ với tôi rất nhiều về thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật.

Đó là lần đầu tiên chúng tôi nói chuyện với nhau, dù thường xuyên gặp nhau trên xe buýt. Tôi đã rất cảm động và thấy ấm lòng”, ông Nagase nói về kỷ niệm khó quên. Thi thoảng tới các siêu thị lớn trong thành phố mua sắm, hay đi thăm nhà bạn bè, Nagase lại bách bộ ra điểm đón lên xe buýt.

Tết Việt ấm áp

Từng nhiều năm ăn Tết cổ truyền Việt Nam, Nagase vẫn khó quên Tết đầu tiên năm 1995 ở Hà Nội. Đó là dịp “đặc biệt lạ”, khi đường phố bỗng vắng hoe, rất ít xe cộ và người qua lại. Các cửa hiệu mua sắm đóng cửa im ỉm.

Ông và vợ con bách bộ ra Hồ Gươm trong một cảm giác lạ, khi nơi này cũng vắng vẻ, tĩnh lặng khác hẳn ngày thường. Nhưng cái Tết ấm cúng, thân tình trong cảm nhận của ông chính là ở trong mỗi gia đình, khi ông cùng vợ con đến nhà bạn bè người Việt.

“Ông Kều” Nagase (bên phải) và đồng nghiệp Okamura - trưởng nhóm hành chính
“Ông Kều” Nagase (bên phải) và đồng nghiệp Okamura - trưởng nhóm hành chính.

Năm 2010, vợ con ông từ Tokyo bay qua Hà Nội ăn Tết cùng chồng, cả nhà sau đó du xuân tận vùng sông nước Tây Nam bộ. Một người bạn Việt Nam đã dẫn phu nhân ông đi may áo dài mặc tết.

Ông Nagase cho biết, có hơn sáu mươi tình nguyện viên JICA là giảng viên tiếng Nhật, giáo viên mầm non, cán bộ phát triển nông thôn, kỹ thuật viên vườn cảnh, nữ hộ sinh, y tá, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, bác sỹ dinh dưỡng… đang làm việc trên khắp các tỉnh thành của Việt Nam, với nhiệm kỳ 2-2,5 năm, họ đều được đón tết cổ truyền Việt Nam.

“Một trong nhiều lý do giới trẻ Nhật mong muốn đi làm tình nguyện ở các nước đang phát triển là họ muốn được trải nghiệm cuộc sống, tích lũy kinh nghiệm để sau này trở lại nước Nhật có thể làm những gì lớn lao hơn cho đất nước”, ông Nagase cho biết.

“Tôi nhận thấy nhiều bạn trẻ Việt Nam có chí tiến thủ, ham học hỏi, có tiềm năng mang lại lợi ích cho đất nước. Trải nghiệm cuộc sống ở vùng đất mới, thử sức ở nhiều lĩnh vực lớn hơn - là mong muốn của tôi với các bạn trẻ. Ví như, bạn trẻ ở thành thị nên về nông thôn làm việc một thời gian, hoặc ngược lại. Ở Nhật Bản có câu “Ếch ngồi đáy giếng”, nếu chỉ bằng lòng với công việc hiện tại, không có ý chí và trải nghiệm thì khó tiến xa hơn”, Nagase nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG