Ông Joe Biden đắc cử Tổng thống, đối ngoại của Mỹ sẽ dễ đoán hơn

Nguyên thứ trưởng ngoại giao Phạm Quang Vinh. Ảnh: FB
Nguyên thứ trưởng ngoại giao Phạm Quang Vinh. Ảnh: FB
TP - Lên lãnh đạo khi nước Mỹ đang đối diện với khủng hoảng đa chiều, tổng thống tiếp theo của Mỹ trước tiên sẽ ưu tiên nguồn lực cho đối nội hơn đối ngoại. Thế giới sẽ phải chờ thêm để thấy những chương trình, sáng kiến lớn của Mỹ với bên ngoài, nhưng có khả năng Washington sẽ quay lại với đối ngoại truyền thống.

Nguyên thứ trưởng ngoại giao Phạm Quang Vinh nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong ngày 8/11 về cuộc bầu Mỹ cho đến nay.

Theo ông Vinh, cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt, với 2 đặc điểm lớn. Thứ nhất, nước Mỹ đang trong một cuộc khủng hoảng đa chiều, bao gồm khủng hoảng về y tế, kinh tế, xã hội, tác động lớn đến cử tri và kỳ vọng của họ. Thứ hai, nước Mỹ vốn phân hóa qua cuộc bầu cử lần này lại càng phân hóa sâu sắc về chính trị và xã hội. Tân tổng thống sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề.

Những gì ông Trump và nước Mỹ phải đối đầu trong thời gian qua không phải một sớm một chiều có thể thoát ra được. Trước hết là vấn đề đại dịch, các nước như châu Âu cũng đang tái bùng phát đợt mới. Số ca mắc mới ở Mỹ đến ngày 7/11 vẫn rất cao, với hơn 120.000 ca lây nhiễm. Một vấn đề hóc búa là kiểm soát đại dịch còn phải kết hợp với phục hồi kinh tế và xã hội. Ông Vinh cho rằng tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ phải ưu tiên xử lý những khủng hoảng trong nước.

Trong bài phát biểu ngày 7/11, ông Biden nhấn mạnh thông điệp đoàn kết và hàn gắn nước Mỹ. Theo ông Vinh, thông điệp là quan trọng, nhưng không dễ triển khai chính sách. Để hàn gắn nước Mỹ còn liên quan đến chuyện công ăn việc làm, lương tối thiểu, phát triển kinh tế , y tế, chủng tộc, thành phần xã hội, không phải một sớm một chiều làm được.

Bên cạnh đó, 4 cơ quan quan trọng nhất của hệ thống tam quyền phân lập của Mỹ đang chia đều cho 2 đảng. Nhà Trắng về tay đảng Dân chủ. Thượng viện có khả năng vẫn do đảng Cộng hòa giữ đa số, hạ viện có thể vẫn trong tay đảng Dân chủ, còn tòa án tối cao do phe bảo thủ, thiên về Cộng hòa, chiếm đa số. Khi có phân hóa chính trị, muốn làm được việc lớn phải cần ủng hộ của cả hai đảng. “Sau bầu cử mà chia rẽ như thế này thì tổng thống mới phải chèo lái rất vất vả”, ông Vinh nói.

Về đối ngoại, vị nguyên thứ trưởng cho rằng có những thay đổi sâu sắc trong lòng nước Mỹ và thế giới mà ông Biden phải đối diện, như vừa bảo đảm lợi ích, vị thế của Mỹ vừa giảm trách nhiệm của Mỹ trong các cuộc chiến tranh. Đây là xu thế chung của nước Mỹ. Bên cạnh đó là vấn đề tăng cường quan hệ với đồng minh nhưng phải giảm chi phí mà Mỹ phải gánh vác. Ông Biden sẽ phải tính xem sẽ quan hệ với các nước lớn, đặc biệt với Trung Quốc, như thế nào khi cả hai đảng đều coi Trung Quốc là thách thức hàng đầu.

Theo ông Vinh, với bất kỳ tổng thống nào, Mỹ cũng giữ những thành tố căn bản trong chính sách của mình. Đó là bảo vệ lợi ích của Mỹ và vai trò toàn cầu của Mỹ, nhưng từng người sẽ có những ưu tiên và cách tiếp cận khác nhau. Ông Trump nhấn mạnh hơn quan hệ song phương và “nước Mỹ trên hết”. Ông Biden có thể sẽ nhấn hệ giá trị nhiều hơn. Hệ giá trị đó không chỉ là dân chủ - nhân quyền mà còn các tiêu chuẩn khác như môi trường, biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, tiêu chuẩn lao động...

Trong lúc tranh cử ông đã nhấn mạnh rằng ông sẽ tăng cường quan hệ và tham vấn đồng minh và đối tác. Vì thế ông Biden có thể sử dụng các tổ chức đa phương nhiều hơn. “Chắc chắn ông Biden sẽ quay trở lại với ngoại giao truyền thống, dựa vào chiến lược, kế hoạch, dễ đoán hơn những cách làm bất ngờ và khó đoán của ông Trump”, ông Vinh nói.

Một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng vì không công nhận kết quả nên ông Trump có thể gây ra một số vấn đề trong giai đoạn chuyển giao để chính quyền sau phải giải quyết, như châm ngòi xung đột với Trung Quốc trên biển Đông hoặc Đài Loan. Ông Vinh cho rằng nước Mỹ không phải lần này mới chuyển giao quyền lực. Đây là tổng thống thứ 45 chuyển giao cho tổng thống thứ 46. “Tôi nghĩ về cơ bản nước Mỹ chuyển giao đâu có câu chuyện đó. Chính trị hóa nhất chính là lúc tranh cử. Bây giờ ngã ngũ rồi”, ông Vinh nói.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.