Ông Hun Sen chia tay Quốc hội Campuchia

TPO - Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Tối cao và Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen vừa từ chức đại biểu Quốc hội, một bước đi được coi là tiền đề để ông có thể được bầu làm Chủ tịch Thượng viện.

Ông Hun Sen phát biểu trước Quốc hội Campuchia ngày 1/4. (Ảnh: Khmer Times)

“Tôi muốn gửi thông điệp từ biệt tới các đại biểu Quốc hội từ hôm nay (1/4) và sẽ có đơn từ chức chính thức. Sự ra đi của tôi là để hoàn thành một nhiệm vụ khác nên chúng ta vẫn còn cơ hội gặp nhau ở đây”, báo Khmer Times dẫn lời ông Hun Sen.

Ông Hun Sen đưa ra bài phát biểu này trong phần khai mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 7 ngày 1/4.

“Tôi muốn nói rằng tôi đã ngồi trong Quốc hội này hơn một nửa thời gian trong cuộc đời mình, chia làm 2 giai đoạn, từ tháng 6/1981 – 5/1993, tức 12 năm”, ông nói.

“Trong khoảng thời gian đó, ở giai đoạn đầu tôi trở thành đại biểu Quốc hội ở tuổi 29 và công tác tại vị trí Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế. Tôi muốn cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu để tôi trở thành Thủ tướng ở tuổi 32”, ông nói.

Ông Hun Sen cho biết giai đoạn thứ hai của ông kéo dài từ ngày 14/6/1993-2/4/2024.

Trong cuộc họp, ông Hun Sen cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã ủng hộ ông thực hiện nhiệm vụ, như tạo cơ hội sửa Hiến pháp để đẩy nhanh phát triển kinh tế của đất nước.

Ông cho biết Quốc hội ủng hộ cải cách đất đai và trao cho người dân quyền sử dụng đất hợp pháp để làm nông nghiệp và sinh sống.

Cũng trong giai đoạn đó, ông có cơ hội đổi tên quốc gia, từ “Cộng hòa nhân dân Campuchia” sang “Vương quốc Campuchia”. Ông nói rằng đó là một cơ hội quan trọng để cải cách chính trị, nhất là giải quyết những xung đột nội bộ thông qua thương lượng.

Ông Hun Sen cảm ơn tất cả các khóa đại biểu Quốc hội trước đây đã luôn động viên, giúp đỡ giải quyết nhiều vấn đề với ông thông qua đàm phán với Quốc vương Norodom Sihanouk.

Ông cho biết, khi họp kín với các đại biểu Quốc hội, các đại biểu luôn động viên ông tiếp tục làm nhiều việc hơn nữa cho người dân Campuchia. “Đặc biệt, các đại biểu Quốc hội đã không từ chối ký Hiệp định Hòa bình Paris vào ngày 23/10/1991”, ông nói.

Theo Khmer Times