Ông giáo sư chuyên khôi phục 'bản lĩnh đàn ông'

Ông giáo sư chuyên khôi phục 'bản lĩnh đàn ông'
TP - Nghe tiếng ông đã lâu, muốn diện kiến nhưng quả thật rất khó gặp, ông bận suốt ngày với cương vị Giám đốc Trung tâm Nam khoa - Bệnh viện Việt Đức, đi dạy ở trường ĐH Y Hà Nội, rồi đi học thêm, tập huấn nước ngoài nước trong.
Ông giáo sư chuyên khôi phục 'bản lĩnh đàn ông' ảnh 1 Ông giáo sư chuyên khôi phục 'bản lĩnh đàn ông' ảnh 2
GS - TS Trần Quán Anh

Bỗng một hôm, thông qua một người bạn cũng làm báo, ông nhắn: Đến phòng khám “Tâm Anh” của tớ ngay đi, số 30A Lý Nam Đế (Hà Nội) nhé.

Thì ra khi chính thức về hưu, chuyển sang làm cố vấn cho Trung tâm Nam khoa mà mình làm giám đốc trước đây, không chịu ngơi tay, ông lại mở “Tâm Anh” để vừa làm vừa đào tạo thêm cho một số “đệ tử chân truyền”.

Câu chuyện giữa chúng tôi mở dần ra, một câu chuyện đời, chuyện người thật thú vị.

Người đa tài

Thật ra, cái tên Trần Quán Anh đã nổi tiếng từ khá lâu nay, nhưng lại trong lĩnh vực... sân khấu. Làm bác sĩ, kinh qua các chiến trường ác liệt bom đạn như Vĩnh Linh, Quảng Trị ông ấm ức vì những hy sinh vất vả của những người chiến sĩ áo trắng chưa được biết đến nên đã viết vở kịch “Tiền tuyến gọi” (1966). Vở kịch được nhiều đoàn nghệ thuật dàn dựng, diễn hàng trăm đêm, sau lại được dựng thành phim.

Những dòng nhật ký đầy trăn trở của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm cũng có nhắc đến hai bác sĩ mới ra trường Hương Giang, Vũ Khiêm với ham muốn cống hiến tất cả cho đất nước - chính là các nhân vật trong “Tiền tuyến gọi”.

Ít ai biết, thời ấy khi ông bắt đầu nghiệp thầy giáo ở trường ĐH Y Hà Nội thì Đặng Thùy Trâm là một trong những sinh viên Y1 đầu tiên của ông.

Nhà thơ Tố Hữu, với cương vị Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khi đó đã khuyên ông chuyển sang nghiệp cầm bút, nhưng rồi suy đi nghĩ lại, Trần Quán Anh quyết định mình phải theo nghiệp cầm dao mổ.

Từ đó, ông lánh xa không khí của những sàn diễn, thậm chí trốn chạy những buổi gặp mặt, tụ tập của những người cầm bút để “tu luyện”.

Quyết định này đã làm mất đi một nhà biên kịch nhưng đem đến một bác sĩ tài ba, một trong những người xây dựng nên ngành tiết niệu học, và sau này là người khai sinh khoa Nam học ở Việt Nam.

Ông kể: Trên thế giới, đã từ lâu người ta rất quan tâm đến sức khoẻ tình dục, chuyên ngành cho phái nam cũng đã có từ rất lâu. Tôi đi một số nước trong khu vực như Singapore, Indonesia, Thái Lan từ năm 1990 đã thấy ngành này phát triển rất “hoành tráng”, thế là về đề xuất làm.

Nhưng thoạt tiên, công việc không hề suôn sẻ, ông và đồng nghiệp làm việc như “lang vườn”, không có danh nghĩa, chỉ như một công việc làm thêm ở khoa tiết niệu, ông đùa rằng làm việc này như chữa bệnh chui!

Ông qua Thái Lan tìm hiểu cách chuyển giới, qua Pháp học cách phẫu thuật chữa liệt dương... Tính ra, Trần Quán Anh đã đi rất nhiều nước, đi đến đâu ông cũng tìm tài liệu và chăm chăm học kinh nghiệm chuyên môn.

Ban đầu, tất cả đều mò mẫm, thuốc thiếu, dụng cụ chữa bệnh cũng thiếu, công việc chủ yếu làm ngoài giờ. Rất may, nhờ những cố gắng của ông, năm 2002, Bộ Y tế thành lập “đơn vị Nam học” và năm 2006 đã được nâng cấp thành Trung tâm Nam học.

GS-TS Trần Quán Anh giở lại đống hồ sơ cũ. Ông cho biết, trong vòng 17 năm qua, ông và các đồng nghiệp đã “giải cứu” được 5.000 trường hợp mà ông gọi là “bi kịch không thể nói ra”.

Bệnh án, tên người bệnh đã được giáo sư mã hóa. Với bệnh này, nếu bệnh nhân không muốn, ngay cả bác sĩ điều trị cũng không được biết người bệnh tên gì, ở đâu.

Giáo sư rất tâm lý và rất cởi mở, cái vẻ ngoài đó cộng với tuổi tác chững chạc đủ sức thuyết phục những người ngại ngùng nhất. Và thật sự, đã có rất nhiều người không những kể hết bệnh mà còn dốc bầu tâm sự với ông như người anh lớn, người bạn thân.

Có người buồn rầu: “Vợ chồng tôi đã chia tay mấy năm rồi”. Có người vì “không thể làm gì” đành nhắm mắt để vợ đi ngoại tình...

Ông kể câu chuyện về một vị phó chủ tịch một tỉnh nọ đến chữa bệnh nhưng vừa thấy một em sinh viên thực tập cùng tỉnh quen mặt là lập tức “đánh bài chuồn”.

Để người bệnh đỡ ngại, GS bố trí một phòng khám vừa nhỏ, vừa kín, không có biển đề, nép vào phía trái cầu thang, cửa lúc nào cũng đóng im ỉm. Thế nên có người bảo ông chữa bệnh cứ như... in tiền giả! Ông cười, cái khả năng đàn ông còn là cái sĩ diện rất lớn nữa. Nhiều bệnh nhân của ông chia sẻ, nhiều lúc họ đã muốn tự tử, và chữa được bệnh cho họ, thực chất là cứu họ.

Bệnh “mất khả năng chiến đấu” -  muôn hình muôn vẻ

Cũng chính vì đây là bệnh tế nhị nên rất ít người biết phần chìm của tảng băng. Thật ra, các cơ sở chữa bệnh nam khoa hiện đang quá tải, Trung tâm Nam học - Bệnh viện Việt Đức mỗi ngày có 50-100 bệnh nhân (30% là rối loạn cương dương).

Hiện mới chỉ có một số cơ sở ở Hà Nội và TPHCM, nhiều tỉnh như Thái Nguyên, Hải Phòng, Thái Bình cũng đang muốn xây dựng khoa Nam học.

Vui chuyện, GS cho chúng tôi hay: Lao động trí óc là hay dẫn đến “mất khả năng chiến đấu”. Ông dẫn ra một số liệu: 78% những chàng mắc rối loạn cương là trí thức, doanh nhân, chỉ có 5% là công nhân!

Đáp lại vẻ mặt sợ sệt của chúng tôi, GS cười lớn: Đừng lo, kết hợp làm việc với nghỉ ngơi hợp lý, thể dục thể thao là không vấn đề gì cả. Lắm anh vừa có tý trục trặc đã lo cuống lên, thế là rối loạn càng nặng.

Bệnh này tâm lý rất quan trọng, tự tin là chiến thắng. Chỉ những trường hợp đặc biệt mới cần dùng thuốc thôi. Mà đừng dùng thuốc linh tinh mua ngoài chợ với ở biên giới nhé, nguy hiểm lắm đấy!

Trầm lại giây lâu, GS nói: Không phải mình là đàn ông thì bênh đàn ông đâu, nhưng quả là đàn ông cũng khổ. Gánh nặng cuộc sống rất nhiều mà lại luôn phải giữ vai trò đầu tàu cho cả gia đình. Cuộc sống đã căng thẳng lại thêm ô nhiễm môi trường, rồi nhiều anh lại bia rượu. Ấy thế cho nên các bệnh đặc thù của giới: rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, dị tật cơ quan sinh dục... ngày càng nhiều.

Biết bao nhiêu cảnh ngộ cuộc đời đã tìm đến ông: một cặp vợ chồng giảng dạy trong một trường đại học của quân đội, sống với nhau hơn 15 năm nhưng chưa có con, vì người chồng không thể “làm gì”, dù rất yêu vợ. Hai vợ chồng có ý định xin làm thụ tinh nhân tạo để có đứa con.

Khám cho người vợ, các bác sĩ mới biết, đến lúc đó chị vẫn còn... trinh. Nể phục người vợ, thương anh chồng, GS Trần Quán Anh quyết tâm chữa. Mấy tháng sau hai vợ chồng nọ đến cảm ơn GS vì người vợ không cần làm thụ tinh nhân tạo nữa.

Có anh đã định... giã từ cuộc sống chỉ vì một đêm vợ chồng anh đã chuẩn bị sẵn sàng: đưa con sang ông bà, ăn những món bổ dưỡng, nghe nhạc êm dịu… để “tình tang” cho thoải mái thì khi lâm trận, không biết sao mà anh chồng càng cố gắng càng thất bại thảm hại.

Bà vợ không hiểu, tức quá, đạp phắt anh xuống giường... Khá nhiều trục trặc xuất hiện từ phía bà vợ, hoặc phải có sự giúp đỡ tích cực của người vợ mới thành công.

Như câu chuyện về một đôi vợ chồng hay phải xa nhau vì chồng là bộ đội. Một lần khi anh chồng sắp về, chị vợ háo hức chuẩn bị rất tươm tất, nào trang phục gợi cảm, nào nước hoa và chị còn cẩn thận xịt cả thuốc chống muỗi trong phòng. Ngờ đâu, anh chồng không chịu được các mùi lạ liền xỉu luôn!

Lại có chuyện một cặp mới cưới, không biết bạn bè xui thế nào, mà cô dâu thắt dải rút quần tới 10 nút để chú rể chứng tỏ sự chinh phục. Chàng rể mới loay hoay tháo gỡ không xong, mất hứng cũng xỉu luôn!

Tác nhân ban đầu là vậy, nhưng ám ảnh lại kéo dài. Thế là các bà sẽ được triệu tới để nghe GS hướng dẫn. Và đó chính là lý do khiến nhiều người thắc mắc: Tại sao phòng khám nam khoa mà phụ nữ cũng… đến khám?!

GS - TS, Nhà  giáo nhân dân Trần Quán Anh:

+ Hội viên Hội Tiết niệu Thế giới

+ Tổng thư ký Hội tiết niệu - thận học VN

+ 16 công trình nghiên cứu về lĩnh vực dị vật bẩm sinh trong bộ phận tiết niệu.

+ Biên soạn 3 giáo trình chuyên đề đại học và trên đại học.

+ Không chỉ khám và chữa các bệnh tiết niệu nam nữ như: sỏi đường tiết niệu, nhiễm trùng đường tiết niệu, thận, niệu quản, tuyến tiền liệt...Giáo sư - Tiến sĩ  Trần Quán Anh còn chữa trị các bệnh nam học như: mãn dục nam giới; các rối loạn về tình dục nam; vô sinh nam giới (hiếm muộn); dị tật bẩm sinh đường sinh dục. Ông cũng sẵn sàng tư vấn về sức khoẻ sinh sản trước hôn nhân cho các bạn trẻ.

Nam khoa không chỉ điều trị rối loạn cương, GS Trần Quán Anh cho biết: Chúng tôi phải giải quyết những trường hợp dị tật ở dương vật, như dương vật quá ngắn, phát triển chậm, thậm chí có trường hợp bị cong vẹo hay bị... chẻ đôi. Số ca bị chấn thương khiến cơ quan sinh dục nam bị dập, bị cắt đứt gần đây khá nhiều.

Tò mò, chúng tôi hỏi hiện nay nhiều người sang Thái để chuyển giới tính, vậy Việt Nam sao không làm được, GS nói ngay: Sao lại không làm được, nhưng luật Việt Nam chưa cho phép làm việc này. Nên nhớ rằng có hai loại phẫu thuật: định giới và chuyển giới. Loại thứ nhất với những người có cấu tạo cơ thể bên trong là nam nhưng bộ phận sinh dục ngoài lại là nữ và ngược lại, khi có yêu cầu, các bác sĩ sẽ phẫu thuật tạo hình để trả lại giới tính đúng cho họ.

Đây là việc làm nhân đạo được pháp luật cho phép. Còn chuyển đổi giới tính là một phẫu thuật có tính tàn phá, phải cắt bỏ hoàn toàn các cơ quan sinh dục khoẻ mạnh, tạo ra các cơ quan thay thế nhưng chỉ có tính giả tạo, không còn chức năng sinh sản thật sự.

Bản thân tôi cũng không tán thành việc này vì tôi nghĩ đừng nên làm ngược lại hoàn toàn tạo hoá. Việc này, ngoài tốn kém còn khá nguy hiểm về sau...

Câu chuyện với ông thật thú vị, nhưng ông đã lại có bệnh nhân đến. Chia tay chúng tôi ông bảo: Hôm nào đến chơi nhé, nhà tôi ở ngõ 124, Âu Cơ, Tứ Liên, quận Tây Hồ, HN.

Nheo mắt nhìn chúng tôi hóm hỉnh, ông bỏ nhỏ: Có gì trục trặc cứ đến nhé, đừng ngại! À mà có con muốn theo ngành Y thì cho vào ngành nam học đi. Hiện nay Đại học Y HN, ĐH Y Dược TPHCM, Học viện Y học Cổ truyền có dạy rồi đấy. Ngành này có tương lai các ông ạ...

MỚI - NÓNG